Thứ bảy, 27/04/2019 17:20 GMT+7

Đồng bằng sông Hồng: nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao thành công

Sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò đồng hành của khoa học và công nghệ (KH&CN) đối với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thực tế cho thấy, có khá nhiều mô hình thành công khi ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp.

Chiều ngày 26/4/2019 tại Hải Dương, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) lần thứ XII năm 2019. Tham dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; đồng chí Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Lãnh đạo các Sở KH&CN, Lãnh đạo các Phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở trong vùng ĐBSH cùng đại diện một số Sở KH&CN lân cận.

KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: ĐBSH là vùng rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước.

Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc khẳng định: ĐBSH là vùng rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của Vùng đã có sự phát triển nhanh chóng, trong đó có sự đóng góp của KH&CN. Tại Hội nghị lần này, Thứ trưởng mong muốn các Sở KH&CN cùng nhìn nhận về những kết quả nổi bật đã đạt được trong 2 năm qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong hoạt động KH&CN của từng địa phương và chung cả vùng, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH.
 

Đồng chí Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: “Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương có sự góp phần của ngành KH&CN”.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương bày tỏ niềm vui, phấn khởi được đón tiếp các đại biểu về dự Hội nghị, đồng thời giới thiệu một số nét về lịch sử, địa lý, đất đai và con người Hải Dương cũng như những thành tựu nổi bật của tỉnh về kinh tế - văn hóa, xã hội trong những năm gần đây. Khẳng định sự đóng góp của KH&CN trong những thành tựu nổi bật trên, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, công tác nghiên cứu KH&CN của tỉnh đã gắn với thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống; nhiều đề tài, dự án do Bộ KH&CN hỗ trợ đã được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhìn nhận lại kết quả hoạt động KH&CN của các tỉnh trong vùng, ông Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết: sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSH thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các địa phương đều đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều dự án, đề án KH&CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học trong và ngoài địa bàn đã được tổ chức triển khai.

Các tỉnh/thành phố cũng đã ban hành chính sách khuyến khích và ưu tiên dành nguồn lực cho việc nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; đăng ký mã số, mã vạch, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, đóng góp tích cực, có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và vùng nói chung.

Đã có khá nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp thành công. Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt như: Mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Bắc (Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định..); mô hình sản xuất cà chua quả nhỏ ứng dụng CNC, sản xuất dưa thơm ứng dụng CNC (Hải Dương, Hải Phòng...); các mô hình sản xuất rau, củ, quả không sử dụng phân bón, thuốc hóa học; mô hình trồng rau giá trị kinh tế cao trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác bền vững nguồn lợi rươi; mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với bao tiêu sản phẩm. Trong chăn nuôi, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, TH true Milk, Hòa Phát, Massan… đã ứng dụng tương đối đồng bộ CNC ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Trong chăn nuôi thủy hải sản, các mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ bioflock, nuôi thủy sản trong hệ thống lọc tuần hoàn… đã được triển khai ở nhiều địa phương mang lại giá trị cao. 

Về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tính đến tháng 4/2019, toàn vùng có 06/11 tỉnh đã ban hành Kế hoạch về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam), 05 tỉnh còn lại đã và đang xây dựng trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương đã bước đầu phát triển. Đi đầu trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh.

Nhiều địa phương trong vùng đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm là đặc sản, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đến nay, hầu hết các sản phẩm chủ lực của địa phương đã và đang được triển khai xây dựng và tạo lập giá trị tài sản sở hữu trí tuệ.

KH&CN cần đóng góp nhiều hơn nữa để chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Trong bối cảnh hiện nay, để KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước bền vững, cần phải có giải pháp và nhiệm vụ KH&CN tác động mạnh mẽ hơn nhằm làm tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đại biểu các tỉnh khu vực ĐBSH, các địa phương cần tăng cường tính chủ động, đổi mới, sáng tạo thúc đẩy các hoạt động KH&CN, trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của khu vực vào thực tế sản xuất, đời sống, phục vụ tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đặc biệt, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động KH&CN từ việc chia sẻ thông tin, phối hợp về công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường…
 

Toàn cảnh Hội nghị giao ban Vùng KH&CN vùng ĐBSH lần thứ XII.

Trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu các sản phẩm của địa phương. Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp, sáng tạo; phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ KH&CN. Chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4, đặc biệt là các địa phương được chọn thí điểm thực hiện (như Bắc Ninh, Hà Nam). Chủ động xây dựng chương trình/kế hoạch/đề án để triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung của Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” tại địa phương...

Về cơ chế chính sách, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách để huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là chính sách hỗ trợ hợp lý để tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mà ở đó, doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân. 

Về hoạt động nghiên cứu, các tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cần tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Các chương trình KH&CN cần được xem xét, rà soát và tái cấu trúc để hoạt động nghiên cứu, triển khai đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phát triển trong giai đoạn mới.

Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ để tạo đột phá trong phát triển kinh - tế xã hội. Trong thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần hết sức chú trọng việc xây dựng các thiết chế trung gian (không gian khởi nghiệp, trung tâm tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp...) để hỗ trợ. Đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các trung tâm khởi nghiệp quốc gia.

Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về giảm thủ tục hành chính trong quản lý sản phẩm hàng hóa theo quy định của Chính phủ.
 

Lễ bàn giao công tác tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN Vùng ĐBSH lần thứ XIII giữa tỉnh Hải Dương và tỉnh Nam Định (trong ảnh: Thứ trưởng Phạm Công Tạc tặng hoa chúc mừng).

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5278

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)