Thứ năm, 29/08/2019 11:31 GMT+7

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Đây là hội thảo do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thành phố Hải Phòng tổ chức tại Hội trường Ủy ban nhân dân (UBND) quận Dương Kinh sáng 27/8/2019. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở KH&CN, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên minh hợp tác xã, đại diện UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố.


Toàn cảnh hội thảo

 

Những năm gần đây, khí hậu có diễn biến bất thường, gây tổn hại cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và công trình thủy lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế nông dân. Để ứng phó BĐKH, tăng khả năng chống chịu các điều kiện bất lợi và giảm tác động xấu tới khí hậu và môi trường, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp cần hướng tới 3 mục tiêu: Tăng trưởng sản lượng và an ninh lương thực; Cải thiện khả năng thích ứng và đối phó với BĐKH của các hệ thống sản xuất; Giảm thiểu BĐKH thông qua giảm hoặc loại bỏ phát thải khí nhà kính…

Tại hội thảo, TS. Lưu Ngọc Quyến, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã giới thiệu nhiều kỹ thuật nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH như: kỹ thuật thâm canh lúa bền vững, nông lâm kết hợp - đa dạng hóa; kỹ thuật lúa - cá; sử dụng giống địa phương, giống ngắn ngày; chuyển đổi sử dụng đất thoái hóa, khô cằn; sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp; sử dụng than sinh học (biochar); nuôi tôm, cua sinh thái trong rừng ngập mặn; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà; thực hành sản xuất nông nghiệp theo VietGAP; phát triển nông nghiệp hữu cơ…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, TS. Trần Văn Toàn, Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới trình bày những ảnh hưởng của BĐKH đến tập tính, sinh lý và vùng phân bố của ong mật. Từ đó đưa ra các giải pháp duy trì và phát triển nghề nuôi ong thích ứng BĐKH, gồm: duy trì và phát triển nguồn thức ăn tự nhiên của ong; bảo tồn sự đa dạng sinh học của ong mật; chọn lọc giống; chẩn đoán và phát hiện sớm dịch bệnh; nghiên cứu nguồn gốc mật ong bằng phương pháp phân tích hạt phấn và vết tế bào ong để xác định chỉ giới địa lý, nguồn gốc thực vật nhằm có biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn thực vật…



Ong mật ưu tiên lấy nước để làm mát tổ thay vì lấy mật khi nhiệt độ tăng cao

 

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, Tiểu đoàn Tăng thiết giáp 34, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố giới thiệu hệ thống tự động phun sương làm mát sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp điều khiển từ xa. Đây là giải pháp bắt nguồn từ công tác hậu cần tăng gia sản xuất của đơn vị nhưng có thể nhân rộng, áp dụng để giảm nhiệt độ môi trường khu vực chuồng trại chăn nuôi, tự động phun sương cho các hệ thống nhà lưới trồng rau an toàn.

Là thành phố cảng biển, Hải Phòng cũng chịu tác động mạnh mẽ của BĐKH vì vậy, việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu, toàn diện, thí điểm các mô hình nông nghiệp thích ứng và kiểm chứng thực tế là vô cùng cần thiết, giúp cung cấp những luận cứ khoa học để thành phố ban hành những kế hoạch ứng phó BĐKH một cách hiệu quả - TS. Trần Văn Thể, Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết.

Nguồn: Sở KH&CN Hải Phòng

Lượt xem: 2323

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)