Thứ hai, 13/07/2020 15:34 GMT+7

Nghiên cứu đánh giá thực trạng tình hình sử dụng, sản xuất, nhập khẩu và chất lượng máy kéo nông nghiệp trên toàn quốc, đề xuất giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn

Hiện nay các nghiên cứu của các nước trên thế giới đều coi cơ giới hóa nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, với ý nghĩa hết sức lớn lao trong những mặt: Nâng cao năng suất lao động trên phạm vi lớn, là cơ sở vật chất quan trọng để thực hiện nông nghiệp hiện đại. Cơ giới hóa nông nghiệp là công cụ quan trọng của sản xuất nông nghiệp. Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thực chất là một cuộc cách mạng kỹ thuật về phương thức sản xuất. Trang bị cơ giới hóa nông nghiệp phá vỡ sự hạn chế về quy mô sản xuất mà sức người và gia súc gánh chịu. Việc cải thiện điều kiện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động sẽ tạo ra khả năng để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, hình thành nền sản xuất chuyên môn hóa, thương phẩm hóa. Những nước đó thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp, phần lớn tài sản cố định nông nghiệp là máy móc, thiết bị. Các công việc trước, trong và sau sản xuất chủ yếu dựa vào nguồn động lực và liên hợp máy với công nghệ tiên tiến để hoàn thành.


Một trong những sản phẩm của Công ty SVEAM


Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh là một nội dung quan trọng xây dựng nông nghiệp hiện đại. Hiện đại hóa và cơ giới hóa nền sản xuất nông nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ. Nội dung phát triển cơ giới hóa nông nghiệp trong tổng thể hiện đại hóa nông nghiệp ở các nước trên thế giới (tuy với mức độ phát triển khác nhau) có điểm chung là ứng dụng công cụ máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy, cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng và tất yếu của hiện đại hóa nông nghiệp.

Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp cũng đã có bước phát triển nhanh, nhiều khâu sản xuất trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Đưa máy kéo vào sản xuất nông nghiệp là phần chính của cơ giới hóa nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động của nông dân. Cùng với đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, thu nhập của các hộ sản xuất nông nghiệp cũng được cải thiện. Cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Việc đưa các phương tiện cơ giới vào sản xuất không chỉ giúp cho việc sản xuất, thu hoạch đúng khung thời vụ mà cũng giúp giảm chi phi sản xuất đồng thời, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu do Cơ quan chủ trì Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Chủ nhiệm đề tài ThS. Đặng Việt Hòa cùng thực hiện.

Khi thực hiện Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT): Trong thương mại tồn tại hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật là hàng rào phi thuế quan. Mỗi quốc gia đều cần thiết xây dựng và duy trì cho mình một hang rào kỹ thuật hợp pháp để bảo vệ con người, vật nuôi, sức khỏe, môi trường… dẫn đến số lượng các Quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn rất nhiều. Tổ chức WTO đã đưa ra văn bản pháp lý là Hiệp định TBT như một luật chung để đảm bảo rằng quy định của các nước thành viên không được tạo ra những rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế. Việc nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đánh giá thực trạng tình hình sử dụng, sản xuất, nhập khẩu và chất lượng máy kéo nông nghiệp trên toàn quốc, đề xuất giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn” đã góp ý đề xuất thực hiện nghĩa vụ trong Hiệp định TBT, đó là  hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật của máy kéo trong nước với tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay tổ chức tiêu chuẩn Quốc tế ISO (the International Organization for Standardization) đã xây dựng và đang áp dụng khoảng 68 tiêu chuẩn các loại về máy kéo nông nghiệp, chúng ta đang áp dụng 59 tiêu chuẩn kỹ thuật nhà nước các loại về máy kéo nông nghiệp, trong đó 42 tiêu chuẩn Việt Nam về máy kéo nông nghiệp đã hài hòa với tiêu chuẩn Quốc tế (chiếm 71%). Hiện tại, còn 26 tiêu chuẩn Quốc tế về máy kéo nông nghiệp chưa được hài hòa với tiêu chuẩn Việt Nam, và sẽ dần được phù hợp hài hòa nốt với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần quan trọng làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm máy kéo nông nghiệp, làm cho quá trình trao đổi thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng nhanh hơn, giúp các nhà kinh doanh có định hướng tốt hơn trong chiến lược về sản phẩm máy kéo nông nghiệp. Các cơ quan nhà nước xem xét, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật của mình cho phù hợp với môi trường đầu tư theo hướng hấp dẫn hơn, bình đẳng hơn. Thúc đẩy việc cải thiện và nâng cao chất lượng máy kéo nông nghiệp. Đảm bảo được tính tương thích với yêu cầu kỹ thuật của các nước khác, từ đó sản xuất ra các loại máy kéo nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường nước ngoài, giúp các nhà xuất khẩu và nhà sản xuất để xuất khẩu có cơ hội tốt để tiếp cận thị trường nhập khẩu và hạn chế được rủi ro do hàng hoá của họ không được chấp nhận vì không phù hợp với tiêu chuẩn và các quy chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Đề xuất ý kiến trong các biện pháp kỹ thuật về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh trong thực hiện Hiệp định TBT đó là đảm bảo các máy kéo nông nghiệp sử dụng tại Việt Nam ít ảnh hưởng đến môi trường thì nhà nước chỉ cho nhập khẩu máy kéo nông nghiệp mới có suất tiêu hao nhiên liệu < 170 g nhiên liệu/mã lực giờ. Qua đó hạn chế việc nhập khẩu máy kéo cũ kém chất lượng, khuyến khích nhà sản xuất trong nước phát triển, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sử dụng về môi trường sức khỏe chất lương kỹ thuật và an toàn.

Khi máy kéo đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu về điều kiện hình thức, an toàn, vận hành khi sử dụng : Máy phải được sơn mới, đầy đủ bao che, đèn tín hiệu cảnh báo, lốp và phanh phải được thay mới, máy phải có hướng dẫn sử dụng được dịch ra tiếng Việt, nhà cung cấp cấp phụ tùng bảo dưỡng chính hãng tại Việt Nam.

Qua nghiên cứu khảo sát tình hình sử dụng máy kéo của từng vùng miền để đánh giá tính phù hợp của máy kéo trong điều kiện đồng đất và cây trồng cụ thể, giúp các nhà sản xuất và phân phối máy kéo hoạch định kế hoạch sản xuất và phân phối máy kéo của đơn vị mình sao cho phù hợp từng địa phương để máy kéo làm việc được với hiệu suất cao nhất phù hợp nhất.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14015/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1964

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)