Thứ ba, 04/08/2020 19:22 GMT+7

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm na dai

Ngày 20/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2806/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00083 cho sản phẩm na dai “Lục Nam”. Ủy ban nhân dân huyện Lục Nam là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Na dai của Lục Nam từ lâu nổi tiếng bởi hương vị thơm mát ngọt bùi, dẻo dai, được nhiều người biết đến. Cây na dai được trồng ở Lục Nam từ rất lâu đời, ban đầu mới chỉ là một số gia đình trồng để ăn chơi. Đến khoảng những năm 1987 - 1988, nhiều người được ăn, thấy giống na ngon, họ để giống và đặt vườn. Quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An... Từ những năm 1990, người dân Lục Nam bắt đầu phát triển thêm diện tích trồng na. Đặc biệt, khoảng 15 năm trở lại đây, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc, người trồng na ở Lục Nam đã tuyển chọn được các giống na ngon, tìm ra cách chăm sóc để cho na ra sai quả. Có giống na ngon, có kỹ thuật chăm tốt, na Lục Nam đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân Lục Nam.



 

Na dai Lục Nam dạng khối hình trái tim, vỏ quả sần, có màu xanh hơi vàng, kẽ mắt có mầu vàng trắng. Quả có đường kính  74,31 – 89,68 mm, chiều cao 68,66 – 85,84 mm, trọng lượng quả ở mức 299,56 – 466,40 g/quả. Tỉ lệ phần ăn được của na dai Lục Nam ở mức 54,20 – 66,75 %. Khi ăn, na có mùi thơm nhẹ và vị ngọt thanh, chua nhẹ, không chát. Sở dĩ na dai Lục Nam có mùi vị đặc trưng như vậy là do hàm lượng đường tổng số và độ Brix trong quả cao (hàm lượng đường tổng số: 12,05 – 12,56 %; độ Brix: 15,96 – 19,04 %), trong khi hàm lượng Axit và Vitamin C trong quả thấp hơn các sản phẩm cùng loại khác (hàm lượng Axit tổng số: 1,61 – 1,90 %; hàm lượng Vitamin C: 36,79 – 43,38 mg/100g tươi phần ăn được). Đặc biệt, na Lục Nam còn có hàm lượng Cellulose (chất xơ) cao ở mức 0,88 – 1,62 % theo vật chất khô, do đó rất có lợi cho quá trình tiêu hóa của người sử dụng.

Danh tiếng và chất lượng đặc thù của na dai Lục Nam có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Khu vực địa lý mang tính chất của khí hậu lục địa vùng núi Đông Bắc khá rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 20 - 25oC. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 895 - 2.988 mm/năm. Độ ẩm trung bình năm từ 80 - 85%. Số giờ nắng trung bình trong năm là 1.401 giờ. Tổng lượng bốc hơi trung bình năm là 750 - 850 mm. Nhìn chung lượng bốc hơi thường thấp hơn lượng mưa, kết hợp với hệ thống sông suối và các ao hồ tích trữ nước nên mùa khô ít hạn.


 

Khu vực địa lý ở ven các sườn đồi có độ dốc <15o thuộc địa hình vùng rẻo cao và vùng đồi núi thấp, rất thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Do vùng trồng na Lục Nam ở khu vực chân núi và đồi núi thấp, nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngọt hơn so với các sản phẩm na khác được trồng trên những ngọn núi đá vôi cao. Huyện Lục Nam có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp với sự phát triển của cây na. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đất có thành phần cơ giới trung bình, thịt pha sét và cát. Đất có phản ứng chua nhiều, độ pHH2O tầng 1 giao động từ 4,4 - 5,4, độ pHKCl tầng 1 giao động từ 3,80 - 4,60. Độ pH ở các vùng đất trồng na dai Lục Nam có sự khác biệt hoàn toàn đối với các vùng trồng na dai khác, và rất phù hợp với đặc tính ưa đất chua của cây na.
 


 

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản của người nông dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù của na dai Lục Nam. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng na dai tại Lục Nam có kinh nghiệm đốn tỉa các cây già yếu, hoặc cách cành mọc trong tán trên cây na đang thời kỳ sung sức, kết hợp bón phân, chăm sóc để cây na cho nhiều quả, quả to, chất lượng tốt. Đặc biệt, việc đốn tỉa còn làm cho na ở Lục Nam ra hoa, đậu quả trên thân cây, khắc phục việc ra quả ở đầu cành dễ bị gió quật làm cho quả bị rơi xuống đất, vỡ nát. Ngoài ra, Lục Nam cũng là địa phương đầu tiên tìm tòi và áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung vừa để kéo dài mùa vụ thu hoạch na, vừa tránh việc na chín rộ dẫn đến không kịp thu hoạch. Thêm vào đó, việc sử dụng tro rơm để trộn vào phân bón cho cây của người dân địa phương cũng giúp bổ sung Kali làm tăng quá trình phân hóa mầm non, giảm tỷ lệ rụng và tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao chất lượng nông sản thông qua quá trình tích lũy đường, vitamin, giúp cho màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm hơn và tăng khả năng bảo quản. Chính vì vậy, na Lục Nam có màu tươi hơn và lâu bị thâm quả hơn so với nhiều loại na khác.

Khu vực địa lý: Các xã Đông Hưng, Đông Phú, Cương Sơn, Lan Mẫu, Huyền Sơn, Nghĩa Phương thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1449

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)