Thứ ba, 10/12/2019 09:45 GMT+7

Hội đồng đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng”

Ngày 03/12/2019, tại Viện Di truyền nông nghiệp (AGI) – KM2 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra phiên họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ gamma dùng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng”, mã số: KC.05.01/16-20 thuộc Chương trình KC.05/16-20 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”, nhiệm vụ do TS. Nghiêm Xuân Khánh làm Chủ nhiệm, Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) là Cơ quan chủ trì, thời gian thực hiện 36 tháng (từ 10/2016 đến 9/2019).

Điều hành phiên họp là GS.TS. Trần Đức Thiệp – Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng, cùng các thành viên trong Hội đồng gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực vật lý hạt nhân, công nghệ gen, điện tử hạt nhân. Phiên họp còn có sự tham gia của ông Trần Đỗ Đạt - Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước (VPCT); ông Nguyễn Văn Quân - Chuyên viên VPCT; ông Nguyễn Hữu Ngữ - Chuyên viên Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật; ông Trịnh Cường - Ủy viên Ban chủ nhiệm chương trình KC.05/16-20; bà Lê Thị Hải Yến – Thư ký Ban chủ nhiệm chương trình KC.05/16-20; ông Lê Đức Thảo - Phó Viện trưởng AGI; Ban Giám đốc Trung tâm NDE, cùng một số cán bộ đến từ Viện AGI và Trung tâm NDE.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm nhiệm vụ TS. Nghiêm Xuân Khánh đã trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, báo cáo về sản phẩm khoa học và công nghệ và báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, nhấn mạnh việc chế tạo thành công thiết bị chiếu xạ gamma đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng đáp ứng đúng theo yêu cầu đặt hàng của AGI nhằm phục vụ nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng. Thiết bị được nghiên cứu thiết kế, chế tạo đầy đủ các tính năng đảm bảo về an toàn bức xạ theo đúng các quy định của nhà nước và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép hoạt động số: 51/GP-BKHCN. Bên cạnh đó, việc xác định liều chiếu xạ của thiết bị đã được tập trung nghiên cứu vì đây là yếu tố then chốt quyết định chất lượng sản phẩm, một giản đồ suất liều chiếu đã được xây dựng dựa trên 05 kỹ thuật xác định liều: Tính toán lý thuyết, mô phỏng tính toán MCNP, liều kế TLD, buồng ion hóa và liều kế Fricke, các kết quả xác định liều đều được thực hiện bởi các đơn vị có chuyên môn như: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội...Qua việc sử dụng thiết bị và chiếu xạ thử nghiệm nghiên cứu trên mẫu đậu tương DT2012 (hạt khô và hạt nảy mầm) của Viện Di truyền nông nghiệp, với các kết quả nghiên cứu đạt được là hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây tại Việt Nam đã một lần nữa khẳng định độ chính xác, tính ứng dụng của thiết bị. Như vậy, nhiệm vụ đã hoàn thành và góp phần thúc đẩy ứng dụng, phát triển kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đây cũng chính là thiết bị chuyên dụng đầu tiên được ngành năng lượng nguyên tử chuyển giao cho ngành nông nghiệp phục vụ mục đích nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng đột biến.
 

TS. Nghiêm Xuân Khánh trình bày tóm tắt về nhiệm vụ tại phiên họp.
 

Sau khi chủ nhiệm trình bày tóm tắt báo cáo, Hội đồng đã đưa ra những đóng góp ý kiến đối với nhiệm vụ: Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện nghiên cứu của chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu. Nhiệm vụ đã thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành toàn bộ những nội dung cam kết, có sản phẩm là một thiết bị chiếu xạ gamma tận dụng nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, phục vụ cho nghiên cứu đột biến, tạo giống cây trồng trong nông nghiệp, được đơn vị sử dụng (AGI) đánh giá cao. Thiết bị cũng có thể sử dụng hiệu quả cho việc nghiên cứu thử nghiệm/kiểm tra vật liệu, mở ra những hướng ứng dụng hữu ích khác. Nhiệm vụ có hiệu quả kinh tế đáng kể vì không phải bỏ kinh phí để lưu giữ, xử lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng cũng như kinh phí nhập khẩu thiết bị tương tự của nước ngoài. Nhiệm vụ cũng có những công trình đã đăng tải, góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ trong nước và và nước ngoài. Bên cạnh đó, chủ nhiệm cùng với nhóm nghiên cứu cũng cần phải hoàn thiện chỉnh sửa lại một số báo cáo, tóm tắt một số nội dung một cách mạch lạc, ngắn gọn.
 

Các thành viên trong Hội đồng chụp ảnh tại phòng đặt thiết bị chiếu xạ Gamma.
 

Phát biểu kết luận tại buổi họp, GS.TS. Trần Đức Thiệp đã chúc mừng chủ nhiệm nhiệm vụ cùng đơn vị chủ trì. GS.TS. Trần Đức Thiệp cũng đồng tình và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm thực hiện nhiệm vụ cần tiếp thu ý kiến để tiếp tục hoàn thiện. Ông cũng đánh giá cao kết quả trong quá trình nghiên cứu, nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu theo theo hợp đồng. Giáo sư cũng mong muốn sau kết quả này sẽ mở ra những định hướng mới trong thời gian tới, với việc tận dụng các nguồn phóng xạ để xây dựng thêm các thiết bị chiếu xạ nhằm phục vụ cho các mục đích khác.

Sau quá trình làm việc, đại diện Hội đồng nghiệm thu công bố kết quả kiểm phiếu. Theo đó, tất cả các thành viên trong Hội đồng đều thông qua phiếu đánh giá nhiệm vụ với 7/9 phiếu (trong đó có 03 phiếu xuất sắc, 04 phiếu đạt, 02 thành viên vắng mặt). Kết quả nghiệm thu nhiệm vụ: Đạt.

Cuối phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi lời chúc mừng tới chủ nhiệm và các thành viên thực hiện nhiệm vụ đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng hợp đồng đã ký kết và tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao phục vụ cho ngành nông nghiệp.
 

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu chúc mừng nhiệm vụ hoàn thành.
 

Kết thúc phiên họp, Chủ nhiệm nhiệm vụ gửi lời cảm ơn tới Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Ban chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã quan tâm xem xét và tạo điều kiện giúp đỡ để nhiệm vụ hoàn thành theo đúng tiến độ, sản phẩm đáp ứng đúng theo yêu cầu đặt hàng.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1563

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)