Thứ năm, 09/01/2020 10:31 GMT+7

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ngày 28/12/2019, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị.
 

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Lãnh đạo Viện NLNTVN và các đơn vị trực thuộc; Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải; Đại diện Cục Năng lượng nguyên tử, Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn; Ông Đặng Quang Huấn, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&CN, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng; Đại diện Thanh tra Bộ KH&CN, ông Trương Hồng Dương, Chánh Thanh tra; Đại diện Vụ Pháp chế Bộ KH&CN, Vụ trưởng Đỗ Hoàng Giang; Đại diện cán bộ công chức, viên chức của Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Andrey Stankevich, đại diện của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM); Các giáo sư và chuyên gia đầu ngành năng lượng nguyên tử; Đại diện của các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
 

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Viện NLNTVN.
 

Bắt đầu chương trình Hội nghị, TS. Phạm Quang Minh – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đã trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Viện, tập trung vào các nội dung sau: Đặc điểm tình hình năm 2019; Các kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Các dự án đầu tư; Phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu trong năm 2020; Và cuối cùng là một số đề xuất và kiến nghị của Viện với Bộ KH&CN.
 

Phó Viện trưởng Phạm Quang Minh trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Viện NLNTVN.
 

Năm 2019 là năm đầu tiên các đơn vị trong Viện NLNTVN thực hiện phương án tự chủ theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ. Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (RCNEST) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương. Viện đã vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với tổng thời gian hoạt động ở công suất danh định đạt 2900 giờ, tăng 32% so với năm 2018. Ngày 04/4/2019, Trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường, đặt trụ sở tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, đã được khánh thành và đi vào hoạt động. Nhiệm vụ chính của Trung tâm hợp tác sẽ là sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong quản lý tài nguyên nước và môi trường khu vực duyên hải và lưu vực sông. Tháng 8/2019 Viện đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân lần thứ 13 (VINANST-XIII) tại Hạ Long, Quảng Ninh với khoảng 430 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 75 đại biểu nước ngoài. Viện đang triển khai tích cực xây dựng và quản lý vận hành Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Cơ sở ứng dụng bức xạ Đà Nẵng đã được cấp phép vận hành và đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu chiếu xạ bảo quản nông sản, thủy hải sản, giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chiếu xạ cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Báo cáo Tổng kết năm 2019 cho thấy các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ đề của năm “Khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (NCHN) tiếp tục phát triển các dịch vụ quan trắc môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS Với dịch vụ phân tích tổng số mẫu phân tích đạt 3.000 mẫu với khoảng 30.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 75% lượng mẫu kiểm định để phục vụ cho xuất khẩu.

Viện NCHN đã điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 23 cơ sở, bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần 1 lần, với tổng cộng 1030 Ci đồng vị phóng xạ các loại được sản xuất (tăng 63% so với năm 2018). Viện NCHN tiếp tục cung cấp 21 đợt (6,9 Ci) dược chất phóng xạ cho Campuchia, tạo điều kiện để nước bạn phát triển các khoa y học hạt nhân.

Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (KH&KTHN) cung cấp, duy trì dịch vụ kiểm soát liều cho nhân viên bức xạ; Chuẩn, kiểm định các máy X-quang, máy CT-scaner, thiết bị đo liều cầm tay….

Viện KH&KTHN đã lắp đặt, duy trì hoạt động của các thiết bị online, offline đo phóng xạ tại một số trạm địa phương (Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, Bãi Cháy, Hải Phòng, Hà Nội, Vinh và Đà Nẵng), đầu tư trang thiết bị cho trạm điều hành chính và trạm vùng.

Viện KH&KTHN đã làm tư vấn tổng thể cho Dự án của Ngân hàng Thế giới về đầu tư các trang thiết bị xạ trị, y học hạt nhân cho các Bệnh viện tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Bắc Giang và Ninh Bình.

Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ đã vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử EB và máy chiếu xạ dùng nguồn Co-60. Dịch vụ chiếu xạ của Trung tâm đạt doanh thu 54,182 tỷ đồng. Trung tâm đã phối hợp với Sở KH&CN Đồng Nai thiết kế xây dựng dây chuyền chiếu xạ mới đặt tại Đồng Nai phục vụ xuất khẩu.

Trung tâm Đánh giá không phá hủy tiếp tục duy trì và phát triển kết quả ứng dụng vào thực tế, như: Sử dụng phương pháp siêu âm để kiểm tra chất lượng cánh bơm của nhà máy; Kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với các kỹ thuật về NDT được đưa vào giảng dạy và triển khai thực tiễn tại các dự án nhiệt điện.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã tích cực triển khai dịch vụ chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Úc. Tổng hàng hóa chiếu xạ đạt khoảng 1.333 tấn hàng hóa trong đó có 9,3 tấn vải xoài với thời gian chiếu xạ khoảng 7.000 giờ.

Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm tra thép carbon trong chân mối hàn thép không rỉ tại Nhà máy Lọc – Hóa dầu Nghi Sơn với giá trị hợp đồng 8,253 tỷ đồng.

Viện Công nghệ xạ hiếm vẫn tiếp tục phát triển hướng truyền thống như sản xuất kẽm, sản xuất lưới nhôm, dịch vụ xử lý chất thải phóng xạ, phân tích mẫu,v.v, doanh thu trong năm 2019 đạt trên 120 tỷ đồng.

Năm 2019, các hoạt động triển khai kỹ thuật, sản xuất và dịch vụ của các đơn vị trong Viện NLNTVN có kết quả tốt, đạt tổng mức doanh thu là 315,300 tỷ đồng, tăng 10,46% so với năm 2018.

Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học: Viện NLNTVN đã đạt được thành tích nổi bật hơn so với năm 2018, đã có nhiều công bố hơn trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế với tổng số công trình là 265 (tăng 53,2% so với năm 2018), trong đó số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế là 71 công trình (tăng 26,7% so với năm 2018), trong đó có 57 công trình đăng trên các tạp chí ISI (tăng 18,7% so với năm 2018) có Impact Factor cao như Nature, Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C, Physical Review D, Nuclear Physics A, Nuclear Science and Engineering, Nuclear Engineering and Design, Nuclear Engineering and Technolog, J. Environmental Management, Polymer,…

Đặc biệt trong năm 2019, TS. Lê Xuân Chung, nghiên cứu viên chính thuộc Viện KH&KTHN cùng các đồng nghiệp quốc tế đã công bố công trình “78Ni revealed as a doubly magic stronghold against nuclear deformation” trên tạp chí Nature, tạp chí uy tín hàng đầu của khoa học với chỉ số ảnh hưởng rất cao IF = 41,577. Công trình quốc tế này đã được Viện NLNTVN trao giải thưởng đặc biệt. Chi tiết công trình được đăng tải tại https://www.nature.com/articles/s41586-019-1155-x.

Tiếp đó, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã báo cáo tóm tắt những thành tích đạt được năm 2019 và đề ra phương hướng công tác của đơn vị mình năm 2020, cũng như góp ý vào phương hướng công tác năm 2020 của Viện NLNTVN, đồng thời đưa ra những kiến nghị đối với Lãnh đạo Viện NLNTVN và Bộ KH&CN.
 

Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu.
 

Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng và rất ấn tượng với kết quả mà Viện NLNTVN đã đạt được trong năm 2019. Ông Sergei Tanakov nhận định Lãnh đạo Viện đạt được sự hài hoà trong 2 nhiệm vụ lớn là nghiên cứu cơ bản và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công cuộc phát triển đất nước. Ông cũng bày tỏ hy vọng trong năm 2020 với sự hỗ trợ từ Liên bang Nga, Viện NLNTVN sẽ tiếp tục phát triển, cụ thể là thúc đẩy dự án RCNEST. Sau khi dự án thành công thì năng lực của Viện NLNTVN, Bộ KH&CN và đất nước Việt Nam sẽ được tăng cường gấp bội. Nhân dịp này, Ông Sergei Tanakov đã thông báo với Hội nghị tin vui: Cách đây vài ngày, Thủ tướng Liên bang Nga và Việt Nam đã điện đàm với nhau, trong đó có đề cập đến mong muốn thúc đẩy dự án Trung tâm RCNEST trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, GS. Lê Hồng Khiêm, Đại diện toàn quyền của Chính phủ Việt Nam tại Viện liên hợp hạt nhân Dubna (JINR), Nga đã chia sẻ, JINR là một trong những cơ sở nghiên cứu vật lý hạt nhân hàng đầu thế giới. Viện NLNTVN cần cử những cán bộ trẻ, triển vọng sang đào tạo và làm việc. Có thể đa dạng hóa các lĩnh vực nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở vật lý hạt nhân hay hóa phóng xạ mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học vật liệu, sinh học, môi trường. Giáo sư cho biết trong phiên họp đại diện toàn quyền JINR vừa được tổ chức vào tháng 11 tại Hà Nội, JINR-Dubna sẽ có thể đầu tư kinh phí, thiết kế lắp đặt một số thiết bị ở Trung tâm RCNEST để các nhà khoa học của hai nước cũng như quốc tế cùng nhau nghiên cứu và khi đó có thể coi RCNEST là một chi nhánh, một điểm đại diện của Dubna tại Việt Nam trong tương lai. Đây cũng là ý kiến của GS. Trần Đức Thiệp, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vật lý hạt nhân. Giáo sư cũng nhấn mạnh để xây dựng lò nghiên cứu có công suất lớn thì hiện tại Viện NLNTVN đã làm tốt công tác nghiên cứu khoa học về lý thuyết, nhưng vẫn còn thiếu phần thực nghiệm, đây là điều mà Viện cần đẩy mạnh hợp tác với Dubna trong thời gian tới.
 

Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Viện NLNTVN.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành đã trình bày tóm tắt những nhiệm vụ lớn mà Viện NLNTVN sẽ tập trung thực hiện trong năm 2020: Đó là tăng cường xây dựng năng lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng, thúc đẩy dự án Trung tâm RCNEST; Cố gắng làm tốt công tác quản lý và công tác thông tin tuyên truyền; Nỗ lực xây dựng những nhóm nghiên cứu đạt tầm quốc tế. Dẫn lại lời của GS. Đào Tiến Khoa, Viện trưởng Trần Chí Thành đã nhấn mạnh rằng để làm tốt công tác nghiên cứu, cần có 3 yếu tố: GIỎI, ĐAM MÊ, PHẤN ĐẤU KHÔNG NGỪNG (gọi tắt là GDP). Đó là những tố chất cần thiết của những người làm nghiên cứu khoa học. Viện trưởng đã trích dẫn câu nói của nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein: “Tôi không giỏi hơn người khác, tôi chỉ ở lại với vấn đề lâu hơn người khác” để nhấn mạnh đến sự lao động kiên trì, bền bỉ của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những người đứng đầu các nhóm nghiên cứu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chúc mừng Viện NLNTVN đã liên tục phát triển và đạt kết quả tốt trong hầu hết mọi lĩnh vực trong những năm qua. Năm 2019, Viện đạt được nhiều thành tựu với nhiều con số ấn tượng, đặc biệt là trong công bố khoa học và doanh thu. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã biểu dương VINAGAMMA là đơn vị đầu tiên đưa dịch vụ chiếu xạ vào Việt Nam. Tuy nhiên, Thứ trưởng bày tỏ trăn trở về một vấn đề lớn không chỉ riêng với Viện NLNTVN mà còn là thực trạng chung của các đơn vị khác, đó là vấn đề tổ chức và nhân sự. Thứ trưởng đưa ra góp ý với Viện NLNTVN, cần có kế hoạch về tổ chức, tiếp nhận và đào tạo cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý vì công tác quản lý là một vấn đề quan trọng trong bối cảnh xã hội đang thay đổi rất nhanh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
 

Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của Viện NLNTVN đã thành công tốt đẹp. Năm 2020, tiếp theo sự thành công của năm 2019, Viện trưởng Viện NLNTVN đã đưa ra chủ đề phấn đấu của năm 2020 cho toàn Viện là “Phát triển năng lực triển khai xây dựng lò nghiên cứu mới” (Development of capacity for implementing construction of the new research reactor). Lò nghiên cứu mới trong dự án Trung tâm RCNEST là tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong 50-70 năm tiếp theo, và năm 2020 sẽ là năm mở đầu cho giai đoạn đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ đầu đàn cho triển khai xây dựng và khai thác lò nghiên cứu mới.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2651

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)