Thứ ba, 23/07/2019 15:09 GMT+7

Trung tâm Ươm tạo tổ chức thành công hội thảo về thực trạng làng gốm Bát Tràng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 15/7/2019, thực hiện nhiệm vụ “Liên kết khai thác nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ” thuộc đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Viện Ứng dụng Công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với các đơn vị: trường Đại học Việt Nhật, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Công ty CP Không gian gốm Bát Tràng Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Khảo sát thực trạng làng gốm Bát Tràng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo xã Bát Tràng, làng gốm Bát Tràng, các chuyên gia về làng nghề, các nghệ nhân, doanh nghiệp của làng gốm Bát Tràng và những người quan tâm đến gốm Bát Tràng…

Đến với Hội thảo, các chuyên gia đã có những bài trình bày rất chi tiết về nghề gốm, làng gốm Bát Tràng cũng như chuỗi cung ứng của làng gốm Bát Tràng và quản trị doanh nghiệp cho làng nghề. Đây là những vấn đề hết sức cần thiết cho làng gốm Bát Tràng nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung.

Nói về thực trạng của làng gốm Bát Tràng hiện nay, là người gắn bó với Bát Tràng nhiều năm, chuyên gia làng nghề Vũ Hy Thiều đã có những chia sẻ rất tâm huyết. Bát Tràng là làng nghề có truyền thống lâu đời và rất phong phú, nổi tiếng trong lịch sử với kỹ thuật thủ công tinh xảo, nhiều sản phẩm đẹp. Điểm thuận lợi của Bát Tràng là chất liệu đất rất linh hoạt, sử dụng được nhiều phương pháp gia công, tạo hình khác nhau với rất nhiều hình thức trang trí sản phẩm, chủng loại sản phẩm vô cùng phong phú, có mặt trong nhiều lĩnh vực đời sống. Bát Tràng cũng có nhiều điều kiện rất tốt để phát triển như nguyên liệu sẵn có, dễ tổ chức sản xuất, thị trường rộng mở.

Hiện nay, gốm Bát Tràng đã có những bước tiến đáng kể như kỹ thuật có nhiều tiến bộ, chất lượng sản phẩm tốt hơn, sản phẩm rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, gốm Bát Tràng vẫn còn một số hạn chế, đó là gốm Bát Tràng vẫn mang xu hướng hoài cổ, quá lệ thuộc vào truyền thống, quá chú trọng đến trang trí, sản phẩm giống nhau ở hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình. Đặc biệt, Bát Tràng vẫn còn nhiều thị trường bỏ ngỏ như quà tặng và phục vụ du lịch, bộ đồ ăn phục vụ khách sạn, bộ gia dụng cho gia đình trẻ, trang trí nội thất sân vườn, đồ chơi, mỹ nghệ cao cấp…

Về xu hướng chung phát triển sản phẩm gốm Bát Tràng, với các sản phẩm gốm nghệ thuật, xu hướng chung là các ý tưởng lạ, độc đáo với kỹ thuật thủ công tinh xảo, có tính thẩm mỹ cao. Với các sản phẩm trang trí nội thất rất cần đẹp, tinh xảo, sang trọng, phù hợp với không gian bày làm tăng vẻ đẹp cho nội thất. Các sản phẩm tiêu dùng lại cần bền, chắc, tiện dụng, an toàn, công năng sử dụng tốt, mẫu đẹp, luôn luôn thay đổi. Các sản phẩm thờ cúng phải trang trọng, đẹp lỗng lẫy, bền chắc tạo sự đồng bộ và phù hợp với từng gia đình. Sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm cần đẹp, tinh xảo, nuột nà hoàn chỉnh, gọn nhẹ dễ mang, dễ sử dụng và có ý nghĩa kỷ niệm. Để có các sản phẩm đáp ứng được các xu hướng này, các doanh nghiệp, hộ sản xuất cần phải tăng cường hoạt động thiết kế phát triển sản phẩm, luôn đưa ra những ý tưởng mới cho mẫu mã sản phẩm dựa trên sử dụng thế mạnh riêng để tạo ra sự khác biệt về mẫu. Các đặc trưng riêng của gốm Bát Tràng như cốt dày, chắc chắn, khá nặng, kỹ thuật tạo hình sản phẩm phần lớn được vuốt nặn trên bàn xoay nên có hình khối tròn là chủ yếu. Ngoài ra còn sử dụng kỹ thuật đắp nặn, in khuôn và đổ rót, kỹ thuật trang trí rất phong phú, bao gồm khắc chìm, đắp nổi, vẽ men, tráng men ..., 5 màu men cổ tạo nên đặc trưng riêng cho gốm Bát Tràng là men lam, men nâu, men trắng ngà, men ngọc, và men rạn. Đây là những điều kiện giúp Bát Tràng có được những sản phẩm gốm đẹp, đáp ứng thị trường đa dạng hiện nay. Tuy nhiên, để được thị trường biết đến và đón nhận nhiều hơn, Bát Tràng rất cần liên kết với các đơn vị kinh doanh để tạo ra được chuỗi cung ứng hiệu quả.

Để phát triển chuỗi cung ứng, ông Vũ Đình Mạnh, chủ tịch HĐQT Inogroup, một doanh nghiệp rất thành công tại Bát Tràng đã có những chia sẻ dựa trên kinh nghiệm của mình. Một số kênh cung cấp các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện nay là siêu thị, chợ, các cửa hàng kinh doanh, kênh thương mại điện tử và kênh xúc tiến thương mại chào hàng trực tiếp. Để xây dựng chuỗi kinh doanh, các bước cần thực hiện là xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình, quản lý và quảng bá và liên kết hệ thống. Giá trị cũng cần được dịch chuyển từ thị trường trong nước đến thị trường xuất khẩu và hệ thống bán hàng trực tuyến. Có như vậy, thị trường mới được mở rộng và ngày càng phát triển.

Quản trị doanh nghiệp luôn là đề tài được các doanh nghiệp quan tâm. Với doanh nghiệp tại các làng nghề, vấn đề này càng cần được các chủ doanh nghiệp để ý hơn nữa bởi những đặc thù riêng của các làng nghề. Chuyên gia Nguyễn Đức Thuận đưa ra một số đặc thù, đó là các doanh nghiệp làng nghề gắn với địa bàn/gia đình – sản phẩm – không gian sinh sống, đảm bảo hài hòa giữa truyền thống (khép kín) và hiện đại (tính mở) trong trục có tâm là sản phẩm: kỹ nghệ - sản phẩm – thị trường và con người – sản phẩm – văn hóa làng xã. Mô hình quản trị chủ yếu dưới dạng doanh nghiệp gia đình. Thương hiệu của doanh nghiệp gắn với thương hiệu của làng nghề. Sự cạnh tranh xảy ra cả ở trong và ngoài làng nghề. Trong làng nghề vừa có sự cạnh tranh và sự liên kết. Một đặc điểm nữa là doanh nghiệp thừa hưởng tính hệ thống của làng nghề từ đào tạo đến văn hóa, kiến tạo sản phẩm, thị trường và thương hiệu…

Với quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp làng nghề cũng có một số nguyên lý quản trị riêng như nguyên lý gia đình trị: cha truyền – con nối và nghệ nhận là linh hồn của doanh nghiệp, nguyên lý kỹ trị: phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc vào nghệ nhân hay người nắm kỹ nghệ, nguyên lý pháp trị gồm phương pháp/bí quyết và quy ước, văn hóa của doanh nghiệp và làng nghề, quản trị theo chuỗi cung ứng.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại làng nghề, nghe có vẻ mới nhưng thực chất, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có từ rất lâu tại các làng nghề, đặc biệt là tại làng nghề có truyền thống lâu đời tại Bát Tràng. Bởi các làng nghề có tính hệ thống cho khởi nghiệp: có thầy, có cơ sở thực hành, có nền tảng kỹ thuật, có thương hiệu, có thị trường, có nhu cầu ứng dụng KHCN, phát triển thị trường, người kế nghiệp… Một số lĩnh vực khởi nghiệp tại làng nghề như phát triển sản phẩm làng nghề; Công nghệ trong phát triển thị trường; Tạo sản phẩm mới trong chuỗi cung ứng; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan: đào tạo, du lịch, xử lý môi trường…

Hiện nay ở nước ta có một số làng nghề ngày càng mai một, cũng có một số làng nghề ngày càng phát triển. Bát Tràng là một trong số các làng nghề vẫn phát triển không ngừng. Bên cạnh những khó khăn vốn có của các làng nghề, người dân Bát Tràng vẫn liên tục sáng tạo và đổi mới. Hội thảo có sự tham gia rất đa dạng của nhiều thành phần khác nhau với sự chia sẻ của lãnh đạo xã, các chuyên gia và những người tham dự là bước khởi đầu tốt đẹp cho một chuỗi các hội thảo, sự kiện sắp tới được Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ tổ chức tại Bát Tràng với mong muốn hỗ trợ phần nào cho sản phẩm gốm Bát Tràng nói riêng và các làng nghề khác nói chung.

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 2071

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)