Thứ ba, 14/05/2019 21:25 GMT+7

Đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột phát triển

Trước thềm Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra vào sáng mai 15/5/2019, phóng viên đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy về sự kỳ vọng của Việt Nam tại Hội nghị lần này trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy
 

PV: Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” sẽ diễn ra vào ngày mai 15/5, xin Thứ trưởng chia sẻ những nội dung đáng chú ý mà chúng ta kỳ vọng được Hội nghị đưa ra bàn luận lần này?

- Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Đây là lần đầu tiên các chuyên gia, lãnh đạo của các quốc gia, các quỹ, các tổ chức hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo từ Liên minh Đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) sẽ nhóm họp tại Việt Nam và cùng tham dự Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm Việt Nam đang tập trung xây dựng xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Đây là cơ hội để chúng ta nhận được sự tham vấn của các chuyên gia đến từ các quốc gia, tổ chức hàng đầu quốc tế về đổi mới sáng tạo cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là một trụ cột mới. Đây là những chuyên gia có kinh nghiệm phát triển quốc gia của họ, trải qua giai đoạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế có thu nhập trung bình, trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao và thu nhập cao, cũng như là những người có kinh nghiệm làm việc với các quốc gia đã chuyển đổi thành công và các quốc gia chưa chuyển đổi thành công. Những kinh nghiệm và ý kiến tham vấn của các chuyên gia sẽ là những thông tin quý báu và hữu ích, đóng góp vào quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
 

PV:  Việt Nam đang tích cực thực hiện việc chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế số có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vậy Việt Nam có tầm nhìn như thế nào để có thể kiểm soát được vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kèm theo đó là các thách thức, các vấn đề xã hội cần phải tính đến và giải quyết. Mục tiêu chúng ta đặt ra là làm thế nào để xã hội tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi các ngành công nghiệp, phát triển nhưng không ai bị bỏ lại phía sau, phải làm thế nào để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, Việt Nam luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một điều kiện cần thiết để bảo đảm phát triển bền vững và phát triển bao trùm. Trong thời kỳ chuyển đổi số, mỗi con người Việt Nam cần được đào tạo các kỹ năng về chuyển đổi, các kỹ năng về sáng tạo, để trở thành những thành tố quan trọng tiếp nhận công nghệ, hấp thụ công nghệ và tiến đến sáng tạo công nghệ. Có như vậy, kinh tế - xã hội mới phát triển bền vững, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 

PV: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với vai trò là trụ cột  đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay?

- Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trụ cột phát triển kinh tế không phải là sáng kiến của riêng ai. Đây là một quá trình đánh giá sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Ta có thể điểm lại 5 “con hổ” châu Á thoát khỏi bẫy thu nhập thấp và thu nhập trung bình nhờ dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những quốc gia này phải chuyển đổi từ quá trình phát triển kinh tế dựa trên lao động giá rẻ, dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt chuyển sang phát triển dựa trên hấp thụ công nghệ và tiếp đến là phát triển dựa trên sáng tạo công nghệ tạo ra tài sản trí tuệ, tạo thành nguồn nhiên liệu mới giúp cho phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này thể hiện càng rõ trong thời đại ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, của sự hội tụ công nghệ số trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi rằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành nền tảng cốt lõi của phát triển. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm đến vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ như là một động lực trong quá trình phát triển đất nước. Hiện nay, trước những yêu cầu và thách thức mới, Việt Nam tiếp tục lựa chọn khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những trụ cột để phát triển. Trong quá trình đó, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp của bạn bè trên thế giới, của các quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo, của các tổ chức tài trợ về đổi mới sáng tạo, cũng như các quỹ hàng đầu như: Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Quỹ Rockefeller… đến để cùng trao đổi về các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng thực chất hơn vào phát triển đất nước. Đặc biệt, tại Hội nghị sẽ có một phiên trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu về vấn đề làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
 

PV: Được biết, Hội nghị lần này do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) thu hút sự tham dự của các tổ chức lớn hàng đầu quốc tế. Xin Thứ trưởng chia sẻ thông tin về IDIA và vai trò của họ đối với Việt Nam trong sự kiện lần này?

- Thứ trưởng Bùi Thế Duy: IDIA là một liên minh tập hợp các quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo như: Chính phủ Mỹ, Chính phủ Anh, Chính phủ Úc, Chính phủ Thụy Điển, Chính phủ Canada và các tổ chức quốc tế hàng đầu như: World Bank, UNDP, Unicef cũng như các Quỹ tài trợ hàng đầu như: Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu, Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Rockefeller... Liên minh luôn luôn quan tâm đến vai trò thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội. IDIA tổ chức họp nhóm 2 năm 1 lần. Năm nay, lần đầu tiên IDIA họp nhóm tại Việt Nam và bàn về các vấn đề của Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam là điểm đến tin cậy đối với các tổ chức uy tín trên thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hợp tác, cùng thúc đẩy phát triển bền vững, cùng đạt được những mục tiêu của thiên niên kỷ; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột để thúc đẩy hòa bình trên thế giới, thúc đẩy cả thế giới cùng phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA):

Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) là mạng lưới hợp tác duy nhất tập hợp các chuyên gia cao cấp từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo.

IDIA có 13 thành viên, bao gồm: Chính phủ Australia (đại diện là InnovationXchange - một đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia); Bộ Ngoại giao Canada; Chính phủ Đức, Quỹ Bill & Melinda Gates, Quỹ Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Fund), Tổ chức Grand Challenges Canada, Quỹ Rockefeller, Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế của Thụy Điển (Sida); Bộ Phát triển Quốc tế (DFID); Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP); Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Ngân hàng Thế giới (WB).

Các thành viên IDIA họp hàng năm tại các nước khác nhau để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm và xác định các cơ hội hợp tác phát triển các sản phẩm và phương pháp mới nhằm tăng cường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở cấp quốc gia.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3343

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)