Thứ sáu, 09/10/2020 15:35 GMT+7

Tiếp tục ưu tiên đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y tế

Chiều ngày 07/10/2020, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và đồng chí Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã đồng chủ trì Hội nghị Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN lĩnh vực Y tế năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự Hội nghị có các đơn vị liên quan của hai Bộ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo tình hình hoạt động KH&CN ngành Y tế, giai đoạn 2016 – 2020, hoạt động KH&CN đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, đặc biệt thông qua các nhiệm vụ KH&CN được giao trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ như dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Y tế” thuộc Chương trình Quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia như Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia Vắc xin phòng bệnh cho người; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” (KC.10/16-20).

Có thể kể đến một số thành tựu nổi bật đã và đang được ứng dụng trong thực tế như lần đầu tiên thực hiện thành công ghép phổi từ người cho chết não tại Việt Nam ngày 26/2/2018; Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công ứng dụng Robot trong phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ở trẻ em như: cắt thùy phổi, điều trị bệnh nang ống mật chủ, điều trị bệnh thận ứ nước do hội chứng khúc nối bể thận niệu quản, điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em. Kết quả kỹ thuật phẫu thuật nội soi Robot đã cho thấy có nhiều ưu việt so với phẫu thuật thông thường như: giảm sang chấn, giảm đau sau mổ, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị sau mổ và giá trị thẩm mĩ cao hơn; tỉ lệ biến chứng chung trong và sau mổ của phẫu thuật nội soi Robot thường rất thấp.

KH&CN cũng đóng góp lớn vào thành tựu lần đầu tiên đề xuất phương pháp mới sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị bại não ở trẻ em tại Việt Nam. Việt Nam là một trong số ít trung tâm trên thế giới có thể tiến hành được liệu pháp này. Đây là phương pháp điều trị đích trên cơ sở sửa chữa các tổn thương não dẫn tới bại não nên khi ứng dụng thành công sẽ thay thế và hỗ trợ cho các phương pháp điều trị truyền thống. Phương pháp này tương đối an toàn, hầu như không có tác dụng ngoại ý sau ghép, tiết kiệm chi phí (chi phí cho 1 lần ghép tế bào gốc ở Trung Quốc khoảng 220 triệu VNĐ, tại Vinmec khoảng 75 triệu VNĐ).

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện Nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của vi rút corona 2019 (SARS-CoV-2) và đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng 02 bộ KIT; đã cung cấp hơn 100.000 test cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và nhận được phản hồi tốt về chất lượng sản phẩm từ các đơn vị sử dụng KIT; tặng các nước Lào, Indonexia và Hungary: mỗi nước 500 test; xuất khẩu một số nước, bao gồm thị trường Châu Âu: Campuchia, Balan, Ucraina, Áo, Phần Lan, Malaysia (20.000 test),… Bộ Kit được Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và Giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường Châu Âu (CFS) ngày 20/4/2020; đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước, giá rẻ hơn so với giá nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách và có năng lực xuất khẩu; được Tổ chức Y tế thế giới gửi thư chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL). Việc nghiên cứu và sản xuất thành công bộ KIT có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lúc dịch bệnh đang là mối lo ngại trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành KH&CN và doanh nghiệp nói riêng trước những vấn đề cấp thiết đặt ra từ cuộc sống. Công trình nghiên cứu này được nhận giải thưởng Bảo Sơn trị giá 60.000 USD do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cùng với đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ đột xuất “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học và vi rút bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona 2019 (Covid-19) tại Việt Nam” do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, có sự phối hợp tài trợ nghiên cứu về cơ chế lây truyền của virus SARS-CoV-2 với Quỹ Vinif của tập đoàn Vingroup. Thành công này tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về vi rút nCoV, sản xuất vắc xin, thuốc và test kít phát hiện nCoV; ngày 06/4/2020 Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã nghiên cứu nuôi cấy, phân lập thành công thêm một chủng nCoV ở những bệnh nhân Covid-19 về từ châu Âu.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, nhiều công trình, cụm công trình đặc biệt xuất sắc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN như: Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chuẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch; Nghiên cứu và ứng dụng KH&CN nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu, điều trị người bệnh và có đủ máu dự trữ cho an ninh, quốc phòng, dự phòng thảm họa ; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chuẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác; và công trình Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó với một số bệnh nguy hiểm được trao Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.

Đối với Chương trình KC.10/16-20, qua 4 năm đã ghi nhiều dấu ấn, góp phần đưa trình độ KH&CN về Y - Dược nước ta theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần cứu sống nhiều người bệnh với giá thành rẻ hơn so với đi nước ngoài điều trị như ghép phổi, các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, kỹ thuật chẩn đoán trước sinh, ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị... Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu như kim luồn tĩnh mạch; sản phẩm điều trị Alzheimer; thủy tinh thể nhân tạo; các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm, bệnh máu ác tính, chẩn đoán vô sinh;...

Về ứng dụng kết quả KH&CN trong sản xuất thuốc, thuốc từ dược liệu, các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp thu làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao những kết quả đã đạt được về nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y tế.

Tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo các đơn vị của 2 Bộ đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển nguồn dược liệu và thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, bản quyền sản phẩm; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hoạt động thông tin, thống kê KHCN và đổi mới sáng tạo, vấn đề liên thông cơ sở dữ liệu KH&CN; những định hướng nghiên cứu giai đoạn tiếp theo;…

Qua trao đổi, thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đều thống nhất đánh giá cao các kết quả đã đạt được về KH&CN trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2016 - 2020 và khẳng định hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này, những đóng góp quan trọng trong đó có cả nhiều sản phẩm công nghệ đạt trình độ thế giới. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ và triển khai các công việc theo thỏa thuận hợp tác đã ký giữa 2 Bộ.

Lãnh đạo hai Bộ thống nhất với định hướng ưu tiên phát triển KH&CN ngành Y tế năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường phối hợp để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: phát triển vắc xin cho người, đặc biệt vắc xin phòng COVID-19; tiếp tục triển khai Chương trình KC.10, Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia, các nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam hàng năm thuộc lĩnh vực Y tế; phối hợp tăng cường truyền thông thành tựu KH&CN trong lĩnh vực Y tế,…

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3378

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)