Thứ sáu, 20/09/2019 17:06 GMT+7

Tọa đàm về sản xuất thông minh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất

Vào lúc 9h30, ngày 20/9/2019 tọa đàm về sản xuất thông minh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất được trực tuyến tại Chất lượng Việt Nam Online.

Các thành tựu của CMCN 4.0 là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, công nghệ số hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường…

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sản xuất thông minh được coi là yếu tố quan trọng. Đây sẽ là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hướng tới mô hình sản xuất thông minh được xem là giải pháp cốt lõi giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh đang phát triển rầm rộ và trở thành xu thế tất yếu. Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội.

Sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng năng suất và chất lượng, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức, kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh, Chất lượng Việt Nam Online tổ chức tọa đàm trực tuyến: “Sản xuất thông minh: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất”.

Tham gia chương trình có các khách mời:

+ TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN).

+ TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế.

+ Bà Nguyễn Thị Lê Na – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Âu.

MC: Việt Hà dẫn chương trình
 

MC Việt Hà (ngoài cùng bên trái) và các khách mời tham gia chương trình.
 

Phần I: Sản xuất thông minh – Xu thế tất yếu và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam 

MC: Câu hỏi đầu tiên xin hỏi TS Nguyễn Minh Phong, cuộc CMCN 4.0 đang có những bước phát triển nhanh chóng và tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Cuộc cách mạng này đã đem lại những cơ hội như thế nào đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế?

Theo tổng kết toàn nhân loại, thế giới đã trả qua 3 cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất khởi đầu bằng động lực hơi nước, cuộc cách mạnh thứ hai đặc trưng bởi động cơ điện, cuộc cách mạng thứ 3 là cuộc cách mạng tự động hóa gắn với công nghệ thông tin và cuộc cách mạng thứ 3 này là tiền đề cho cuộc cách mạng lần thứ 4.

Đặc trưng của cuộc cách mạng thứ 4 rất cơ bản đó là sản xuất thông minh, công nghệ in 3D, công nghệ Nano, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, điều khiển học… Các máy móc trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này được tự động hóa trên nền tảng công nghệ cảm biến mới dựa vào những phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây và với khoa học. Có thể nói cuộc cách mạng này đang định hình và ngày càng rõ hơn cũng như phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cuộc cách mạng này chắc chắn đang và sẽ mang lại những tác động rất lớn thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô cũng như các nền kinh tế của mối doanh nghiệp. Theo hướng thay đổi gần như cơ bản toàn bộ quá trình và thách thức từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ giữa các mỗi liên đới với nhau.

Đây có thể nói là một trong những cuộc cách mạng tạo ra những thay đổi lớn, nó phá vỡ cấu trúc hầu hết các mô hình doanh nghiệp, cũng như tạo ra sự dịch chuyển về kinh tế. Thậm chí, không còn các công cụ mà xu hướng chuyển hóa dần dần các ngành công nghiệp không còn về các nước phát triển chậm nữa mà chuyển sản xuất về các trung tâm. Ví dụ như chỉ đạo của Tổng thống Trump kéo sản xuất về nước Mỹ.

Với cuộc cách mạng lần thứ 4 này thì những trung tâm công nghiệp lớn trên thế giới có cơ hội để giữ việc làm và tạo việc. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị theo những cách thức phi truyền thống. Có thể nói, cuộc cách mạng lần thứ 4 này làm thay đổi cơ bản mô hình kinh tế thay vì dựa chủ yếu vào các vùng tài nguyên lao động thấp mà nó chuyển sang sử dụng lao động trình độ cao, và mô hình kinh tế trí thức cũng như đề cao các ngành công nghiệp sáng tạo, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Như vậy, cuộc cách mạng này tạo ra rất nhiều cơ hội, động lực năng lực mới cho sự phát triển của kinh tế cũng như cơ hội kinh doanh đầu tư cho doanh nghiệp. Giúp các hoạt động kinh doanh có năng suất, giảm chi phí hơn đặc biệt là chi phí giao thông vận tải, tạo cơ hội mở rộng thị trường.

MC: Vậy bên cạnh những cơ hội, cuộc CMCN 4.0 đem đến những thách thức như thế nào cho các DN Việt Nam, thưa ông Phong?

Chắc chắn bất kì một quá trình nào, bất kì một nền kinh tế nào cũng có hai mặt. Bên cạnh những cơ hội, những tác động tích cực của cuộc cách mạng 4.0 đối với doanh nghiệp thì cuộc cách mạng này cũng đang tạo ra những áp lực. Một khi cuộc cách mạng 4.0 tạo ra những cơ hội, năng lực và sở trường mới thì đồng thời cũng làm mất đi những cơ hội, những lợi thế và sở trường cũ. Nghĩa là, doanh nghiệp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp trên thế giới nếu chỉ trông cậy vào sở trường cũ, lợi thế cũ thì chắc chắn sẽ không kéo dài được.

Cuộc cách mạng 4.0 cũng khiến cho những doanh nghiệp không còn trông cậy vào vốn vì khi đó doanh nghiệp dựa trên lao động trí thức, kinh tế trí thức và sự sáng tạ cao. Khi đó doanh nghiệp cần phải có trí tuệ cao, khả năng tổ chức tốt, nắm được xu thế và công nghệ. Như vậy, đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp không có nhân lực chất lượng cao.

Cách mạng 4.0 cũng đòi hỏi hoàn thiện mô hình quản trị nhất là quản trị về sản xuất, quản trị về rủi ro và đặt biệt là quản trị nội bộ và kế cả vấn đề an ninh mạng. Đây là một trong những vấn đề rất mới của thời đại. 

MC: Thưa TS. Hà Minh Hiệp, nói đến sản xuất thông minh là nói đến CMCN 4.0 và CMCN 4.0 cũng chính là khởi nguồn của sản xuất thông minh. Hiện, trên thế giới đã một số quốc gia phát triển mạnh về sản xuất thông minh như: Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… Nhưng đối với Việt Nam, khái niệm về sản xuất thông minh dường như vẫn còn rất mới. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng sản xuất thông minh là một khái niệm mới ở Việt Nam. Ngay sau khi có Chỉ thị 16/CT-TTg – Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thủ tướng, Bộ KH&CN cũng đã sớm đưa việc tiếp cận sản xuất thông minh vào kế hoạch triển khai các nhiệm vụ .

Thực hiện chỉ đạo của Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã sớm trao đổi với Tổ chức Năng suất châu Á để nhận diện các vấn đề liên quan tới sản xuất thông minh, các khái niệm như nhà máy thông minh, các khái niệm cảm biến, các nội hàm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Qua các đoàn chuyên gia của Tổ chức Năng suất châu Á, từ năm 2017 đến nay Bộ KH&CN đã cùng với Bộ Công Thương đã triển khai một số nhiệm vụ khoa học công nghệ để làm rõ những vấn đề khái niệm liên quan tới sản xuất thông minh

Cho đến nay có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc tiếp cận sớm sản xuất thông minh, nhà máy thông minh trong khu vực Đông Nam Á.
 

 TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong chương trình tọa đàm.
 

MC: Ở góc độ nhà quản lý, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có sự quan tâm như thế nào đối với việc tiếp cận và đưa thông tin về sản xuất thông minh đến với các doanh nghiệp Việt Nam, thưa TS Hà Minh Hiệp?

Ở góc độ nhà quản lý, Tổng cục TCĐLCL đã có sự quan tâm như thế nào đối với việc tiếp cận và đưa thông tin về sản xuất thông minh đến với các doanh nghiệp Việt Nam?

Đầu tiên, chúng ta phải nhận diện, hiểu được thế nào là sản xuất thông minh. Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội thảo, cùng với sự có mặt, chia sẻ từ các cơ quan năng suất của các quốc gia như Trung tâm năng suất Hàn Quốc, Trung tâm năng suất Đài Loan. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng mời một số tập đoàn hàng đầu về sản xuất thông minh đến các buổi hội thảo để giới thiệu cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh.

Chúng ta cần đẩy mạnh việc truyền thông cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan tới sản xuất thông minh, cần hướng dẫn cho doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh theo hướng như thế nào. Việt Nam thì cơ cấu doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm nhiều nên truyền thông hướng vào đối tượng này nhiều.

APO cũng đã có nhận định cho rằng, có sự khác biệt trong cách thức tiếp cận sản xuất thông minh giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển. Trước hết, chúng ta phải nhận diện, xác định, đánh giá hiện trạng doanh nghiệp Việt Nam xem chúng ta đang ở đâu, nền sản xuất đang ở trình độ nào. Chúng ta cần có lộ trình, kế hoạch để cải tiến, thúc đẩy sản xuất thông minh trong nhà máy của chúng ta ra sao.

MC: Theo TS Nguyễn Minh Phong, với CMCN 4.0, ông có nhận định như thế nào về xu thế phát triển sản xuất thông minh và xu thế này có triển vọng như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Sản xuất thông minh hiện nay có 5 xu hướng lớn, đó là sản xuất 360 độ. Tức là các hoạt động sáng tạo, kiểm định, các tình huống được thực hiện trong thế giới ảo trước khi đưa vào thế giới thật. Đây là một trong những xu hướng lớn rất tốt, giúp tiết kiệm các chi phí cũng như tối ưu hóa các quá trình, sản phẩm để thực hiện trong vấn đề sản xuất hàng hóa.

Thứ hai, dựa trên công nghệ in 3D tạo ra những sản phẩm hữu hình, liền mạch chỉ với một dụng cụ.

Thứ ba, xu hướng sản xuất trên hệ thống tự động với robot ngày càng thông minh và thậm chí nhận dạng bằng giọng nói.  Xây dựng các nhà máy thông minh sử dụng công nghệ điện toán đám mây và các cảm biến thông minh với các công nghệ thực tế ảo.

Việc sản xuất và vận hành robot thông minh là những xu hướng lớn của sản xuất thông minh. Đặc trưng chung của sản xuất thông minh chính là vấn đề kết nối nhờ ứng dụng các thiết bị cảm biến và công nghệ thông tin mới trong mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để từ đó nhằm nâng cao năng suất, nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thời gian và thân thiện với môi trường. Rõ ràng, sản xuất thông minh chính là xu hướng chung của thế giới lan tỏa rất mạnh từ những nước phát triển. Tại Việt Nam, sản xuất thông minh cũng đang có những dấu hiệu rất tích cực.

Theo tôi, thời gian tới Việt Nam sẽ khai thác được tiềm năng của sản xuất thông minh để bỏ qua quá khứ trình độ trung bình và thấp để phát triển hơn.

MC: Rõ ràng là doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ những thành tựu của CMCN 4.0. Thưa bà Lê Na, bà có nhận định như thế nào về sự tác động của cuộc cách mạng này đến với các doanh nghiệp, nhất là sự tác động về việc chuyển đổi, ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, mang lại giá trị về năng suất và chất lượng cho sản phẩm?

Cuộc CMCN 4.0 đã thay đổi phương thức sản xuất ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Chúng ta không còn sản xuất thủ công bằng sức lao động con người nữa mà thay vào đó là ứng dụng công nghệ, sử dụng máy móc để thay thế, vừa giúp doanh nghiệp giảm được số lượng nhân công mà lại nâng cao rất nhiều năng suất và hiệu quả. Các sản phẩm được làm ra cũng đạt độ chính xác và chất lượng cao hơn.

Tất cả yếu tố đó giúp doanh nghiệp tối đa hóa được lợi nhuận nên quan điểm doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ những thành tựu của CMCN 4.0 tôi cho rằng hoàn toàn chính xác.

MC: Vậy theo bà doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu thế này?

Hiện nay ở Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ lệ đến hơn 90%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc ngại đổi mới thậm chí là ngại phát triển.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương thì có tới 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Thế nhưng khi cuộc CMCN 4.0 đang khiến cả thế giới thay đổi, tôi cho rằng đây không đơn thuần chỉ là xu thế nữa mà nó là sự bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại.

Tôi nghĩ điều đầu tiên là các doanh nghiệp cần hiểu được điều này và quyết tâm đầu tư, làm mới mình. Sau đó là tìm tòi, nghiên cứu các mô hình sản xuất thông minh phù hợp với doanh nghiệp của mình, chú trọng tích hợp công nghệ số hóa và nâng cao trình độ cho người lao động.

Phần 2: Sản xuất thông minh-  Giải pháp nâng cao năng suất

MC: Các thành tựu của CMCN 4.0 là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa, nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường…

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ  đã có Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó sản xuất thông minh được coi là yếu tố quan trọng. Đây sẽ là cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hướng tới mô hình sản xuất thông minh được xem là giải pháp cốt lõi giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng suất chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh.

MC: Thưa TS Nguyễn Minh Phong: CMCN 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Theo ông, sản xuất thông minh sẽ mang lại những lợi thế gì cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh mà ở đó có vấn đề về năng suất?
 

 TS Nguyễn Minh Phong.
 

Tôi nhớ cách đây khoảng gần 2 năm một nhà máy dệt may ở Bình Dương đã đầu tư 3 dây chuyền công nghệ tự động kể cả cắt và cuối cùng chỉ với 3 dây chuyền này họ đã đẩy ra thị trường 200 lao động. Như vậy, bằng việc nhập và ứng dụng công nghệ tự động thông minh với 3 dây chuyền thôi mà họ đã thay thế được 200 lao động và rõ ràng sản xuất bằng máy với tính tự động và sản xuất cao, chất lượng cao với chi phí lao động thấp sẽ mang lại lợi thế về năng suất, lợi thế về giá thành và chất lượng. Đây là một ví dụ rất điểm hình và cũng là áp dụng cho doanh nghiệp.

Nhìn chung  tôi cho rằng, khi doanh nghiệp áp dụng tốt, đi đúng hướng thì các doanh nghiệp có vấn đề về năng suất, các doanh nghiệp đang bị thách thức về năng lực cạnh tranh chắc chắn sẽ có cơ hội cải thiện cả về năng lực cạnh tranh, cả về năng suất và tất nhiên tùy theo từng lĩnh vực và tùy theo mức độ áp dụng của mỗi doanh nghiệp đến đâu.

Và rõ ràng, lựa chọn sản xuất thông minh, nắm bắt cơ hội của công nghiệp 4.0 phải là định hướng chiến lược và bắt buộc của doanh nghiệp Việt trong thời gian tới nếu chúng ta không muốn bỏ lại phía sau.

 MC: Thưa TS Hà Minh Hiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng suất, hiện nay Tổng cục TCĐLCL đã thực hiện những công việc cần thiết gì để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tiếp cận và đẩy mạnh sản xuất thông minh?

Trong 2 năm vừa rồi, Tổng cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh. Bên cạnh việc này, chúng tôi cũng đã đề ra những kế hoạch giúp đỡ doanh nghiệp tiếp cận sản xuất thông minh sâu hơn trong thời gian tới.

Để tiến đến sản xuất thông minh, doanh nghiệp phải áp dụng tốt các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất như ISO, 5S, Kaizen…Đây là những hệ thống quản lý, công cụ đã được Tổng cục TCĐLCL cũng như các Bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình nhà nước, đặc biệt là Chương trình 712. Đó là bước đầu tiên doanh nghiệp phải làm.

Chúng ta không thể từ doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa có nhận thức về các công cụ cải tiến năng suất mà chúng ta có thể tiến ngay đến sản xuất thông minh được .

Chúng tôi đã bắt đầu đưa các đơn vị tư vấn, chủ yếu là các đơn vị tư vấn nước ngoài về Việt Nam để giúp doanh nghiệp nhận diện, đánh giá hiện trạng sản xuất. Vừa rồi chúng tôi đã mời chuyên gia của APO hướng dẫn thí điểm cho 3 doanh nghiệp Việt Nam. Trong năm 2020 chúng tôi dự kiến có 10 doanh nghiệp sẽ được tiếp cận, hướng dẫn từ chuyên gia của các nước .

Trên cơ sở hiện trạng của mình, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch để thúc đẩy sản xuất thông minh ở doanh nghiệp mình thông qua các nhóm chỉ số, cải thiện các nhóm chỉ số. Doanh nghiệp phải tự có kế hoạch bố trí nguồn lực(nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng) để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất thông minh. Chuyển đổi phải là toàn diện, cả về nhận thức, cả về con người…

Chúng tôi cũng đang phối hợp với Tổ chức Năng suất Đài Loan, nơi mà APO đặt một trung tâm xuất sắc về đào tạo sản xuất thông minh để phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó có thể có những khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc đào tạo trực tuyến, đào tạo thực nghiệm tại Đài Loan. Sau các khóa, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ, modul về sản xuất thông minh.

Cuối cùng, tôi cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần có sự kết nối, chia sẻ với các doanh nghiệp khác, cần sự hỗ trợ từ các bên liên quan.

MC: Ông có đề cập đến việc Việt Nam sẽ có một hệ sinh thái về sản xuất thông minh. Vậy hệ sinh thái này sẽ như thế nào thưa TS Hiệp?

Hệ sinh thái sản xuất thông minh là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi hướng tới triển khai trong thời gian tới. Trong hệ sinh thái vừa đòi hỏi doanh nghiệp tự có kế hoạch chuyển đổi sản xuất, vừa cần có sự hỗ trợ, chia sẻ, cộng tác từ doanh nghiệp khác (đặc biệt là doanh nghiệp tư vấn, doanh nghiệp về giải pháp) để hướng tới sản xuất thông minh

Bên cạnh đó cần sự đồng hành của cơ quan nhà nước, cần có cơ cơ chế chính sách cụ thể hơn về sản xuất thông minh. Ngoài ra cần có vai trò viện trường giúp doanh nghiệp có thêm những lựa chọn về triển khai công nghệ, kết nối kết quả nghiên cứu với sản xuất.

Đồng thời, cũng cần có vai trò tổ chức quốc tế giúp doanh nghiệp kết nối hệ thống sản xuất, kết nối sản phẩm với chuỗi cung ứng sản phẩm.

MC: Các doanh nghiệp hiện đang rất quan tâm đến sản xuất thông minh, vậy theo ông các doanh nghiệp sẽ bắt đầu từ đâu để có thể triển khai mô hình sản xuất này trong doanh nghiệp thưa TS Nguyễn Minh Phong?

Theo tôi, nhà máy sản xuất thông minh thì không thể nào có những người chủ doanh nghiệp hoặc những người lao động không thông minh. Cái khác là cần trước hết phải bắt đầu từ người chủ doanh nghiệp thông minh, đào tạo đội ngũ lao động thông minh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần một quá trình và theo tôi doanh nghiệp cần xác định, rà soát lại toàn bộ quá trình vận hành, những sản phẩm chủ lực, những định hướng đầu tư, nền tảng công nghệ và tất cả những vận hành của mình để rà soát xem cái mạnh cái yếu, cái gì cần phải bỏ, cái gì phù hợp để có thể phát triển và đặc biệt lựa chọn định hướng để mình hướng theo cái đó một cách lâu dài. Tức là, phải lập một chiến lược phát triển dài hạn hướng theo sản xuất thông minh hướng theo yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng theo điều kiện của việc tham gia chuỗi cung ứng hay chuỗi sản xuất, chuỗi liên kết toàn cầu.

Đây là một trong những việc đầu tiên phải làm còn nếu không anh sẽ lúng túng. Anh sẽ không biết mình phải làm gì và làm như thế nào. Bởi, nếu chọn lựa sai hướng sẽ lãng phí. Vừa mất năng lực cạnh tranh cũ lại vừa bị lãng phí bởi đầu tư sai. Cho nên định hướng rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp.

Tiếp đế, doanh nghiệp cũng cần phải nâng chuẩn của mình lên thành chuẩn chung của quốc gia và thậm chí là chuẩn chung của thế giới. Nhưng tốt nhất doanh nghiệp nên tham gia vào cái chuẩn của chuỗi. Nếu doanh nghiệp không có chuẩn của chuỗi thì sẽ không thể lắp ráp bộ phận của doanh nghiệp vào hệ thông máy móc chung được.

Doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại sau khi lựa chọn và nâng chuẩn. Doanh nghiệp cũng phải biết và thu hút người tài. Đây là một trong những cái tạo ra cơ cấu vận hành vừa hiệu quả và vừa linh hoạt và chi phí rẻ. Bộ phận này quyết định rất nhiều trong tương lai.

Tiếp đến, doanh nghiệp không được đơn độc, phải tham gia hiệp hội, phối hợp các hiệp hội cùng các bộ ngành với các cơ quan nhà nước liên quan để đề xuất cũng như tiếp cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chính sách định hình một nền tảng, một môi trường vĩ mô phù hợp với yêu cầu cạnh tranh, với sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp cũng cần tư duy mới, cách làm mới để có diện mạo mới. Tùy từng doanh nghiệp, từng ngành cụ thể mà có những cách làm khác nhau. Nhưng về cơ bản tôi cho rằng trình tự làm phải tương đồng để là chìa khóa và vươn tầm nhờ sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0.

MC: Thưa bà Lê Na, được biết Tập đoàn Hải Âu là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm sở hữu những ưu điểm vượt trội về chất lượng so với các thương hiệu phổ thông cùng lĩnh vực trên thị trường. Vậy bà có thể chia sẻ về việc Hải Âu đã ứng dụng các thành tựu công nghệ ra sao vào sản xuất để đạt được những kết quả như ngày hôm nay không?

Các sản phẩm của Tập đoàn Hải Âu có thể kể đến như máy làm đá viên, máy làm kem tươi, tủ cơm công nghiệp… đều được ứng dụng quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 và CE Marking.

Tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 không chỉ hướng đến việc thỏa mãn khách hàng bằng các sản phẩm chất lượng mà còn giúp tạo nên một quy trình sản xuất sản phẩm khoa học hơn, tạo ra sự nhất quán trong công việc, chuẩn hóa các quy trình hoạt động, loại bỏ được nhiều thủ tục không cần thiết, ngăn ngừa những rủi ro trong quá trình hoạt động, rút ngắn thời gian sản xuất và giảm chi phí phát sinh do xảy ra những sai lỗi hoặc sai sót trong công việc.

Nhờ vậy mà các sản phẩm của Tập đoàn Hải Âu luôn được người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng.
 

 Bà Nguyễn Thị Lê Na – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Âu đang trả lời các câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam.
 

MC: Mục đích cuối cùng của sản xuất thông minh chính là kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa các quy trình hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đối với Tập đoàn Hải Âu sẽ được ứng dụng điều này như thế nào trong tương lai?

Tôi nghĩ rằng mục đích cuối cùng của một quy trình sản xuất thông minh chính là kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa các quy trình hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động và và chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, Tập đoàn Hải Âu cùng đối tác của chúng tôi vẫn không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu để ứng dụng công nghệ IOT vào quy trình sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu trong tương lai mà Tập đoàn Hải Âu hướng tới là phải đưa đến tay người tiêu dùng những chiếc máy làm đá viên, máy làm kem tươi… không chỉ bền bỉ mà còn có cách vận hành thông minh, ví dụ như có thể điều khiển từ xa chẳng hạn.

MC: Thưa quý vị và các bạn!

Cơ hội của CMCN 4.0 đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất rõ rệt, tuy nhiên, đầu tư công nghệ theo hướng 4.0 đòi hỏi vốn lớn, chi phí đầu tư cao. Đây là khó khăn hàng đầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế thấp.

CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi tập trung đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng với sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ ngành, các  vấn đề về thể chế, chính sách sẽ được tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình. Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn.

Xin chào và hẹn gặp lại!

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 3071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)