Thứ sáu, 24/04/2020 17:21 GMT+7

Viện Nghiên cứu hạt nhân tăng cường sản xuất thuốc phóng xạ phục vụ khám và chữa bệnh cho bệnh nhân trong đại dịch Covid-19

Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) tại Đà Lạt được thành lập năm 1976, mang trên vai trọng trách lớn lao là “Cơ quan nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật hạt nhân, vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật hạt nhân, nhằm phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của nhân dân….”

Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) tại Đà Lạt được thành lập năm 1976, mang trên vai trọng trách lớn lao là “Cơ quan nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật hạt nhân, vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật hạt nhân, nhằm phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của nhân dân….” (Trích Quyết định thành lập Viện NCHN của Hội đồng Chính phủ số 64-CP ngày 26/4/1976). Trải qua hơn 35 năm đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách cùng với lòng yêu nghề, sự hăng say lao động và sức sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, Viện đã gặt hái được nhiều kết quả ấn tượng; đặc biệt, trong lĩnh vực y học hạt nhân, Viện được biết đến là đơn vị đóng vai trò quan trọng vào sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của nền y học hạt nhân Việt Nam.

Hiện tại, các hướng ứng dụng tiêu biểu của kỹ thuật hạt nhân tại Viện có thể kể đến là: sản xuất đồng vị và thuốc phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh; thiết kế, chế tạo các thiết bị điện tử hạt nhân phục vụ nghiên cứu vật lý và cấu trúc hạt nhân trên lò phản ứng và các ngành y tế, địa chất, công nông nghiệp khác; phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân để tham gia vào các chương trình thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản và nghiên cứu, bảo vệ môi trường; sử dụng các đồng vị tự nhiên và nhân tạo để đánh giá một số quá trình trong tự nhiên, như hiện tượng bồi lấp, xói mòn, v.v...

Các loại thuốc phóng xạ chính được sản xuất tại Viện là tấm áp P-32 để điều trị các bệnh ngoài da; dung dịch I-131 dưới dạng tiêm hoặc uống để chẩn đoán và điều trị bệnh bướu cổ; Tc-99m để hiện hình tìm các khối u bất thường trong não và tuyến nước bọt; các thuốc phóng xạ dưới dạng kit in-vivo đánh dấu với Tc-99m để hiện hình chẩn đoán chức năng và bệnh lý các cơ quan nội tạng của cơ thể như thận, gan, phổi, hệ tiêu hóa, v.v...

Trong 10 năm trở lại đây, số lượng thuốc phóng xạ do Viện cung cấp cho các bệnh viện năm sau luôn cao hơn năm trước, trung bình đạt khoảng 400 Ci/năm. Riêng năm 2019, Viện đã sản xuất và cung cấp khoảng 1.030 Ci thuốc phóng xạ (trong đó 570 Ci sản xuất trực tiếp trên Lò phản ứng hạt nhân (LPƯHN) Đà Lạt và 460 Ci chế biến từ nguyên liệu nhập ngoại),và hơn 3.700 lọ kit đánh dấu các loại cung cấp cho 25 cơ sở bệnh viện trong nước phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh cho trên 500.000 bệnh nhân/năm, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2018 và 140% so với giai đoạn 2011 - 2018. Để có được lượng thuốc phóng xạ nêu trên, LPƯHN Đà Lạt đã hoạt động 2.900 giờ, tăng 32% so với năm 2018 và 108% so với giai đoạn 2011-2018. Bên cạnh đó, để giãn số lượng bệnh nhân tập trung quá đông tại các cơ sở điều trị, Viện đã thiết kế, chế tạo thành công 2 hốc chiếu mới trong vùng hoạt LPƯHN Đà Lạt nhằm nâng cao sản lượng sản xuất thuốc phóng xạ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Cụ thể, năm 2019 Viện đã cung cấp thuốc phóng xạ cho các bệnh viện với tần suất 1 tuần một lần thay vì 2 ÷ 3 tuần một lần như trước đây. Song song với việc cung cấp thuốc phóng xạ trong nước, Viện đã mở rộng thị trường cung cấp 37 đợt (12,4 Ci) thuốc phóng xạ cho Campuchia, tạo điều kiện để nước bạn phát triển các khoa y học hạt nhân.

 

Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, trong 4 tháng đầu năm 2020, Viện gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu các sản phẩm thuốc và nguyên liệu làm thuốc từ nước ngoài. Song, với sự quyết tâm của Lãnh đạo Viện và sự đồng lòng của tập thể cán bộ Viện, Viện NCHN đã nỗ lực cố gắng để đảm bảo đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở y học hạt nhân khám và điều trị bệnh trong lúc đại dịch. Đội ngũ vận hành LPƯ và điều chế thuốc phóng xạ đã cải tiến quy trình sản xuất, bảo dưỡng thiết bị, tăng ca vận hành LPƯ tối đa để đảm bảo nguồn cung. Kết quả là trong 4 tháng đầu năm 2020, LPƯ đã vận hành gần 1.300 giờ, tăng 1,8 lần; đã sản xuất và cung cấp 429 Ci thuốc phóng xạ, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2019, cơ bản đảm bảo đủ thuốc phóng xạ cho các cơ sở khám và điều trị bệnh trên cả nước.

Ngoài ra, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất thuốc của Việt Nam và hội nhập quốc tế, Viện NCHN đã đầu tư khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị để nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc phóng xạ đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc”(GMP). Với sự đầu tư này, sẽ làm tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm trong nước và nâng cao uy tín của Ngành hạt nhân Việt Nam đối với các đối tác trong và ngoài nước; khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả và quan trọng của Ngành hạt nhân vào công cuộc hiện đại hóa nước nhà./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1768

TAGS : COVID-19
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)