Thứ sáu, 10/05/2019 14:52 GMT+7

Ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ

Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững ngành Công Thương. Theo đó, hoạt động KH&CN luôn được Bộ Công Thương cũng như các đơn vị trong ngành ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu.

Áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Tập trung đầu tư

Trong thời gian qua, một số viện nghiên cứu, tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã tích cực đầu tư, nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN. Điển hình như: Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đầu tư xây dựng dự án Trung tâm Phân tích hóa - lý kim loại màu, Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ luyện kim và chế biến khoáng sản miền Nam; Viện Công nghiệp thực phẩm thực hiện dự án đầu tư Xưởng thực nghiệm công nghệ sinh học và Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ vi sinh; Viện Nghiên cứu cơ khí đầu tư dự án Phòng thí nghiệm tích hợp công nghệ thiết bị trong dây chuyền sản xuất công nghiệp, Phòng thí nghiệm thiết kế, chế tạo và thử nghiệm thiết bị nhà máy nhiệt điện…

Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã kết hợp tốt nhiều nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, đặc biệt là phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS và quốc tế. Hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư xây dựng Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; đầu tư trang thiết bị, phần mềm phục vụ nghiên cứu, phân tích, thí nghiệm và dịch vụ KH&CN phục vụ phát triển ngành…

Sự quan tâm đầu tư đã giúp hoạt động KH&CN của ngành Công Thương gặt được nhiều "trái ngọt", tập trung giải quyết đòi hỏi của thực tế, đáp ứng yêu cầu của sản xuất trong cơ chế thị trường. Qua đó, đưa ra các giải pháp và công nghệ phù hợp, giúp doanh nghiệp sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành Công Thương.

Tháo gỡ khó khăn

Chiến lược Phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020 đã nhấn mạnh: KH&CN là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đổi mới KH&CN, tái cơ cấu ngành Công Thương, Bộ Công Thương sẽ tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực, năng lực của các viện nghiên cứu, tập đoàn, tổng công ty.

Cụ thể, tập trung đầu tư một số hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu quy mô pilot; đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chủ lực; lựa chọn và tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ một số nhóm nhiệm vụ có quy mô lớn thuộc những ngành công nghiệp ưu tiên.

Đặc biệt, theo chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2020, lựa chọn xây dựng và phát triển từ 3 - 5 tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ Công Thương thành tổ chức mạnh, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia thuộc ngành Công Thương. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương trong việc đề xuất và thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia về KH&CN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ KH&CN trực tiếp quản lý. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chương trình KH&CN, giao cho Bộ Công Thương chủ trì, đặc biệt giải quyết các vấn đề KH&CN cấp bách phát sinh, đột xuất…

Mục tiêu Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011 - 2020, phấn đấu có 70 - 80% đề tài nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu của thị trường, phục vụ nhu cầu doanh nghiệp; số công trình đạt Giải thưởng sáng tạo KH&CN và các giải thưởng cao quý khác tăng 15% so với giai đoạn 2005 - 2010.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/uu-tien-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-119121.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2590

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)