Thứ hai, 29/06/2020 10:24 GMT+7

Nghiên cứu thiết kế Serving Gateway (SGW) cho mạng di động thế hệ sau LTE Advanced tại Việt Nam

Công nghệ LTE (Long Term Evolution) là một hệ thống công nghệ được phát triển từ họ công nghệ GSM/UMTS (WCDMA, HSPA) đang được nghiên cứu, thử nghiệm để tạo nên một hệ thống truy cập băng rộng di động thế hệ mới, hướng đến thế hệ thứ tư - 4G, đưa đến cho khách hàng các ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn như Video, HDTV, giải trí trực tuyến. LTE đang được hầu hết các hãng viễn thông lớn trên thế giới như Alcatel-Lucent, Ericsson, France Telecom/Orange, Nokia, AT&T, T-Mobile, Vodafone, China Mobile, Huawei, LG Electronics, NTT DoCoMo, Samsung,.. quan tâm, phát triển. LTE cũng đang được các nhà mạng di động lớn trên thế giới lựa chọn là công nghệ mạng 4G và hiện đã được triển khai rộng rãi trên thế giới.


Sự liên kết của các kênh lưu lượng EPS và luồng dữ liệu dịch vụ SDF

 

Theo xu hướng chung, các mạng di động của Việt Nam cũng đang dần chuyển sang mạng thế hệ 4G, một số nhà mạng đã đưa vào thử nghiệm kỹ thuật hệ thống 4G LTE như VNPT, Viettel, FPT… Bởi vậy việc khởi động các nghiên cứu lý thuyết cũng như nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống SGW (thành phần cấu thành mạng LTE) lúc này có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao.

Hướng nghiên cứu về LTE đã được thực hiện trong đề tài nghiên cứu trong 2-3 năm gần đây nhưng chủ yếu chỉ là tổng hợp lý thuyết, việc chế tạo sản phẩm liên quan đến LTE ở Việt Nam chưa từng được thực hiện. Việc phát triển sản phẩm liên quan đến mạng LTE thể hiện mức độ làm chủ công nghệ sâu nhất.

Đây là một hệ thống rất phức tạp liên quan đến nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau trong cả hai lĩnh vực CNTT và Viễn thông. Trên thế giới, hệ thống này cũng đang trải qua giai đoạn nghiên cứu. CDIT có lợi thế là đơn vị vừa nghiên cứu, vừa phát triển phần mềm và có bề dày kinh nghiệm làm việc trong một môi trường nhà khai thác viễn thông lớn nhất Việt Nam là VNPT nên sản phẩm của đề tài có sự kế thừa các kỹ năng, kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm mà khó có đơn vị nào có được.

Chính vì vậy Cơ quan chủ trì đề tài Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDIT phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS Nguyễn Kim Quang cùng thực hiện nhằm mục tiêu cụ thể của đề tài là thiết kế, chế tạo một hệ thống SGW với các chức năng được mô tả trong tiêu chuẩn của 3GPP và dung lượng xử lý 2000 session đồng thời. Đề tài này cũng giúp đội ngũ nghiên cứu làm chủ được công nghệ thiết kế chế tạo Serving Gateway (SGW) cho mạng di động LTE Advanced trong điều kiện Việt Nam hiện nay.

Qua thời gian 2 năm triển khai thực hiện đề tài, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT đã hoàn thành các nội dung khoa học đã đăng ký trong hợp đồng. Các chuyên đề khoa học trung gian, các sản phẩm chính của đề tài đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật đăng kí trong thuyết minh.

Trên cơ sở các kết quả đạt được đến thời điểm này, nhóm thực hiện đã hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo một thực thể quan trọng cấu thành mạng viễn thông 4G LTE là SGW. Hệ thống SGW - sản phẩm của đề tài có đầy đủ chức năng, giao diện tuân thủ các quy định chặt chẽ của một thực thể viễn thông và có các thông số kỹ thuật phù hợp đăng ký trong đề tài. Hệ thống có khả năng cung cấp nền tảng cho các dịch vụ như Internet, Voice, Video.

Qua quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT được nâng cao trình độ rõ rệt. Nhóm thực hiện đề tài đã cộng tác thực hiện thành công một số đề tài liên quan đến tổ chức mạng, thử nghiệm dịch vụ trên mạng 4G của VNPT và đặc biệt đã xây dựng được một hệ thống bài thực hành cho sinh viên khoa Viễn thông của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trong nhóm môn học về di động.


*Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13995/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1355

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)