Thứ bảy, 01/02/2020 21:24 GMT+7

Hội thảo “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong các dự án về dinh dưỡng, thực phẩm”

Ngày 15/01/2020, tại trụ sở chính của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam– 59 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong các dự án về dinh dưỡng, thực phẩm”. Hội thảo do Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ  Phạm Công Tạc,  Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Trần Chí Thành và các Phó Viện trưởng: TS. Trần Ngọc Toàn, TS. Phạm Quang Minh, TS. Nguyễn Hào Quang; PGS. TS. Trần Đỗ Đạt, Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước, ông Nguyễn Hữu Ngữ, Vụ Công nghệ cao Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Duy Lâm, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Về phía Viện Dinh dưỡng Quốc gia có PGS. TS. Trương Thị Tuyết Mai, Phó Viện trưởng, TS. BS. Vũ Thu Hiền, Trưởng khoa Hóa sinh và chuyển hóa dinh dưỡng, PGS. TS. Trần Thúy Nga, Trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng và một số chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong lĩnh vực đồng vị.
 

Toàn cảnh Hội thảo “Ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong các dự án về dinh dưỡng, thực phẩm”.
 

Mục đích của Hội thảo nhằm giới thiệu những ứng dụng của kỹ thuật đồng vị bền trong xác thực nông sản, xác định nguồn gốc địa lý sản phẩm nông sản và những nghiên cứu dinh dưỡng đã và đang triển khai tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS. TS. Trương Thị Tuyết Mai trình bày về chính sách dinh dưỡng ở Việt Nam. Trong tham luận của mình, tác giả đã nêu lên thực trạng dinh dưỡng tại Việt Nam hiện nay là tỉ lệ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn còn ở mức cao có ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Nhằm cải thiện vấn đề về thiếu hụt dinh dưỡng cho các thế hệ người Việt Nam, nhà nước ta đã ban hành các văn bản pháp quy và chương trình Quốc Gia hành động về nâng cao chất lượng dinh dưỡng.

PGS. TS. Trần Thúy Nga trình bày về các kỹ thuật đồng vị bền ứng dụng trong nghiên cứu dinh dưỡng đã và đang triển khai tại Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ sớm tiếp cận một cách chính xác hơn ghi nhãn dinh dưỡng trên các thực phẩm và các khuyến cáo về lượng tiêu thụ dinh dưỡng. Đây là một trong nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm sửa đổi định mức dinh dưỡng trong chế độ ăn uống (DRI) và giúp cung cấp những tư vấn đúng cho người dân.

PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền trình bày kế hoạch nghiên cứu dự kiến thực hiện trong 5-10 năm tới cho lĩnh vực dinh dưỡng/thực phẩm có ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền một chuyên ngành của lĩnh vực năng lượng nguyên tử: “Ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị deuterium (D2O) kết hợp với kỹ thuật liên quan để đánh giá hiệu quả của mô hình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi” nhằm xây dựng mô hình can thiệp phòng chống SDD thấp còi và TC-BP cho trẻ dưới 5 tuổi (nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, bổ sung bột đa vi chất, tư vấn thực hành nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ, hoạt động thể lực hợp lý). Đề tài này sẽ sử dụng phương pháp nghiên cứu đánh dấu đồng vị bền deuterium vào mẹ (dose-to-mother) theo khuyến cáo và hướng dẫn của IAEA. Với kỹ thuật lấy mẫu đơn giản, độ chính xác cao, khả thi triển khai tại cộng đồng, phương pháp này có thể ước tính được khả năng hấp thu sữa mẹ mà trẻ đã được ăn và tính toán được trọng số của các thành phần cơ thể. Đây được coi là phương pháp chuẩn vàng để kiểm định xem trẻ có được bú mẹ hoàn toàn hay không và lượng sữa mẹ trẻ đã bú.

ThS. Hà Lan Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân trình bày về: Ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu nguồn gốc thực phẩm. Trong bài trình bày của mình, tác giả đã đề cập đến ý nghĩa và bản chất của truy xuất nguồn gốc nông sản. Một số các kết quả trong việc ứng dụng kỹ thuật đồng vị để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản cũng đã được trình bày. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp xây dựng các quy định trong việc bên thứ ba làm “trọng tài” cho người tiêu dùng và doanh nghiệp để xác định nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều các phương pháp được nghiên cứu, ứng dụng cho việc truy xuất và xác thực sản phẩm như phương pháp vết sinh học, phương pháp vết hóa học nhưng kỹ thuật ứng dụng đồng vị bền là một trong các phương pháp thể hiện được tính ưu việt trong nghiên cứu ứng dụng này.

TS. Trịnh Anh Đức, Trung tâm Đào tạo hạt nhân trình bày về Ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu triển khai tại Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM. Trong báo cáo của mình, tác giả đã nêu lên năng lực nghiên cứu của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trong sử dụng kỹ thuật đồng vị bền nghiên cứu biến đổi khí hậu, truy suất nguồn gốc nông sản, nghiên cứu cổ môi trường và cổ khí hậu là những vấn đề mà xã hội rất quan tâm hiện nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề sử dụng kỹ thuật đồng vị bền trong nghiên cứu dinh dưỡng và truy suất nguồn gốc nông sản ở Việt Nam. Các đại biểu đặc biệt quan tâm tới khả năng nghiên cứu và triển khai thực hiện kỹ thuật mới này vào đời sống xã hội, cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở người Việt Nam cũng như đảm bảo tính xác thực của nông sản trong quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo.
 

Trước khi kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã có phát biểu khẳng định vai trò và ý nghĩa của việc nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật đồng vị bền trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và dinh dưỡng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Các nghiên cứu về truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa thực tiễn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như khả năng đóng vai trò làm trọng tài trong các tranh chấp về nguồn gốc sản phẩm nông sản xuất – nhập khẩu. Đối với vấn đề ứng dụng kỹ thuật đánh dấu đồng vị bền trong nghiên cứu về dinh dưỡng, đây sẽ là nghiên cứu có tính ứng dụng cao giúp các nhà khoa học hỗ trợ phát triển chương trình nâng cao chất lượng dinh dưỡng quốc gia.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1558

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)