Thứ năm, 18/06/2020 11:33 GMT+7

Dự báo nguy cơ tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó

Ngày 15/6/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu dự báo nguy cơ tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”, mã số đề tài ĐTĐL.CN-23/17 do PGS. TS Đỗ Minh Đức làm chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại Học Quốc Gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

Ngày 15/6/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu dự báo nguy cơ tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam và đề xuất giải pháp ứng phó”, mã số đề tài ĐTĐL.CN-23/17 do PGS. TS Đỗ Minh Đức làm chủ nhiệm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại Học Quốc Gia Hà Nội là cơ quan chủ trì thực hiện đề tài.

Đề tài được nghiên cứu hai mục tiêu chính: (1) Đánh giá được hiện trạng, xác định nguyên nhân và dự báo nguy cơ trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam; (2) Đề xuất các giải pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do tai biến trượt lở mái dốc dọc các tuyến giao thông trọng điểm vùng nghiên cứu và có khả năng áp dụng cho các vùng có điều kiện tương tự.

Kết quả sau nghiên cứu của nhiệm vụ KH&CN đã xây dựng, lắp đặt thành công hai hệ thống quan trắc hiện trường trượt lở quy mô lớn được lắp đặt tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) và Tắc Pỏ (huyện Nam Trà My), sáu trạm đo mưa tại A Tiêng (huyện Tây Giang), Prao (huyện Đông Giang), Bến Giằng (huyện Nam Giang), Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước), Phước Mỹ (huyện Phước Sơn), Tắc Pỏ (Nam Trà My) và một trung tâm xử lý cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở quy mô lớn trên nền tảng IoT và điện toán đám mây.

Đã ghi nhận 375 khối trượt trên 15 tuyến đường giao thông trọng điểm miền núi tỉnh Quảng Nam gồm đường Hồ Chí Minh, 6 tuyến quốc lộ và 8 tuyến tỉnh lộ. Các khối trượt có thể tích lớn đến cực kỳ lớn chiếm tới 32% gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như các tuyến đường 40B, 24C, 14E và đường Hồ Chí Minh. Áp dụng các phương pháp phân tích thống kê và mô hình học máy, đề tài đã xây dựng được ma trận cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở kết hợp giữa nguy cơ trượt lở của các đoạn đường với ngưỡng mưa gây trượt lở. Trên 15 tuyến đường đã phân loại thành 480 đoạn đường có nguy cơ trượt lở trong đó có 47 đoạn có nguy cơ trượt lở cao và 189 đoạn có nguy cơ trượt lở rất cao.


 

Một số hình ảnh tại buổi đánh giá nghiệm thu; Trạm quan trắc hiện trường tại thị trấn Khâm Đức.
 

Khu vực lân cận các tuyến đường giao thông trọng điểm qua phân tích bằng các mô hình học máy (hồi quy logistic và mạng nơron nhân tạo) được phân thành 5 vùng có nguy cơ trượt lở từ rất thấp đến rất cao, trong đó diện tích vùng trượt lở cao và rất cao chiếm 5% và 3%. Đề tài đã xây dựng được ma trận cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở kết hợp giữa nguy cơ trượt lở của các đoạn đường với ngưỡng mưa gây trượt lở (xây dựng trên cơ sở lượng mưa ngày, mưa tích lũy trong 6 và 12 ngày). Với các phương pháp quan trắc tổng hợp (mưa, các thông số địa kỹ thuật) cùng số liệu dự báo qua kết nối API, nguy cơ trượt lở được dự báo trước 5 ngày (cập nhật hàng ngày) và theo thời gian thực. Các thông tin dự báo, cảnh báo trượt lở được truyền tải trực tiếp, kịp thời đến các cá nhân, đơn vị hữu quan thông qua e-mail, apps di động, tin nhắn và trên website http://quangnam.truotlo.com/.

Nhiệm vụ KH&CN được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Quốc gia xếp loại Đạt. Đề tài được hoàn thành trên cơ sở sự phối hợp tạo điều kiện và tham gia của chính quyền địa phương các cấp, sự hướng dẫn kịp thời của các đơn vị hữu quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Quảng Nam, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các cơ quan phối hợp. Đề tài cũng đã huy động và kết hợp có hiệu quả các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở trong nước và quốc tế, góp phần giải quyết tốt các nội dung nghiên cứu đặt ra.

 

Nguồn: Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 1495

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)