Thứ sáu, 10/05/2019 14:39 GMT+7

Rút ngắn khoảng cách công nghệ

Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới công nghệ được xem là yếu tố mang tính "sống còn", quyết định năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp (DN). Nhà nước đã có nhiều cách làm hiệu quả nhằm hỗ trợ DN tiếp cận, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN).

Ứng dụng công nghệ cao trong dây chuyền sản xuất gạch

Để định hướng chính sách nhập khẩu công nghệ, nhằm nhanh chóng đổi mới công nghệ, rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1851/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Bên cạnh đó, việc triển khai nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua hệ thống các chương trình KH&CN quốc gia và chương trình trọng điểm cấp quốc gia đạt được nhiều kết quả tốt. Nhiều DN đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ, đủ trình độ tạo ra những sản phẩm trọng điểm, có khả năng cạnh tranh cao. Tiêu biểu là Dự án "Hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra". Sau khi hoàn thiện dây chuyền công nghệ, nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 72.000 tấn mỡ cá/năm, tổng giá trị gia tăng sau khi chuyển từ sản xuất mỡ cá thô sang dầu ăn ước tính đạt 838,8 tỷ đồng/năm, góp phần tăng đáng kể giá trị cá tra Việt Nam.

Hay, Dự án chế tạo robot 5 bậc tự do phục vụ đào tạo các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật. Sản phẩm robot của dự án có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài đang có trên thị trường và giảm được khoảng 60% giá sản phẩm. Sau hai năm kết thúc dự án, đơn vị chủ trì đã chuyển giao được 15 robot cho các trường đại học và cao đẳng trong nước. Nhiều dự án đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam cũng đang được triển khai như: Chiết suất chitosan từ phụ phẩm tôm của Công ty Cổ phần Việt Nam Food; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên; sản xuất sữa dừa và cơm dừa tỉnh Bến Tre; sản xuất trà Shan tuyết Hà Giang chất lượng cao…

Đặc biệt, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, Bộ KH&CN đã cùng các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp với Ban Kinh tế trung ương nghiên cứu, xây dựng Đề án để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về cuộc CMCN 4.0; xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đưa vào triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, bổ sung DN đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ; nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào nhóm DN ứng dụng công nghệ cao thuộc một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong các hoạt động tín dụng. Bộ KH&CN cũng ban hành kế hoạch triển khai "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2025".

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn triển khai xây dựng bản đồ công nghệ ngành cơ khí chế tạo ôtô và máy nông nghiệp; công nghệ vi sinh. Kết quả của các bản đồ công nghệ phục vụ việc cơ cấu lại chương trình KH&CN quốc gia và cung cấp thông tin để DN xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ. Tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu công nghệ tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ…

Theo Bộ KH&CN, các cơ chế, chính sách về KH&CN đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho DN hoạt động KH&CN, đưa DN trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia, là nơi đưa kết quả nghiên cứu đến với thị trường.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/rut-ngan-khoang-cach-cong-nghe-119271.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2230

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)