Thứ năm, 24/10/2019 17:56 GMT+7

UNESCO hướng tới thúc đẩy hợp tác với kinh tế tư nhân trong hoạt động KH&CN và ĐMST

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội (Việt Nam) cho biết, UNESCO hướng tới thúc đẩy quan hệ đối tác với khối tư nhân trong các mảng chính, bởi hoạt động KH,CN và ĐMST của khối này rất quan trọng trong phát triển KT-XH mỗi quốc gia.

Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc với ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội (Việt Nam).

Ngày 22/10/2019, tại Trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã có buổi tiếp và làm việc với ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội (Việt Nam). Tham dự còn có đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vụ Hợp tác quốc tế; đại diện của UNESCO.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi một số nội dung công việc mà hai bên có thể hợp tác và các vấn đề liên quan đến việc xây dựng chiến lược phát triển của UNESCO tại Việt Nam theo những mục tiêu mà UNESCO đề ra trong lĩnh vực khoa học tự nhiên bao gồm: khoa học biển; các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất; KH&CN giải quyết vấn rác thải nhựa, rác thải đại dương; hỗ trợ, thúc đẩy 02 Trung tâm dạng 2 Toán học và Vật lí.

Ông Michael Croft cảm ơn Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã dành thời gian tiếp đoàn và chia sẻ những định hướng phát triển KH&CN trong thời gian tới. “UNESCO nhận được thông điệp phát triển KH&CN không chỉ từ phía Bộ KH&CN mà còn từ phía Chính phủ Việt Nam cam kết phát triển mạnh mẽ KH,CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là lĩnh vực khoa học tự nhiên”.

Ông Michael Croft cũng cho rằng, bên cạnh lĩnh vực Giáo dục, Văn hóa, UNESCO chú trọng phát triển các chương trình liên quan đến khoa học tự nhiên, đưa ra những chính sách để phát triển lĩnh vực này bằng cách lồng ghép KH,CN và ĐMST trong các chương trình văn hóa, giáo dục như STEM, sáng kiến về thông điệp văn hóa thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ.

Đặc biệt, ông Michael Croft cho biết, UNESCO hướng tới thúc đẩy quan hệ đối tác với khối tư nhân trong các mảng chính bởi hoạt động KH,CN và ĐMST của khối này rất quan trọng trong phát triển KT-XH mỗi quốc gia.
 

Hai bên trao đổi các vấn đề liên quan trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, những định hướng mà UNESCO triển khai tại Việt Nam cũng là những vấn đề mà Việt Nam đang hướng tới triển khai. Liên quan đến khoa học biển, hiện nay Việt Nam đang triển khai Quyết định số 562/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản giai đoạn 2017 - 2025, trong đó ưu tiên phát triển khoa học biển do Việt Nam có lợi thế về đường biển dài và tương đối thuận lợi.

Đối với các khu dự trữ sinh quyển và công viên địa chất, Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã và đang thực hiện trong nhiều năm nay, một mặt để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, một mặt phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ KH&CN đều thực hiện nhiệm vụ khoa học liên quan đến khu địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển và có những đánh giá tổng kết nhiệm vụ. Bộ KH&CN mong UNESCO ủng hộ đề xuất của Việt Nam về một số khu Dự trữ sinh quyển mới và Công viện địa chất toàn cầu mới.

Việc áp dụng KH&CN để xử lý rác thải nhựa, rác thải đại dương…  cũng đang là vấn đề lớn trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển với tốc độ đô thị hóa mạnh. Việt Nam mong muốn UNESCO trong quá trình hỗ trợ các nước đang phát triển, những nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam, sẽ hỗ trợ Việt Nam về vấn đề này.

Đối với 2 Trung tâm dạng 2 (Toán, Vật lí), hiện nay đã bắt đầu các hoạt động đào tạo nhà khoa học, tổ chức hội thảo, hội nghị đến từ các nước đang phát triển, tuy nhiên mọi việc vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Thứ trưởng cũng kiến nghị với ông Michael Croft phối hợp tổ chức Lễ ra mặt Ban Điều hành Trung tâm quốc tế trên cơ sở Thỏa thuận đã ký về việc thành 02 Trung tâm dạng 2 trong tháng 12/2019, hỗ trợ thông tin về mảng khoa học tự nhiên (Các chương trình, dự án, học bổng UNESCO).

Về mục tiêu UNESCO hướng tới thúc đẩy quan hệ đối tác với khối kinh tế tư nhân, theo Thứ trưởng, trong vài năm trở lại đây, các Tập đoàn tư nhân của Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh và quan tâm đến KH&CN. Đây là một vấn đề mới mà Chính phủ Việt Nam trong chính sách phát triển KH&CN cần có chiến lược phù hợp do trước đây chỉ có Nhà nước đầu tư cho KH&CN.

Gần đây, Chính phủ Việt Nam nhận được nhiều tư vấn của các chuyên gia kinh tế về phát triển KT-XH của Việt Nam bằng cách đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và sáng tạo; phát triển khối kinh tế tư nhân. Thứ trưởng mong muốn UNESCO trong qua trình triển khai chiến lược ở các nước phát triển hoặc tương đồng với Vịệt Nam có thể hoạch định chính sách phát triển nghiên cứu và triển khai cho khối tư nhân.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
 

- Thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã kiện toàn Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO  Việt Nam trực thuộc Bộ KH&CN và Tổ chuyên gia của Tiểu ban trực thuộc Bộ KH&CN (sau đây gọi tắt là Tiểu ban) (Quyết định số 632/QĐ-BHKCN ngày 03/4/2015) và đã ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (Quyết định số 3431/QĐ-BKHCN ngày 30/11/2015).

- Phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất thành công với UNESCO và ký Thỏa thuận về về việc thành lập Trung tâm khoa học dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ.

- Hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

- Đưa vào Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ KH&CN với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường các nội dung ưu tiên hỗ trợ các tiểu ban chuyên môn như Chương trình Hải dương học liên chính phủ (IOC) thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Chương trình Thủy văn Quốc tế (IHP) và Chương trình Khoa học Địa chất quốc tế (ICGP) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 1767

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)