Thứ bảy, 29/08/2020 23:23 GMT+7

Công nghệ Năng lượng hạt nhân: Phân tích từ thông tin sáng chế

Sử dụng năng lượng hạt nhân giúp giảm khí thải nhà kính, mang lại nguồn cung cấp điện ổn định, đảm bảo năng lượng bền vững, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Công nghệ năng lượng hạt nhân hay năng lượng nguyên tử là một loại công nghệ được thiết kế để tách năng lượng hữu ích từ hạt nhân nguyên tử thông qua các lò phản ứng hạt nhân có kiểm soát. Phương pháp duy nhất được sử dụng hiện nay là phân hạch hạt nhân, mặc dù các phương pháp khác có thể bao gồm tổng hợp hạt nhân và phân rã phóng xạ. Tất cả các lò phản ứng với nhiều kích thước và mục đích sử dụng khác nhau đều dùng nước được nung nóng để tạo ra hơi nước và sau đó được chuyển thành cơ năng để phát điện hoặc tạo lực đẩy1.

Sử dụng năng lượng hạt nhân giúp giảm khí thải nhà kính, mang lại nguồn cung cấp điện ổn định, đảm bảo năng lượng bền vững, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài. Mặc dù việc sử dụng năng lượng hạt nhân vẫn còn một số tranh cãi như tạo ra chất thải nguy hại cho môi trường, quá trình vận hành có khả năng rủi ro và sự cố khá cao, chi phí xây dựng tốn kém cũng như tiềm tàng nguy cơ về an ninh hạt nhân, nhưng đến nay, đây vẫn là một trong những nguồn năng lượng sạch có giá trị, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng không ngừng tăng nhanh2.
 

Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân trên thế giới

Công cụ phân tích: Công cụ tra cứu Orbit của Questel.

Lĩnh vực tra cứu: Tra cứu theo phân loại sáng chế quốc tế (IPC) được xác định bởi nhóm chuyên gia về IPC của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, được đăng tải ở địa chỉ; https://www.wipo.int/classifications/ipc/en/green_inventory/.

Phạm vi không gian: Toàn cầu

Phạm vi thời gian: Từ 01/01/2006 trở đi.

Ngày thực hiện tra cứu: 13/4/2020

Kết quả tra cứu:

 

Kết quả tra cứu cho thấy, có tổng số 50.793 tài liệu sáng chế được tìm thấy liên quan đến các phân loại nêu trên, trong đó có 54,85% sáng chế đã được cấp bằng.
 

Phân tích theo lĩnh vực công nghệ 


Biểu đồ này dựa trên mã phân loại sáng chế quốc tế (IPC) có trong tập hợp sáng chế đang được phân tích. Các mã IPC được tập hợp trong 35 lĩnh vực công nghệ, giúp xác định tính đa dạng hoặc tính đặc thù của danh mục sáng chế của chủ đơn. Hình minh họa cho phép người dùng xác định rất nhanh việc kinh doanh cốt lõi của chủ thể đang nghiên cứu. Các danh mục ít được đại diện nhất cũng đóng vai trò là phương tiện để xác định các ứng dụng tiềm năng khác về sáng chế của chủ thể này. Biểu đồ rất hữu ích trong việc xác định sáng chế trong một khu vực và trong một lĩnh vực có thể có nhiều mục đích sử dụng. Nó có thể hữu ích để xác định việc sử dụng mới cho các sáng chế đã được nộp.

Theo biểu đồ nêu trên, từ 2006 cho đến nay lĩnh vực chính có sáng chế liên quan đến năng lượng hạt nhân chính là động cơ, bơm và tuabin. Ngoài ra, có thể kể đến một số lĩnh vực khác có liên quan như đo lường, công nghệ y tế, kỹ thuật hóa học, công nghệ môi trường và thiết bị điện – năng lượng.



 

Biểu đồ tiếp theo này cung cấp các khái niệm được sử dụng nhiều nhất trong khu vực nghiên cứu. Đây có thể là một nguồn ý tưởng cho sự phát triển mới hoặc xác định các công nghệ được bảo hộ trong một lĩnh vực mới.

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, nhà máy năng lượng hạt nhân và lò phản ứng là hai lĩnh vực đã được quan tâm nhiều nhất cho đến nay. Ngoài ra có thể kể đến nguồn phóng xạ và phóng xạ nuclit cũng là chủ đề nghiên cứu của nhiều sáng chế.
 

Phân tích theo chủ đơn và tác giả sáng chế chính



 

Biểu đồ trên cho thấy danh mục đầu tư của chủ đơn và các đồng chủ đơn chính của họ. Đây là một chỉ báo tốt về xu hướng hợp tác của chủ đơn và cũng như xác định các đối tác ưa thích của họ. Đồng thời, để nghiên cứu các sáng chế của một chủ đề cụ thể, biểu đồ thể hiện các chủ đơn hàng đầu theo số đơn đã nộp trong lĩnh vực, giúp chỉ ra các chủ đơn có số lượng sáng chế lớn nhất trong danh mục đầu tư của họ trong lĩnh vực đang được phân tích.

Ba chủ đơn hàng đầu trong lĩnh vực này là Toshiba, CGN và Korea Atomic Energy Research Institute (KAERI) với số lượng họ sáng chế lần lượt là 1.890, 1.496 và 1.362 từ năm 2006 đến nay.



 

Biểu đồ tiếp theo minh họa tình trạng pháp lý của nhóm các sáng chế của các chủ đơn hàng đầu. Thông tin này cho phép xác định tình trạng hiệu lực của sáng chế. Có thể thấy rằng, mặc dù Toshiba có lượng đơn cao nhất, nhưng tỷ lệ được cấp bằng thấp hơn những chủ đơn khác. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ đứng thứ ba trong danh sách các chủ đơn, Korea Atomic Energy Research Institute (KAERI) lại có lượng đơn được cấp cao nhất, thể hiện tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này.


Biểu đồ này đưa ra được các nhà sáng chế có số lượng họ sáng chế lớn nhất, trong đó phải kể đến Li Qing, Li Jun và Zhou Tao với số lượng lần lượt là 147, 125 và 118 họ sáng chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp của họ trong lĩnh vực này.


Phân tích xu hướng nộp đơn và xu hướng đầu tư


 

Biểu đồ trên đã phác họa sự phát triển của các đơn nộp theo thời gian, cho thấy động lực sáng tạo của lĩnh vực kỹ thuật được nghiên cứu.

Lưu ý: Khoảng thời gian luật định cho việc công bố là tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn, do đó số liệu công bố đầy đủ nhất (cho đến thời điểm phân tích) sẽ bao gồm các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên từ tháng 10 năm 2018 trở về trước. Các số liệu năm 2019 và 2020 chưa đưa vào phân tích do các đơn có ngày nộp đơn đầu tiên trong giai đoạn này phần lớn chưa được công bố.

Nhìn vào biểu đồ ta thấy, lượng đơn có xu hướng tăng từ năm 2009 và đạt số lượng lớn nhất vào năm 2012 với 4.580 đơn. Lượng đơn nộp vẫn có xu hướng tăng, chứng tỏ đây là lĩnh vực vẫn đang thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và đầu tư.



 

Biểu đồ tiếp theo thể hiện rõ hơn các quốc gia đứng đầu trong mảng công nghệ này. Cụ thể, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ là 03 quốc gia đứng đầu với số lượng đơn nộp lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng thay thế.
 

Xu hướng bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân tại Việt Nam

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển công nghệ năng lượng thay thế ở Việt Nam trong thời gian qua, các số liệu về đơn sáng chế được tra cứu dựa trên sơ sở dữ liệu Thư viện số về sở hữu công nghiệp (IPLIB) của Cục Sở hữu trí tuệ.

Tra cứu theo phân loại IPC đã được xác định bởi WIPO, phạm vi toàn thời gian cho đến thời điểm tra cứu thu được 111 đơn sáng chế liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân, điều này chứng tỏ tiềm năng chưa được khai phá ở Việt Nam do mật độ sáng chế trong lĩnh vực này còn thấp.
 

Nhận xét chung

Bằng việc phân tích thống kê dữ liệu từ thông tin sáng chế, tình hình đăng ký sáng chế trong lĩnh vực công nghệ năng lượng hạt nhân đã được minh họa một cách tương đối rõ ràng và đầy đủ. Trên bản đồ công nghệ năng lượng hạt nhân thế giới, có thể thấy rõ rằng đứng đầu trong lĩnh vực này là Toshiba, CGN và Korea Atomic Energy Research Institute (KAERI) với số lượng họ sáng chế lần lượt là 1.890, 1.496 và 1.362 từ năm 2006 đến nay. Dựa vào danh sách các chủ đơn đứng đầu cũng như cá nhân có lượng đơn lớn nhất thì có thể thấy Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ là ba quốc gia đứng đầu trong công nghệ năng lượng hạt nhân. Trên thực tế, đây cũng là các quốc gia có lượng đơn bảo hộ sáng chế nhiều nhất trong lĩnh vực này. 

Thống kê cũng đưa ra những lĩnh vực công nghệ liên quan đến công nghệ năng lượng hạt nhân đã có nhiều sáng chế nhất là động cơ, bơm và tuabin. Ngoài ra, có thể kể đến một số lĩnh vực khác có liên quan như đo lường, công nghệ y tế, kỹ thuật hóa học, công nghệ môi trường và thiết bị điện – năng lượng. Từ đó, giúp các nhà đầu tư xây dựng chiến lược hoạch định đổi mới khoa học và công nghệ, xây dựng chính sách hiệu quả, thiết lập hướng nghiên cứu và phát triển cũng như chiến lược sáng chế để thâm nhập thành công vào thị trường, giảm thiểu cạnh tranh với những đối thủ lớn. Bên cạnh đó, nhờ thông tin đưa ra về các chủ đơn lớn, các nhà đầu tư có cơ sở giám sát hoạt động của đối thủ, có danh mục đầu tư vào bằng sáng chế của các công ty - phân tích các công ty hàng đầu và tập trung vào công nghệ, xác định các đối tác/cộng tác viên tiềm năng, cũng như các đối thủ cạnh tranh và phân bổ nguồn lực có hiệu quả./.

____________

1https://smartsciencevn.fandom.com/vi/wiki/N%C4%83ng_l%C6%B0%E1%BB%A3ng_H%E1%BA%A1t_nh%C3%A2n

2https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2893443/loi-ich-va-tac-hai-khi-san-xuat-dien-tu-nang-luong-hat-nhan

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1094

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)