Thứ năm, 16/05/2019 10:17 GMT+7

Toàn văn bài Phát biểu đề dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”

Ngày 15/5/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia trực tiếp là Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Bộ Khoa học và Công nghệ xin đăng toàn văn Phát biểu đề dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại Hội nghị.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam,

Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,

Thưa Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam,

Thưa các Cơ quan đồng chủ trì Hội nghị,

Thưa Quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể các bạn,

Lời đầu tiên, tôi xin được trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, xin cảm ơn và chào mừng toàn thể Quý vị đại biểu, Quý vị khách quý đã tới tham dự Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia mà trực tiếp là Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) đồng tổ chức.

Kính thưa Quý vị đại biểu, khách quý,

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học và công nghệ không chỉ gắn mà thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Minh chứng rõ nét cho điều này thể hiện ở thành tựu phát triển của các ngành, lĩnh vực nổi bật như: Nông nghiệp, công nghiệp, tài chính ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… trong thời gian qua đều có sự đóng góp của khoa học và công nghệ. Theo đánh giá của tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 02 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).

Tuy nhiên, để khoa học thực sự trở thành động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật về khoa học và công nghệ với pháp luật liên quan; cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhà khoa học tài năng và nhà khoa học nước ngoài cùng hợp tác, hỗ trợ giải bài toán cụ thể của Việt Nam; cần có những giải pháp để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp; nâng cao nhu cầu công nghệ tự thân của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện, trường thành sản phẩm, hàng hóa.

Kính thưa Quý vị,

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và lan rộng, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển. Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định nền tảng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hoạt động hợp tác với các quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo như: Ix-ra-en, Ca-na-da, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xing-ga-po… để từng bước hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các chuyên gia đến từ tổ chức CSIRO triển khai các nghiên cứu về tương lai kinh tế số của Việt Nam, trong đó đưa ra các kịch bản phát triển có thể xảy ra và các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam, đặc biệt từ góc độ đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực sáng tạo của quốc gia. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới cũng đang hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045 nhằm cung cấp luận cứ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030.

Tại Hội nghị hôm nay, các đồng chí Lãnh đạo và Quý vị đại biểu sẽ lắng nghe các chuyên gia trình bày Báo cáo về tương lai nền kinh tế số của Việt Nam và các kết quả bước đầu của Báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2035, tầm nhìn 2045. Các báo cáo này được thực hiện trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn và nghiên cứu bối cảnh của Việt Nam hiện tại. Đồng thời, tại Hội nghị, chúng ta cũng sẽ được nghe báo cáo của đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, báo cáo của Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, các ý kiến trao đổi và các khuyến nghị quý báu từ các chuyên gia về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể đóng góp thực chất, trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tôi xin phép được nêu ra một số nội dung để các Quý vị đại biểu, các chuyên gia cùng trao đổi, thảo luận:

1. Làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với Việt Nam?

2. Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa và liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm? Nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp?

3. Với vai trò của mình, Quý vị có khuyến nghị cụ thể gì với Việt Nam và sẽ có những hoạt động phối hợp cụ thể nào trong thời gian tới?

Cuối cùng, thay mặt các cơ quan đồng tổ chức Hội nghị, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, viện, trường, doanh nghiệp và đặc biệt cảm ơn các chuyên gia quốc tế đã đến tham dự Hội nghị ngày hôm nay.

Xin kính chúc sức khỏe các đồng chí Lãnh đạo, các Quý vị đại biểu và Quý vị khách quý.

Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp./.

 

Hình ảnh tại Hội nghị:
 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7919

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)