Thứ sáu, 11/09/2020 17:20 GMT+7

Góc nhìn hội nhập KH&CN quốc tế: Ứng dụng công nghệ Block Chain và tiêu chuẩn Global GAP trong nông nghiệp Việt Nam

Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nông sản ở Việt Nam luôn là vấn đề nóng không những đối với tiêu dùng trong nước mà cả xuất khẩu. Đâu là giá trị và minh bạch của thông tin an toàn nông sản, thực phẩm Việt là câu hỏi lớn được đặt ra không chỉ với nhà quản lý mà cả với doanh nghiệp/ các tổ chức trung gian, nhà nông và nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cần được giải quyết dứt điểm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt, đồng thời bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng. Nhận thức được điều đó cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình vươn ra các nước trong khu vực và trên thế giới mà đầu vào của quá trình này là cùng với những người nông dân, chủ trang trại đẩy mạnh việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBAL GAP) và các công nghệ tiên tiến trong quá trình nuôi trồng, chế biến, bảo quản và thương mại hóa sản phẩm nông sản, thực phẩm, đồng thời phát triển tính tường minh nguồn gốc và chất lượng nông sản trong quá trình hội nhập. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm hiểu và thực hiện việc tuân thủ bộ tiêu chuẩn GLOBAL GAP và khả năng ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm.

Mạng lưới tiêu chuẩn GLOBAL GAP có mặt và phát triển  tại 5 châu lục với hơn 10 ngôn ngữ khác nhau, với một lượng khách hàng khoảng 210.000 công ty đã được chứng nhận tại hơn 130 quốc gia/ nền kinh tế trên thế giới. Hệ thống đánh giá sự tuân thủ và giám sát việc thực thi của các công ty chứng nhận (nhánh của GLOBAL GAP) đã và đang là những đòn bẩy cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản và nhà nông khắp nơi trên thế giới có thể chủ động tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Mô hình quản trị GLOBAL GAP gần gũi và thiết thực thông qua hình thức quản trị bởi Ban chỉ đạo do các thành viên bầu ra. Mạng lưới có hơn 1.000 chuyên gia quốc tế làm việc trong các ban kỹ thuật, nhóm công tác quốc gia và nhóm chuyên trách khác; và hơn 2.000 đánh giá viên làm việc tại hơn 160 công ty tư vấn trên toàn cầu để hỗ trợ nông dân đạt chứng nhận. Bên cạnh đó, thông qua cơ sở dữ liệu trực tuyến của GLOBAL GAP, người dùng có thể kiểm tra sản phẩm có được chứng nhận hay không và cả tính hiệu lực của chứng nhận. Ngoài ra, tiêu chuẩn của GLOBAL GAP có thể hợp chuẩn với các tiêu chuẩn khác trên thế giới với 13 chữ số ký mã hiệu LGN. Hiện nay GLOBALGAP đã có hệ thống đăng ký chứng nhận lên đến 600 sản phẩm nông lâm sản và sinh vật cảnh.



Chuyên gia của GLOBALGAP đánh giá việc áp dụng Bộ tiêu chuẩn GLOBAL GAP tại Việt Nam trong thời gian vừa qua (ảnh VISTIP)
 

Hiện nay có nhiều sản phẩm khi truy xuất nguồn gốc bằng phương pháp thủ công hoặc bằng mã QR thông thường chỉ thuần túy dẫn tới website của doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó. Cách làm như vậy khiến mã QR không thực hiện đúng chức năng truy xuất nguồn gốc mà giảm tính minh bạch khi doanh nghiệp chủ động đưa hoặc chỉnh sửa thông tin an toàn nông sản theo mong muốn của mình, các đơn vị cung cấp tem dán mã QR có thể can thiệp chỉnh sửa thông tin của sản phẩm.

Với công nghệ Blockchain, thông tin không thể chỉnh sửa vì mỗi một dữ liệu của từng công đoạn sẽ được lưu lại thành một khối (block) và được tuần tự đưa lên chuỗi theo trình tự thời gian thực; thông tin được đưa lên phải được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia trong chuỗi (sản xuất, đóng gói, phân phối…) và thông tin đã đưa lên thì không thể gỡ xuống hay thay đổi được. Thông qua ứng dụng công nghệ này vào quá trình sản xuất và thương mại hóa nông sản, người dùng sẽ được cung cấp các thông tin cần thiết trong suốt quá trình từ quá trình canh tác, gieo trồng, chăm sóc, thu hái, đóng gói, bảo quản,vận tải… cũng như quy mô canh tác, thông tin của người sản xuất và các bên tham gia trong cả chu trình từ sản xuất đến tiêu dùng, góp phần tăng cường niềm tin của người tiêu dùng nói chung và nhà nhập khẩu nói riêng đối với chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Giải pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng mã QR qua công nghệ Blockchain không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng mà ngay cả nhà sản xuất, phân phối thực phẩm cũng được hưởng lợi .. .



Đại diện Đại sứ quán Australia phát biểu trong một hội thảo đánh giá dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc nông sản tại TP Hồ Chí Minh (ảnh VISTIP)

 

Hòa chung xu hướng hội nhập quốc tế về KH&CN, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của Internet kết nối vạn vật (IoT); trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), việc ứng dụng GLOBAL GAP và Blockchain giúp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát được tính minh bạch hóa thông tin của các chủ thể trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; giúp Chính phủ có cái nhìn rõ hơn về các hoạt động của thị trường và có thể truy vấn bất kỳ khâu nào của quá trình khi có nhu cầu thanh kiểm tra. Chính nhờ tính minh bạch này nên công nghệ Blockchain và chứng nhận đạt chuẩn GLOBAL GAP còn đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại gian lận trong kinh doanh nông sản thực phẩm, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường nông sản, thực phẩm trong nước cũng như trên thế giới, nên thiết nghĩ trong thời gian tới Việt Nam cần có các chính sách, chương trình cụ thể để người dân cũng như doanh nghiệp hiểu và ứng dụng phát huy ưu điểm của tiêu chuẩn GLOBAL GAP và công nghệ Blockchain để ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng có nhiều lô hàng nông sản được cấp phép xuất khẩu sang các nước như Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.... mở rộng phạm vi tiêu thụ nông sản Việt ra nước ngoài và chiếm lĩnh được các thị trường siêu khó tính ở các quốc gia phát triển.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 1402

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)