Thứ năm, 03/10/2019 16:36 GMT+7

Xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Ngày 26-27/9/2019 tại thành phố Hà Tĩnh, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP”...

Thực hiện Quyết định số 3220/QĐ-BKHCN ngày 24/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giao Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, trong hai ngày 26-27/9/2019 tại thành phố Hà Tĩnh, Cục SHTT phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lớp tập huấn “Xây dựng, đăng ký, quản lý và phát triển quyền SHTT cho các sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP”.

Tham dự lớp tập huấn có 110 đại biểu là các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, thành viên các hiệp hội, làng nghề, cán bộ thuộc Văn phòng chương trình nông thôn mới, cán bộ thuộc các phòng chuyên môn các huyện và cán bộ quản lý SHTT thuộc các Sở KH&CN đến từ 13 tỉnh/thành phố thuộc khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, tham dự lớp tập huấn còn có 14 Lãnh đạo Sở KH&CN đến từ Thái Nguyên, Hải Phòng, Phú Thọ, Nam Định, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Hà Nội và chủ nhà Hà Tĩnh.
 


Hình ảnh của lớp tập huấn

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển đồng bộ nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình được Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Khi thực hiện chương trình này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh nhận định: thực tế đã chứng minh SHTT ngày càng thể hiện là một công cụ hữu hiệu giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, của mỗi doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó cần thiết phải trang bị kiến thức về SHTT cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP để có thể xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Như trường hợp của Hà Tĩnh, vùng quê từ lâu nổi tiếng với đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam Bù Hương Sơn, nhung hươu Hương Sơn, rượu nếp Can Lộc… Những đặc sản trên không chỉ giúp người dân Hà Tĩnh phát triển kinh tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hà Tĩnh đến với mọi miền đất nước. Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản của địa phương do HĐND, UBND tỉnh ban hành cũng như với sự hỗ trợ của Trung ương, thương hiệu của nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Tĩnh đã được tạo lập, quản lý và khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, đời sống của người dân. Bởi lẽ đó, việc trang bị kiến thức về SHTT để giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả, chủ động tiếp cận thị trường, đồng thời giữ gìn và phát huy danh tiếng và uy tín chất lượng “thương hiệu” của các đặc sản địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước là rất quan trọng.
 


 Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Ngày thứ nhất của lớp tập huấn, các cán bộ có kinh nghiệm của Cục SHTT đã trình bày các nội dung về việc phát triển quyền SHTT đối với đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP; cách thức lựa chọn đối tượng SHTT phù hợp với việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các đặc sản địa phương để đăng ký bảo hộ; các chương trình, định hướng hỗ trợ thành viên của hiệp hội, làng nghề quản lý, khai thác và phát triển quyền SHTT cho các đặc sản địa phương. 

Báo cáo kinh nghiệm của Hà Tĩnh, Ông Nguyễn Huy Trọng, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đã nêu bật được hiệu quả của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020. Đó là các đối tượng đăng ký quyền SHTT tăng gấp 5 lần so với trước khi triển khai Chương trình; Các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã đăng ký và xây dựng thành công thương hiệu như bưởi Phúc Trạch, nhung hươu Hương Sơn, kẹo Cu Đơ…nhận thức về SHTT của các cấp, các ngành và của công chúng đã tăng lên rõ rệt, sự kết nối ngành KHCN của tỉnh với các huyện, thị, TP trong tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả…

Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Sơn La, Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sơn La cho rằng: nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản truyền thống, đẩy mạnh phát triển kinh tế phương, những năm qua cả hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La đã vào cuộc. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản là tiềm năng lợi thế của tỉnh. Cùng với việc tập trung đăng ký bảo hộ và quản lý hiệu quả quyền SHTT cho các sản phẩm đặc sản, để duy trì và phát triển thương hiệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại; gắn việc quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu với du lịch canh nông, trải nghiệm như: Du lịch cánh đồng chè Shan tuyết Mộc Châu, du lịch lòng hồ Sông Đà, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hái chè, sản xuất chè Ô Long…

Đồng tình với quan điểm của tỉnh Sơn La, Ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái chia sẻ thêm: tỉnh Yên Bái đưa hoạt động xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền SHTT cho các đặc sản địa phương thành các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh từ đó hoạt động lựa chọn sản phẩm tiềm năng để xây dựng thương hiệu, bố trí, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức xúc tiến thương mại, kiểm soát quy trình sản xuất… được thực hiện rất bài bản.

Kinh nghiệm thực tiễn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo được đại diện đến từ Công ty TNHH KC Hà Tĩnh (Công ty KC) chia sẻ. Với gần 8 năm kinh nghiệm hoạt động, thương hiệu “KC Hà Tĩnh” đã từng bước đi vào trí nhớ và cảm nhận của người tiêu dùng tại Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh lân cận.

Cũng tại lớp tập huấn, nhiều vấn đề thực tiễn và những vướng mắc, khó khăn trong xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương như việc tận dụng lợi thế, danh tiếng của các sản phẩm truyền thống của địa phương mang tên gọi gắn với các địa danh của địa phương để thu hút khách hàng và đăng ký bảo hộ quyền SHTT cũng được các đại biểu nêu ra, cùng trao đổi, thảo luận và được các giảng viên giải đáp cụ thể.
 


Ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục SHTT giải đáp các ý kiến trao đổi của đại biểu

Ngày thứ hai của lớp tập huấn, các đại biểu đã thực hiện khảo sát thực tiễn tại 3 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Tại Công ty TNHH KC Hà Tĩnh, các đại biểu được tìm hiểu về quy trình liên kết với nông dân trong sản xuất gạo chất lượng cao thông qua sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xất khép kín, sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đến với Cơ sở sản xuất và kinh doanh kẹo Cu Đơ Phong Nga, các đại biểu được chứng kiến một điển hình về sự say mê nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thu hút khách hàng. Là đơn vị sản xuất thực phẩm, Cơ sở giò chả Hồng Cẩm đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Kết thúc lớp tập huấn, các đại biểu đánh giá cao nội dung lớp tập huấn, kinh nghiệm và sự nhiệt tình của các giảng viên, ý kiến chia sẻ của các đại biểu, cũng như hiệu quả của chương trình khảo sát thực tiễn, thông qua việc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và chu đáo của Ban tổ chức, đồng thời mong muốn nhiều khóa tập huấn được tổ chức hơn nữa tại các địa phương để các chủ thể tham gia OCOP có cơ hội nâng cao kiến thức về SHTT và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, qua đó giúp nắm rõ và vận dụng tốt các kiến thức về SHTT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ sở, hiệp hội, làng nghề và doanh nghiệp đối với sản phẩm OCOP.

Bên lề lớp tập huấn, các đại biểu được tham quan Triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP trong 10 năm qua của tỉnh Hà Tĩnh.
 


Các đại biểu khảo sát tại Công ty TNHH KC Hà Tĩnh
 


Tham quan Triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1782

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)