Thứ hai, 02/12/2019 08:42 GMT+7

60 năm nhìn lại bài học về khát vọng phụng sự đất nước

Năm 2019 là một cột mốc đánh dấu 60 năm kể từ ngày thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước, tổ chức tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay. Đó là một chặng đường ghi đậm dấu ấn của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam với nhiều cống hiến to lớn cho đất nước, cả trong chiến tranh và hòa bình.

Nhân dịp kỷ niệm này, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đã có cuộc trao đổi với Ban biên tập Báo Khoa học và Phát triển.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.
 

Xin Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ của mình về sứ mệnh của Bộ Khoa học và Công nghệ, thể hiện trên chặng đường đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong những thời kỳ thử thách khó khăn nhất?

Ngay từ khi ra đời, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã sớm định hình sứ mệnh của mình là thực hiện ba mục tiêu quốc gia về sản xuất, dân sinhquốc phòng. Sứ mệnh ấy được thực hiện trong bối cảnh toàn ngành cũng như nhân dân cả nước phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và cả sau này khi đất nước đã hòa bình nhưng bị bao vây, cấm vận.

Chính trong những năm tháng khó khăn này, đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã thực hiện thành công những nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Tiến hành điều tra, khảo sát tài nguyên, khoáng sản ở nhiều miền đất xa xôi; tiếp thu làm chủ kỹ thuật từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em để thiết kế, thi công các công trình, nhà máy, xí nghiệp lớn làm trụ cột cho nền công nghiệp non trẻ; nghiên cứu ứng dụng giống cây mới và quy trình gieo cấy tiên tiến, đảm bảo lương thực cho hậu phương lớn miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến miền Nam; triển khai các công trình y dược về sốt rét, lây nhiễm, da liễu, ngoại khoa phục vụ kịp thời việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân và lực lượng quân đội trên chiến trường; hệ thống các công trình nghiên cứu kỹ thuật quân sự như: chống nhiễu ra đa, cải tiến tên lửa phòng không, rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường là những thành tựu khoa học rất đáng tự hào, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh vũ khí kỹ thuật cao của đối phương, hoàn thành sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật Việt Nam một lần nữa chứng minh bản lĩnh trí tuệ của mình, tiếp tục có những cống hiến to lớn tạo tiền đề cho sự phát triển của các ngành công nghiệp và nông nghiệp của đất nước, điển hình như tham gia thiết kế, thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình; khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười; xây dựng đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam; tiến hành khai thác dầu khí ở Biển Đông; chọn tạo mới các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao.

Đó thực sự là các nỗ lực phi thường trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của lịch sử, là bài học về thực thi sứ mệnh của khoa học và công nghệ trong gánh vác sứ mệnh chung của quốc gia và dân tộc, thực sự truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay trên con đường phát triển khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
 

KH&CN tiếp thu làm chủ kỹ thuật từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em để thiết kế, thi công các công trình, nhà máy, xí nghiệp lớn làm trụ cột cho nền công nghiệp non trẻ. Trong ảnh: Nhà máy dệt Nam Định.

Bước sang thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có những cải cách toàn diện trong chính sách quản lý trên nhiều ngành và lĩnh vực. Đối với ngành khoa học và công nghệ, theo Bộ trưởng đâu là dấu ấn đổi mới chính sách rõ nét nhất?

Trong hơn 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, theo từng thời kỳ, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Từng bước, công tác quản lý khoa học và công nghệ được đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ, tôn trọng đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, phù hợp với thực tiễn thị trường và dần tiệm cận với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trong quản lý khoa học, dấu ấn đổi mới chính sách rõ nét nhất trong hơn 15 năm qua phải kể đến sự ra đời của hệ thống các đạo luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, với nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của doanh nghiệp trong hệ thống sáng tạo quốc gia; từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu; áp dụng nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng trong tuyển chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ; thực hiện cơ chế khoán chi và kiểm soát chi thông thoáng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với nhu cầu thực tiễn và thị trường; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; phát triển thị trường công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ; trọng dụng cán bộ khoa học theo nhóm đối tượng tài năng.

Những bước đột phá về cơ chế, chính sách này là một trong những nguyên nhân chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.
 

Giáo sư Đặng Văn Ngữ giới thiệu với Bác Hồ công việc nghiên cứu về ký sinh trùng.
 

Xin Bộ trưởng cho biết một cách khái quát những thành tựu chủ yếu của ngành khoa học và công nghệ từ Đổi mới đến nay?

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khoa học và công nghệ Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam từng bước được nâng cao; số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã được gia tăng hằng năm; tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng cao, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2019 đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay, xếp thứ 42 trên 129 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26% mỗi năm, lĩnh vực toán học và vật lý luôn đứng ở tốp đầu các nước ASEAN.

Những thành tựu khoa học và công nghệ đạt được trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của lịch sử là bài học về thực thi sứ mệnh của khoa học và công nghệ trong gánh vác sứ mệnh chung của quốc gia và dân tộc, thực sự truyền cảm hứng cho các thế hệ hôm nay trên con đường phát triển khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Những bước đột phá về cơ chế, chính sách trong quản lý khoa học là một trong những nguyên nhân chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ của đất nước.

Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển dân tộc, bảo tồn các hệ giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam. Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực. Nhân tố khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong công nghiệp và dịch vụ, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam đã có khả năng độc lập thiết kế, thi công các nhà máy thủy điện lớn; chế tạo thiết bị cơ khí thủy công và nâng hạ siêu trường, siêu trọng; giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước và 120m nước; phát triển công nghệ khai thác dầu trong đá móng; khai thác vệ tinh viễn thông và vệ tinh viễn thám; làm chủ công nghệ đóng tàu, xây dựng công trình ngầm, nhà cao tầng, cầu dây văng, đường cao tốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; thành công trong ghép đa tạng và sản xuất vaccine. Việc tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ở địa phương cũng góp phần phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và tiềm năng vùng miền, cải thiện hạ tầng an sinh và đời sống người dân các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc.

Những thành tựu đó đã đóng góp thiết thực cho công cuộc đổi mới và hoàn thiện thể chế, thúc đẩy năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, tạo nên thế và lực mới cho đất nước.

Những thành công đạt được vừa qua là hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong điều kiện một đất nước còn đang phát triển, theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức cơ bản mà ngành khoa học và công nghệ phải đối diện?

Các thách thức chúng ta phải đối mặt là rất lớn. Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng vẫn còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Tinh thần khoa học, văn hóa đổi mới sáng tạo chưa thấm sâu vào tư duy, nhận thức cộng đồng xã hội. Khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên toàn cầu với các cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi một nước đi sau như Việt Nam cần nhanh chóng đổi mới tư duy và hành động kịp thời. Một mặt cần kiên trì các giải pháp tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ trong dài hạn, mặt khác quyết tâm tìm cách đi riêng để phát triển bứt phá.

Để vượt qua những khó khăn, thử thách trước mắt, gần đây Bộ trưởng thường nhắc tới giải pháp đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Xin Bộ trưởng chia sẻ rõ hơn về quan điểm tiếp cận này.

Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong thực tiễn, chuyển hóa các kết quả khoa học và công nghệ thành sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó tạo ra giá trị gia tăng và của cải, vật chất cho xã hội. Chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Đây là một trong số các giải pháp cần được triển khai đồng bộ để có thể đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong thời gian tới.

Chúng ta cần hiểu như thế nào về việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo khi mà tiềm lực đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhu cầu và khả năng hấp thụ công nghệ chưa cao?

Việc kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Từ góc độ quản lý khoa học và công nghệ, chúng ta cần tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp cần được hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng hình thức tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ nhà nước đối với các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Hợp tác công tư cần được tăng cường trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, trước hết với các tập đoàn công nghệ công nghiệp lớn trong nước. Về lâu dài, chúng ta sẽ khuyến khích chuyển dịch hoạt động nghiên cứu ứng dụng từ các viện nghiên cứu công lập về khu vực doanh nghiệp như thông lệ quốc tế.

Một trong những định hướng cải cách quan trọng mà ngành khoa học công nghệ kiên trì thực hiện trong những năm qua là thúc đẩy tự chủ và minh bạch hóa hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ. Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi định hướng này như thế nào?

Các tổ chức nghiên cứu sẽ cần được thực hiện trao quyền tự chủ tối đa gắn với trách nhiệm giải trình. Họ phải chịu sự đánh giá độc lập về kết quả hoạt động và công khai kết quả đánh giá. Mặt khác, cần tiếp tục thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học mạnh thông qua việc kiên trì đổi mới hoạt động quản lý khoa học và công nghệ theo hướng dỡ bỏ các rào cản hành chính, giải phóng tối đa tiềm năng sáng tạo. Đảm bảo phương tiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ khoa học, đặc biệt là môi trường học thuật tiên tiến, lành mạnh. Tăng cường động viên, khuyến khích, đào tạo và trọng dụng người tài.

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính động viên phải song hành với đánh giá công khai, minh bạch kết quả hoạt động nghiên cứu. Cần đặt yêu cầu trở lại đối với nhà khoa học, nâng cao những đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu.

Thưa Bộ trưởng, nhìn lại chặng đường đã qua của ngành khoa học và công nghệ, đâu là bài học và giá trị tinh thần cốt lõi mà chúng ta có thể rút ra và tiếp tục phát huy?

Thành công của ngành khoa học và công nghệ trên chặng đường 60 năm qua là minh chứng thuyết phục cho tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về sứ mệnh, vai trò động lực của khoa học và công nghệ, được quán triệt và tổ chức thực hiện xuất sắc bởi các thế hệ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là các thế hệ đầu tiên trưởng thành trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và kiến thiết đất nước sau hòa bình.

Trong hoàn cảnh cực kỳ gian khổ và khắc nghiệt với điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị nghiên cứu và các nguồn lực hết sức thiếu thốn, nghèo nàn, các cán bộ khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tạo ra những thành tựu quá đỗi tự hào, xây dựng đội ngũ và gây dựng nên những nền móng cơ bản về khoa học và kỹ thuật cho tương lai. Bài học lớn nhất các nhà khoa học để lại cho chúng ta ngày nay là bài học về giấc mơ lớn trong khoa học, khát vọng phụng sự đất nước bằng khoa học và nỗ lực phi thường để bằng mọi giá đạt được giấc mơ, khát vọng đó.

Đó là giá trị tinh thần quý báu mà các thế hệ đi trước đã để lại, rất cần được chúng ta kế thừa, tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy trong thời đại mới, hãy mơ giấc mơ lớn đưa khoa học và công nghệ nước nhà phát triển sánh vai các cường quốc, đóng góp ngày càng to lớn và thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

Một số hình ảnh về các thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật.
 

Nghiên cứu ứng dụng giống cây mới và quy trình gieo cấy tiên tiến, đảm bảo lương thực.
 

Lễ khánh thành nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nguồn: EVN
 

Bộ phận chân đế và khung nối nhà giàn Nhà giàn DK1.Nguồn: Tuổi trẻ.
 

Khôi phục lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: Vinatom
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Techfest 2017
 

Abivin, một startup Việt Nam chuyên cung cấp nền tảng tối ưu Logistics, giành Startup World Cup 2019.
 

Công ty Vabiotech tham gia Chương trình sản phẩm quốc gia để nghiên cứu và phát triển sản phẩm vaccine cho người.
 

Ban chỉ đạo đường dây 500 kw Bắc Nam đi thị sát tình hình thi công.
 

GS Ngô Bảo Châu và các nhà nghiên cứu ngành Toán Việt Nam.
 

PTN trọng điểm QG Vật liệu linh kiện và điện tử đặt tại Viện Khoa học Vật liệu.
 

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/60-nam-nhin-lai-bai-hoc-ve-khat-vong-phung-su-dat-nuoc/201911280304161p1c882.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 2073

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)