Thứ tư, 27/05/2020 14:32 GMT+7

Kiểm tra mô hình vườn giống gốc và mô hình trồng cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) tại Vĩnh Phúc và Lạng Sơn

Vừa qua, đoàn kiểm tra của Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành đi thăm quan và kiểm tra Mô hình vườn giống gốc và mô hình trồng cây riềng ấm thuộc đề tài: “Nghiên cứu phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng” do Viện chủ trì thực hiện tại Vĩnh Phúc và Lạng Sơn.

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) để sản xuất nguyên liệu làm thực phẩm chức năng” do TS. Phạm Thị Mỹ Phương, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 06/2020 với mục tiêu: Phát triển cây riềng ấm (Alpinia zerumbet. Pers) trong điều kiện sinh thái Việt Nam để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng.

Thành phần đoàn kiểm tra mô hình bao gồm: Bà Phan Lệ Nga - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng; Ông Nguyễn Hùng Thanh và bà Nguyễn Thị Nhung - Chuyên viên vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện các đơn vị phối hợp triển khai mô hình tại địa phương.

Từ năm 2018 – 2020, Đề tài đã xây dựng mô hình vườn giống gốc cây riềng ấm diện tích 600m2 tại Vĩnh Phúc mô hình trồng cây riềng ấm diện tích 1ha tại Lạng Sơn.

Kết quả bước đầu cho thấy, vườn giống gốc cây riềng ấm có thể nhân giống tiếp tục cho các nghiên cứu tiếp theo. Cây tại vườn đã có chiều cao cây từ 1,3-1,6m, đã và đang ra hoa, kết trái, dự kiến tháng 9- 2020 có thể cung cấp trên 20kg hạt giống. Cây tại mô hình trồng phát triển khỏe mạnh, có chiều cao cây từ 60-80cm, lá của cây riềng ấm đã có thể cho thu hoạch.

Sau khi kiểm tra các mô hình, Đoàn kiểm tra đánh giá cao sự phối hợp của các bên trong việc thực hiện các mô hình của đề tài, đảm bảo theo nội dung thuyết minh đã được phê duyệt, đáp ứng về chất lượng và tiến độ đặt ra.

Các mô hình có tính thực tế, đáp ứng các điều kiện nghiên cứu cả lý thuyết lẫn thực hành khi xây dựng các mô hình ở những điều kiện địa lý khác nhau nhằm đảm bảo tính thích ứng của loài cây nghiên cứu, mô hình thuận tiện để mọi người học tập và trao đổi kinh nghiệm sản xuất. 


Đoàn kiểm tra mô hình tại Lạng Sơn

Đoàn kiểm tra lưu ý nhóm nghiên cứu và các bên liên quan đến đề tài trong thời gian tới cần phát huy những kết quả đã đạt được và phối hợp tốt hơn nữa để hoàn thành tốt nhất các nội dung và mục tiêu đặt ra, đảm bảo tiến độ của Đề tài, đồng thời sớm ứng dụng các kết quả vào thực tế sản xuất./.

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 1632

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)