Thứ tư, 18/12/2019 14:40 GMT+7

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ phối hợp với Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức hội thảo “Bảo hộ sáng chế và vai trò kinh tế của nhãn hiệu”

Trong khuôn khổ hoạt động nghiên cứu và đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ, sáng ngày 13/12/2019 tại Hà Nội, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) phối hợp với trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHKHTN) và Ban Khoa học và Công nghệ (KHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo “Bảo hộ sáng chế và vai trò kinh tế của nhãn hiệu” nhằm trao đổi, thảo luận các khía cạnh pháp lý, kinh tế của hai loại tài sản trí tuệ (TSTT) này, khuyến nghị việc nâng cao chất lượng, vai trò của sáng chế và nhãn hiệu trong nền kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, bảo hộ, thương mại hóa và quản trị TSTT.

Tham dự Hội thảo, về phía Viện KHSHTT có TS. Nguyễn Hữu Cẩn – Phó viện trưởng, ThS. Đỗ Thị Xuân Hương – Trưởng phòng Giám định – Định giá, ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, ThS. Bùi Tiến Quyết – Trưởng phòng Đào tạo – Thông tin; về phía ĐHQGHN có PGS. TS. Vũ Văn Tích – Trưởng Ban KHCN, PGS. TS. Trần Quốc Bình – Trưởng phòng KHCN ĐHKHTN, TS. Đinh Nho Thái – Phó Trưởng phòng KHCN ĐHKHTN; tham dự hội thảo còn có đại diện của các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Việt Nhật, Khoa Y Dược, Khoa Quốc tế, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Viện Quốc tế Pháp ngữ, Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông… và các thầy cô thuộc Trường ĐHKHTN, ĐHQGHN, các học viên sau đại học có quan tâm.
 

Toàn cảnh buổi Hội thảo.
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Vũ Văn Tích – Trưởng ban KHCN, ĐHQGHN cho biết, sáng chế, nhãn hiệu cũng như các đối tượng sở hữu công nghiệp khác là những tài sản quan trọng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung. ĐHQGHN là một trong những đơn vị tiên phong trong việc định hướng phát triển các TSTT của các tổ chức, cá nhân trực thuộc. Hội thảo là dịp để các thầy cô hiểu rõ hơn về vai trò của thông tin SHCN đối với hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, bảo hộ, thương mại hóa và quản trị TSTT; xu hướng bảo sáng chế, nhãn hiệu tại Việt Nam và đóng góp của các loại TSTT này đối với sự phát triển kinh tế xã hội…  

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả của Viện KHSHTT chia sẻ về 3 chủ đề: Chất lượng sáng chế được bảo hộ ở Việt Nam; Đóng góp của nhãn hiệu vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và Khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp - Công cụ IPPLATFORM.
 

TS. Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện KHSHTT trình bày tham luận.
 

Trình bày tại Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT đã có những đánh giá cụ thể mang tính định lượng về chất lượng sáng chế được bảo hộ ở Việt Nam từ góc độ thương mại hoá. Theo thống kê, tỉ lệ chấp nhận bảo hộ sáng chế tại nước ta còn rất thấp, xu hướng bảo hộ chủ yếu là giải pháp hữu ích, phạm vi áp dụng sáng chế còn ít, tuổi đời thực tế của sáng chế ngắn, mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp còn hạn chế… Từ thực trạng đó, TS. Nguyễn Hữu Cẩn cũng đã nêu ra một số hàm ý về mặt chính sách, cụ thể: Việt Nam cần thúc đẩy động lực, nâng cao chất lượng hoạt động sáng chế, chú trọng tính hữu ích; tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động sáng tạo và nhu cầu của thị trường/ngành công nghiệp; tăng cường khai thác thông tin sáng chế phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển và quản trị TSTT (sử dụng công cụ IPPlatform do Viện KHSHTT xây dựng và phát triển). 
 

ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng – Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện KHSHTT trình bày tham luận.
 

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện KHSHTT đã chỉ ra những đóng góp của nhãn hiệu vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, có 61 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều nhãn hiệu, trong đó cao nhất là ngành sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều nhãn hiệu đóng góp 8,31% GDP ở Việt Nam. Theo bà Hằng, để nâng cao vai trò của nhãn hiệu đối với nền kinh tế thì việc cấp thiết nhất chính là thúc đẩy sử dụng nhãn hiệu cho các ngành công nghiệp. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng của hệ thống SHTT về nhãn hiệu: tạo môi trường pháp lý thuận lợi; tăng cường năng lực của bộ máy SHTT; đảm bảo thực thi quyền đối với nhãn hiệu một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nhãn hiệu của mỗi doanh nghiệp: việc sử dụng nhãn hiệu phải đi liền với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ; việc đăng ký, sử dụng nhãn hiệu cần phải có chiến lược rõ ràng để nhãn hiệu thực sự trở thành công cụ phát triển kinh tế đắc lực cho doanh nghiệp; doanh nghiệp cần có nhân lực về quản trị nhãn hiệu.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe chia sẻ về vai trò của khai thác thông tin SHCN phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, bảo hộ, thương mại hóa và quản trị TSTT; Hướng dẫn khai thác thông tin sở hữu công nghiệp và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp thông qua Nền tảng dữ liệu và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Nền tảng IPPlatform).
 

ThS. Bùi Tiến Quyết – Trưởng phòng Đào tạo - Thông tin, Viện KHSHTT trình bày tham luận.
 

Theo ThS. Bùi Tiến Quyết, Trưởng phòng Đào tạo – Thông tin, Viện KHSHTT: Khai thác thông tin SHCN là rất cần thiết phục vụ quản lý nhà nước về SHTT, hoạt động sản xuất/kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản trị và phát triển TSTT của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân; Dịch vụ SHCN cần dựa trên thông tin cập nhật, đầy đủ, kịp thời; IPPlatform là công cụ cho phép dễ dàng khai thác thông tin và tiện lợi cho việc sử dụng dịch vụ; Việc phổ biến, đưa IPPlatform đến gần hơn với cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp… là cần thiết và cần có sự hợp tác của nhiều bên.

Phần thảo luận đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi, bình luận… với chủ đề tập trung vào đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu góp phần phát triển kinh tế và cách thức khai thác hiệu quả thông tin SHCN phục vụ hoạt động nghiên cứu, tạo dựng, bảo hộ, thương mại hóa và quản trị TSTT. Cũng trong phần thảo luận, đại diện của Viện KHSHTT và ĐHQGHN đã trao đổi về khả năng hợp tác, thiết lập Trạm khai thác IPPlatform tại ĐHQGHN nhằm hỗ trợ khai thác thông tin SHCN miễn phí cho cán bộ, học viên, sinh viên của ĐHQGHN.

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT gửi lời cảm ơn Trường ĐHKHTN và Ban KHCN ĐHQGHN đã phối hợp với Viện KHSHTT tổ chức buổi hội thảo mang lại nghiều ý nghĩa và hi vọng trong thời gian tới các bên sẽ tiếp tục đồng hành trong các sự kiện liên quan đến lĩnh vực SHTT./.

 

Nguồn: Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2077

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)