Thứ sáu, 18/10/2019 16:36 GMT+7

Tiếp Đại sứ Ấn Độ đến thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân

Sáng ngày 11/10/2019, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN), Ngài Pranay Verma, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cùng phu nhân đã đến thăm và tìm hiểu về các hoạt động của Viện NCHN. Tiến sỹ Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì tiếp đón.

Cùng dự buổi tiếp còn có TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), PGS. TS. Nguyễn Nhị Điền, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, Bà Cao Hồng Lan, Phó trưởng Ban Hợp tác quốc tế, Viện NLNTVN, Ông Lương Bá Viên, Phó Viện trưởng Viện NCHN và một số Lãnh đạo các Phòng/Trung tâm trực thuộc Viện NCHN.
 

Toàn cảnh buổi tiếp.
 

Thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã hoan nghênh và cảm ơn Ngài Đại sứ cùng phu nhân đã đến thăm Viện NCHN Đà Lạt - một đơn vị nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện NLNTVN. Thứ trưởng nhấn mạnh Lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (LPƯHNĐL) tuy có công suất nhỏ nhưng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và ngành năng lượng nguyên tử nói riêng. Thứ trưởng đánh giá cao Chính phủ Ấn Độ trong những năm qua đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ thông qua các học bổng ngắn hạn và dài hạn, cũng như hỗ trợ về trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo. Thứ trưởng tin tưởng rằng với vai trò và trách nhiệm của mình, Đại sứ sẽ tiếp tục góp phần duy trì và củng cố mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Ngài Đại sứ trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Bộ KH&CN, Viện NLNTVN và các cán bộ khoa học của Viện NCHN đã dành thời gian đón tiếp. Ngài Đại sứ vui mừng khi thấy Viện NCHN đạt nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hy vọng Viện sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong những năm tới. Về phần mình, Ngài Đại sứ khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành NLNT Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp, Viện NCHN đã giới thiệu khái quát về các hoạt động của Viện, trình bày về ứng dụng chùm nơtron tại LPƯHNĐL và tổng quan về Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân. Nhân dịp này, Phía Việt Nam đề xuất một số nội dung hợp tác với Ấn Độ như: Trao đổi cán bộ nghiên cứu, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ và nguồn kín; cấu trúc vật liệu, chiếu xạ thử nghiệm vật liệu,…để chuẩn bị nguồn nhân lực khai thác Lò phản ứng nghiên cứu mới. Các hình thức hợp tác có thể là gửi cán bộ khoa học đi trao đổi, học tập ngắn hạn (3-6 tháng) tại các cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Ấn Độ, tổ chức các khóa huấn luyện ngắn hạn (1-2 tuần) tại Việt Nam và mời các chuyên gia của Ấn Độ giảng bài, …Ngài Đại sứ đã ghi nhận các đề xuất của Việt Nam và sẽ làm việc với các bên liên quan của Ấn Độ để xúc tiến các nội dung hợp tác sớm nhất có thể, đồng thời gợi ý phía Việt Nam nên quan tâm cử các cán bộ quản lý và cán bộ khoa học tham gia Chương trình ITEC (Indian Technical and Economic Co-operation Program) của Ấn Độ dành cho Việt Nam mà hàng năm Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán của Ấn Độ đã và sẽ gửi thông báo.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc trao quà lưu niệm cho Ngài Đại sứ.
 

Ngoài ra, Ngài Đại sứ đã dành thời gian tham quan LPƯHNĐL, Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, Trung tâm Đào tạo tại Viện NCHN và một cơ sở sản xuất rau sạch được Viện NCHN cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Một số hình ảnh của chuyến tham quan:
 

Ngài Đại sứ chụp ảnh lưu niệm với Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Lãnh đạo Viện NLNTVN và một số cán bộ của Viện NCHN.
 

 Tham quan Phòng điều khiển LPƯHNĐL.
 

Tham quan Trung tâm Đào tạo Viện NCHN.
 

Tham quan cơ sở sản xuất rau sạch tại Đà Lạt.

Nguồn: Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1845

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)