Thứ tư, 11/09/2019 18:28 GMT+7

Tỉnh Kon Tum cần đầu tư cho công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã đề nghị Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc .

Ngày 10/9/2019, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Tỉnh Bùi Thanh Bình cho biết, hoạt động KH&CN của Tỉnh ngày càng được đổi mới; tiềm lực KH&CN, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống có chuyển biến tích cực và đã có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển KH&CN Trung ương; kế hoạch phát triển KH&CN giai đoạn 2016-2020 và nhiệm phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực, ngành kinh tế mũi nhọn. Công tác nghiên cứu, ứng dụng bước đầu đã gắn kết với các doanh nghiệp để nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra một số sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và được thương mại hóa trên thị trường. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.

Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, Tỉnh đã tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển các sản phẩm trọng điểm có lợi thế so sánh của địa phương như: tuyển chọn, sản xuất các loại rau, hoa xứ lạnh (hoa Lily, hồ điệp, dendro, đồng tiền...) tại huyện Kon Plông; nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh, cây Đảng Sâm; ứng dụng sản xuất cà phê bằng công nghệ lên men; nhân giống các loại cây trồng: cúc, đồng tiền, cà chua ghép, chuối... phục vụ phát triển sản xuất; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo hướng Viet Gap trên địa bàn thành phố Kon Tum...

Tiềm lực KH&CN được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng tốt hơn cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, từ đầu năm 2019 đến nay, Tỉnh đã ban hành 17 nghị quyết và quyết định, 4 kế hoạch phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành KH&CN; phê duyệt 10 đề tài, dự án KH&CN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN trên địa bàn Tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Dù đã được đầu tư nhưng tiềm lực KH&CN của Tỉnh còn thiếu và yếu cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; phần lớn các đề tài, dự án KH&CN có quy mô nhỏ, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN còn manh mún nên đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế của Tỉnh chưa đáng kể; quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất chậm; cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, trở thành rào cản thúc đẩy sự năng động và hiệu quả trong hoạt động KH&CN...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND Tỉnh cho rằng những vấn đề được bàn tại buổi làm việc này không nằm ngoài mục đích phục vụ cho Nghị quyết của Tỉnh và sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân.

Hiện nay, Kon Tum có rất nhiều Nghị quyết về vấn đề ngành kinh tế mũi nhọn như sản phẩm chủ lực, phát triển rừng và dược liệu bền vững… Đây là những vấn đề "sát sườn" với đời sống của nhân dân trên địa bàn Tỉnh bởi người dân chưa dựa vào rừng để sống được. Đấy là điều hết sức nghịch lý, do vậy, KH&CN phải góp phần để dân có thể dựa vào rừng để sống.

Theo lãnh đạo Tỉnh, KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân được thể hiện ở việc tăng năng suất, cải thiện chất lượng và kết nối liên kết chuỗi giá trị chặt chẽ. Trong đó, KH&CN phải xuất hiện và tham gia tất cả các khâu trong liên kết chuỗi giá trị.

Trên cơ sở đó, tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương xác định được và phát triển một số giống cây dược liệu trồng dưới tán rừng để người dân có thêm thu nhập và giữ được rừng; hỗ trợ đầu tư xây dựng vườn thực nghiệm nghiên cứu sâm Ngọc Linh và dược liệu khác của tỉnh, hướng đến việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển dược liệu quốc gia đóng trên địa bàn tỉnh Kon Tum khi đủ điều kiện; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án KH&CN thuộc Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh để chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất; sớm hoàn thành đầu tư  và đưa Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh vào hoạt động; chỉ đạo xây dựng chương trình hợp tác giữa Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh với các tỉnh, viện nghiên cứu, trường đại học để trao đổi thông tin, hỗ trợ và hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ địa phương triển khai từ các nhiệm vụ KH&CN liên kết vùng để tạo ra các sản phẩm mới và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ...

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Văn Hòa cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ KH&CN đối với Tỉnh trong thời gian qua, mong rằng Bộ trưởng cùng với Đoàn công tác quan tâm đến những nội dung kiến nghị của địa phương để xem xét hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh triển khai thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong lĩnh vực KH&CN của Tỉnh thời gian qua, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh đối với hoạt động KH&CN, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh, đồng thời, đánh giá cao vai trò tham mưu một cách chủ động, sáng tạo của Sở KH&CN.

Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn của địa phương, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực như: công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Tỉnh cũng cần tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ công tác bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có chất lượng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, trong đó ưu tiên các loại dược liệu chủ lực của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN của Tỉnh; tiếp tục đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và phục vụ công tác hỗ trợ quản lý nhà nước trên địa bàn...
 

Bộ trưởng thăm Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh.
 

Bộ trưởng hoàn toàn ủng hộ các kiến nghị đề xuất của tỉnh Kon Tum và giao các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của Tỉnh cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đáp ứng yêu cầu thực tế tại địa bàn.

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ KH&CN đã đến thăm và làm việc tại Trung tâm quốc gia Nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô./.


 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 2700

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)