Thứ sáu, 08/05/2020 15:02 GMT+7

Vaccine Covid-19: Việt Nam tìm nghiệm bài toán khó

Khi thế giới đang trông chờ vào vaccine đại dịch COVID-19 để có thể tuyên bố kiểm soát và chặn đứng dịch bệnh, nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm được một vaccine hay đủ sức tiếp nhận công nghệ hiện đại của thế giới cũng sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng không chỉ cho hiện tại mà còn cả tương lai.

Đó là quan điểm của các nhà quản lý, chuyên gia và nhà sản xuất tại phiên họp do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chủ trì vào chiều ngày 04/5/2020. Đây là phiên họp quan trọng thứ 4 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức kể từ ngày 30/01/2020 để góp phần kiểm soát và ngăn ngừa dịch Covid-19 tại Việt Nam, qua đó đem lại những sản phẩm công nghệ kịp thời và giá trị như bộ kit phát hiện virus SARS-CoV2, robot hỗ trợ chăm sóc y tế Vibot-1a… Ở phiên họp này, Bộ Khoa học và Công nghệ mời các chuyên gia và các nhà sản xuất vaccine tới để bàn thảo một bài toán quan trọng là sản xuất vaccine. “Như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi họp ngày 29/4 vừa qua, mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng là nghiên cứu để sản xuất vaccine chứ không phải công bố”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
 

“Dù việc sản xuất vaccine Covid-19 là rất khó nhưng Việt Nam có xuất phát điểm tốt. Trên bản đồ sản xuất vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng ghi tên với nỗ lực của các công ty Vabiotech, Polyvac, Ivac…,”

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc


Việc giải bài toán này của Việt Nam đang được đặt trên một điểm xuất phát tốt, “dù có thể đánh giá một cách khiêm tốn về trình độ sản xuất vaccine ở Việt Nam nhưng cũng phải thấy, chúng ta đã sản xuất được nhiều loại vaccine phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trên bản đồ sản xuất vaccine trên thế giới, Việt Nam cũng ghi tên với nỗ lực của các công ty Vabiotech, Polyvac, Ivac…”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh đến lợi thế của ngành sản xuất vaccine Việt Nam.

Gợi ý cho Việt Nam từ độ khó của bài toán vaccine

“Việc sản xuất vaccine vừa khó và việc đầu tư vừa lớn, không đơn giản. Có những vaccine đòi hỏi quá trình phát triển vài chục năm mới thành công nhưng cũng có thứ mấy chục năm chưa thành công”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã khái quát về độ khó của bài toán vaccine ở đầu phiên thảo luận.

Ngay từ thời điểm đại dịch, các nhà nghiên cứu và các nhà sản xuất thế giới đã gặp nhau ở quan điểm: việc tìm được vaccine chống virus SARS-CoV2 là một thách thức. Kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu và phát triển các loại vaccine trong quá khứ khiến giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) Richard Hatchett đánh giá đây là “vấn đề khó bậc nhất mà tôi từng phải đối mặt trong cuộc đời” còn TS. Elena Maria Bottazzi, người từng tham gia vào phát triển một loại vaccine ứng viên SARS, lo ngại sự bỏ cuộc giữa chừng của nhà đầu tư như chuyện xảy ra với vaccine Ebola, SARS... Với cái nhìn của người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vaccine, TS. Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Vabiotech, một trong những nhà cung cấp chính của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, cũng cho rằng, “Giá như trước đây với dịch SARS hay MERS, các nhà khoa học có thể đi nhanh hơn, có được vaccine thương mại thì bây giờ chúng ta sẽ có sẵn công nghệ để tiếp tục ứng phó”.

Anh cũng nhận định, vaccine là vấn đề khó khăn và điểm mấu chốt mà các quốc gia đang phải đối mặt để kiểm soát dịch bệnh vì “muốn dịch này kết thúc thì sẽ bằng vaccine chứ không phải cái gì khác”. Điểm sáng nhất trong bối cảnh hiện nay là tất cả nhà phát triển vaccine trên thế giới đã cùng vào cuộc. “Qua mỗi buổi họp online, chúng tôi thấy cho đến hiện nay gần 100 nhà phát triển đã cùng tập trung phát triển vaccine này, không phải là ít”, anh nói.

Theo quan sát của anh, việc sản xuất vaccine là ban đầu là cuộc chạy đua về mặt các công nghệ giữa các quốc gia nhưng ở giai đoạn “hậu chiến” như hiện nay thì tất cả đều thực dụng hơn trong cuộc cạnh tranh, đó là làm thế nào có được vaccine nhanh nhất. Hiện tại, các vaccine này đều được phát triển dựa trên ba công nghệ chính vẫn được sử dụng cho các loại vaccine dùng cho đại dịch là vaccine ARN (RNA vaccine), vaccine AND (DNA vaccination) và sử dụng vector tái tổ hợp (recombinant vector) do phải đáp ứng được các yêu cầu “sản xuất nhanh, với lượng sản phẩm lớn và giá thành rẻ để làm sao cung cấp được những đối tượng tiêm chủng rất lớn”, theo giải thích của TS. Đỗ Tuấn Đạt. Với cách làm này thì “hiện có 8 loại vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó sản phẩm của các quốc gia hàng đầu về công nghệ vaccine như Anh, Mỹ đều áp dụng công nghệ ARN và AND. Bên cạnh đó, vaccine đầu tiên thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc đã đến giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng”, anh bổ sung thêm thông tin.
 

Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vaccine trên các dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP WHO.
 

Vậy Việt Nam có nên chạy đua làm vaccine cùng các nhà sản xuất hàng đầu của thế giới, và nếu có công nghệ của thế giới thì Việt Nam phải áp dụng ra sao cho phù hợp với hoàn cảnh “nước đang phát triển, hệ thống cơ sở y tế, khả năng điều trị cũng như sản xuất dược phẩm, vaccine... còn rất khiêm tốn” là vấn đề mà Thứ trưởng Phạm Công Tạc nêu ra với các chuyên gia. Trước những băn khoăn này, TS. Đỗ Tuấn Đạt nhấn mạnh đến những lợi thế mà Việt Nam có thể nhận được từ quá trình phát triển vaccine. Trước hết, việc đi sau trong phát triển vaccine, khi thế giới đã chọn được công nghệ rồi không phải là điều bất lợi của Việt Nam mà mở ra cơ hội lớn hơn, cho phép Việt Nam có thể có nhiều lựa chọn về công nghệ. “Khi đó, công nghệ nào tối ưu, đi nhanh đến sớm thì mình sẽ hướng đến để có được vaccine nhanh nhất”, anh nói.

Một lợi thế của Việt Nam khi sản xuất được vaccine là chúng ta sẽ có một nền tảng công nghệ tại Việt Nam, sẵn sàng cho những đại dịch tiếp theo trong tương lai. Theo quan điểm của anh, “đại dịch không chỉ có một, đại dịch sẽ có nhiều, vì thế càng chủ động về công nghệ, chúng ta càng chủ động trong kiểm soát dịch hơn”.

Hiện tại, có thể chúng ta không đi nhanh được như thế giới nhưng việc có thể đồng hành với thế giới thì thực sự chúng ta có cơ hội đón nhận, cơ hội chia sẻ rất nhiều kiến thức, công nghệ, qua đó có thể tiếp cận ngay công nghệ khi nó đã sẵn sàng. Do đó, khi cùng làm vaccine ở thời điểm này thì Việt Nam gặp rất nhiều lợi thế.

Đề xuất của các nhà nghiên cứu và sản xuất Việt Nam

Trong một tình thế vừa cấp bách vừa phức tạp, những kinh nghiệm và hiểu biết mà các nhà nghiên cứu và sản xuất vaccine đã tích lũy sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới hoặc trong hoàn cảnh thuận lợi có thể chủ động tạo ra vaccine.

Trên thực tế, một trong ba công nghệ sản xuất vaccine đại dịch là công nghệ sử dụng vector tái tổ hợp đã được một số đơn vị nghiên cứu ở Việt Nam làm chủ. Công nghệ này không quá khó bởi theo giải thích của TS. Đỗ Tuấn Đạt, “chỉ cần cài đặt lại kháng nguyên từ con virus gây bệnh SARS-CoV-2 sang những kháng thể hay những virus khác không gây bệnh, ví dụ sử dụng adeno là virus hay gây cảm cúm thông thường ở người”. Tuy nhiên, công nghệ này khó là bởi cần thêm vào những adjuvant (tác nhân thay đổi đáp ứng miễn dịch bằng tạo được lượng kháng thể cao hơn và kéo dài thời gian bảo vệ).

Trước tiên là Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một trong những nơi có truyền thống nghiên cứu về vaccine và sẵn có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Tại phiên họp, đại diện của Viện Công nghệ sinh học cho biết, “chúng tôi đã thành công với một số vaccine trên động vật, ví dụ như vaccine gây bệnh tiêu chảy PED ở lợn, nguyên nhân cũng là virus corona, và được Công ty cổ phần Thuốc Thú y Trung ương Navetco kiểm nghiệm”. Dù kỹ thuật của vaccine này khá phức tạp nhưng qua hợp tác với một nhóm nghiên cứu tại Đức, Viện đã có được công nghệ ở cả hai loại là trong thực vật và nấm men, cũng như công nghệ liên quan đến tinh chế protein. Quan trọng hơn, “chúng tôi đã thành công trong một số đề tài nhà nước liên quan đến sản xuất vaccine tái tổ hợp trên thực vật nói chung”, đại diện Viện Công nghệ sinh học cho biết.

Là một nơi tập trung vào nghiên cứu cơ bản và sản phẩm là bài báo quốc tế là chủ yếu nhưng Viện Công nghệ sinh học còn hợp tác với những đối tác công nghiệp, “riêng về áp dụng công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp, Viện cũng từng có những bản ghi nhớ hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Công ty Vabiotech trong kiểm nghiệm vaccine này.”

Một đơn vị khác cũng cho biết sẵn sàng với công nghệ tái tổ hợp. Giáo sư Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac), cho biết, “Polyvac đã có những định hướng nghiên cứu sản xuất vaccine này, dựa trên công nghệ và nỗ lực của mình. Chúng tôi dự kiến sẽ sản xuất vaccine Covid-19 bằng cách sử dụng vùng gene S của virus SARS-CoV-2 và tái tổ hợp với virus vaccine sởi, một loại vaccine mà Polyvac đang sản xuất.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại cuộc họp bàn về nghiên cứu phát triển vaccine với các chuyên gia và nhà quản lý vào chiều ngày 4/5.
 

Trên công nghệ này, hai đơn vị đều đề xuất những đối tác làm việc khác nhau, dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá khứ. Với Polyvac, họ dự kiến hợp tác với Viện Nghiên cứu Khoa học sự sống Kitasato (Nhật Bản), một trong những đơn vị nghiên cứu tư nhân xuất sắc trong lĩnh vực này và từng hỗ trợ Polyvac sản xuất vaccine sởi, và hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để có điều kiện phát triển cũng như đánh giá chất lượng vaccine tốt. “Nếu như hướng này thành công, với khả năng hiện có, cơ sở vật chất hiện có, chúng ta có thể bắt tay ngay vào sản xuất đại trà được”, giáo sư Nguyễn Đăng Hiền nhận định.

Với Viện Công nghệ sinh học, nếu được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận đề xuất phát triển vaccine, thì địa chỉ cũng đã sẵn sàng, đó là hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong kiểm nghiệm vaccine và Công ty Vabiotech trong việc đưa vaccine sản xuất ra thị trường.

Riêng Công ty Vaviotech, bên cạnh việc hoan nghênh các đề xuất hợp tác của các đơn vị trong nước trong phát triển vaccine cũng đang xây dựng năng lực làm vaccine virus vector với giá thể là virus baculo chỉ gây bệnh trên muỗi, lành tính và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vừa qua, Vabiotech mới nhận được một tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF cho dự án “Phát triển vaccine chống lại chủng mới của virus corona (Covid-19) trên giá thể baculovirus ở quy mô phòng thí nghiệm”.

Những sẵn sàng và chủ động trong nghiên cứu và hợp tác của các viện nghiên cứu và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để Việt Nam thêm phần tự tin trong quá trình kiểm soát và khống chế đại dịch này. Với cái nhìn bao quát về tình hình Việt Nam và thế giới, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng, “để giải một bài toán như thế này cần sự hợp tác của rất nhiều bên. Trong trường hợp các hướng phát triển của chúng ta trùng nhau, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ giao công việc cho từng bên theo đúng khả năng của mình, còn trong trường hợp khác nhau thì chúng ta cũng sẽ được khuyến khích tiến hành. Phát triển vaccine sẽ là bao gồm những cụm nhiệm vụ khác nhau, trong đó có hợp tác nghiên cứu với quốc tế, có sự tham gia của nhiều cơ quan như các viện/trường, các doanh nghiệp,... Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ này, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo và trình Thủ tướng“.
 

Một số bài học quan trọng cho Việt Nam


Trước hết, vaccine Covid-19 hoàn toàn mới và khó nên việc phối hợp giữa nhiều đơn vị và tổ chức là cần thiết. Mới là vì hiện trên thế giới chưa có vaccine nào cho virus corona và tất cả các công nghệ hiện nay đưa ra về vaccine Covid-19 cũng đều mới hoàn toàn; khó là vì ngoài các tiêu chuẩn về vaccine thông thường, vaccine Covid phải đáp ứng tiêu chuẩn đại dịch là sản xuất nhanh, nhiều, rẻ để sẵn sàng cung cấp cho các nhóm các đối tượng lớn, qua đó khống chế dịch bệnh.

Việc cần thiết phải có hợp tác còn thể hiện ở việc nhà nghiên cứu phải đương đầu với thách thức rất lớn là Covid-19 còn nhiều yếu tố về miễn dịch chưa có câu trả lời trong khi bản chất của vaccine là cần tạo được đáp ứng miễn dịch trong cơ thể người sau khi được chủng ngừa. Tương tự, nhà sản xuất cũng phải đối diện với thách thức là phải hoàn thiện được quy trình sản xuất lên một cách tốt nhất và nâng được quy mô sản xuất trong thời gian ngắn nhất. Do đó, có thể giữa các nhà sản xuất với nhau cũng phải có sự phối hợp để khi công nghệ hoàn chỉnh, có thể cùng nhau sản xuất sản phẩm với quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu kiểm soát đại dịch.

Thứ hai là việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản liên quan đến nghiên cứu và phát triển vaccine. Chúng ta biết là sản phẩm vaccine dùng trên người cần phải trải qua những quá trình nghiên cứu trên động vật trước khi đưa vào đánh giá thử nghiệm trên người với những yêu cầu nghiêm ngặt rồi mới được xét cấp phép lưu hành.

Trên thế giới, riêng với các mô hình đánh giá trên động vật hiện nay, các nhà sản xuất vaccine chú trọng mô hình đánh giá trên khỉ - mô hình dễ dàng nhất để sau đó được chấp nhận nghiên cứu lâm sàng trên người. Vừa qua, vaccine của Trung Quốc chỉ làm trên 8 khỉ là đã đạt yêu cầu, còn vaccine của ĐH Oxford chỉ cần đánh giá trên 6 khỉ. Họ có thể áp dụng luôn mô hình có trước bởi họ có những đơn vị chuyên trách để phát triển các mô hình đánh giá trên động vật.

Việt Nam cũng cần học hỏi vấn đề này, không chỉ riêng trong xây dựng mô hình động vật mà còn mô hình đánh giá trên người. Khi đại dịch gần xảy ra, nhiều nhà phát triển hiện nay cũng đồng ý có thể trì hoãn qua giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng mà thấy vaccine vừa an toàn, đáp ứng miễn dịch bảo vệ, khi trường hợp khẩn cấp xảy ra, có thể cho sử dụng vaccine ngay lập tức. Điều đó cũng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá đáp ứng, những báo cáo để cho chúng ta có thể đi nhanh được.

Mặt khác, trong quá trình làm vaccine, nhà nghiên cứu và sản xuất phải thực hiện nhiều vấn đề liên quan đến quy chế, thủ tục đăng ký vaccine, hồ sơ cấp phép. Với trường hợp vaccine đại dịch, chúng ta phải tiết kiệm thời gian để làm sao ra được vaccine thật nhanh. Tất cả những điểm này cần được chuẩn bị từ trước một cách kỹ lưỡng và bài bản chứ không thể đợi các dự tuyển vaccine ra rồi chúng ta mới chuẩn bị việc này.

Do đó tôi thiết nghĩ, Bộ KH&CN không chỉ hỗ trợ về mặt công nghệ, về sau này sản xuất mà phải hỗ trợ ngay từ nghiên cứu cơ bản ban đầu nữa, không chỉ làm chủ các công nghệ phát triển vaccine mà còn cả các mô hình đánh giá trong phòng thí nghiệm, đánh giá trên động vật và trên người sau này.
 

TS. Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 Vabiotech


 

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2987

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)