Thứ ba, 16/04/2019 14:31 GMT+7

Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ hỗ trợ nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm

Nhằm hỗ trợ, tư vấn nhà sáng chế Phạm Văn Hát mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm máy nông nghiệp, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Viện SCCN) đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa tại vùng trồng nguyên liệu Quảng Ngãi của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy).

Trong tháng 4/2019, Viện SCCN đã tổ chức chuyến công tác thực địa cho nhà sáng chế Phạm Văn Hát (Hải Dương) đến các vùng nguyên liệu trồng cây đậu nành tại tỉnh Quảng Ngãi để khảo sát, tìm hiểu về thổ nhưỡng, tập quán canh tác đậu nành tại đây nhằm xây dựng kế hoạch triển khai máy móc nông nghiệp do ông sáng chế và chế tạo. Tham gia đoàn công tác về phía Viện SCCN có TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng; TS. Phạm Ngọc Hiếu, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm thuộc Viện SCCN. Đại diện Công ty Vinasoy tiếp đoàn có TS. Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Vinasoy (VSAC), cùng một số cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm của Công ty.

Hiện tại, Vinasoy có hai vùng nguyên liệu chính ở tỉnh Đắk Lắk (tại Buôn Ma Thuột) và tỉnh Quảng Ngãi (tại các huyện Đức Hiệp, Mỹ Hưng, Nghĩa Thuận).



Nhà sáng chế Phạm Văn Hát và cán bộ Vinasoy khảo sát tại vùng nguyên liệu Quảng Ngãi


Trong chuyến công tác, Viện SCCN cũng tiến hành khảo sát hiện trạng các chủng loại máy móc nông nghiệp hiện các hộ nông dân ở đây đang sở hữu thì thấy số lượng rất ít, hiệu quả sử dụng không cao, nhiều máy móc để hoen gỉ không sử dụng được, việc cơ giới tự động hóa trong các khâu canh tác chưa được bà con quan tâm nhiều. Qua tìm hiểu, đoàn công tác được biết từ trước đến nay việc gieo trồng và thu hoạch đậu nành của nông dân được thực hiện thủ công, đa số bằng tay. Hơn nữa do thói quen, tập tục người dân Quảng Ngãi thường trồng xen canh cây đậu nành với các loại cây như lạc, cây mì (sắn) và một số loại cây khác. Vì vậy, cây đậu nành mọc không đều, khó chăm sóc, khó thu hoạch và năng suất không cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất, chất lượng và giá thành của nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước.



Viện SCCN khảo sát thực nghiệm các máy móc nông nghiệp của nông dân tại Quảng Ngãi

 

Để giải quyết các vấn đề trên, Công ty Vinasoy hiện nay đã triển khai khoảng 50 ha để trồng thử nghiệm giống và đánh giá hiệu quả kinh tế giúp người dân tại Quảng Ngãi bỏ thói quen xen canh để trồng đậu nành. Thông qua buổi làm việc, Công ty Vinasoy đã đặt hàng nhà sáng chế Phạm Văn Hát sản phẩm máy gieo hạt và máy thu hoạch đậu nành để trước mắt phục vụ riêng nguồn nguyên liệu tập trung của Vinasoy và hướng đến chuẩn hóa khâu trồng và thu hoạch đậu nành của người dân Quảng Ngãi tại các vùng nguyên liệu trên.



Cán bộ Viện SCCN cùng nhà sáng chế đến làm việc tại nhà máy của Công ty Vinasoy

 

Viện SCCN cũng cam kết sẽ hỗ trợ nhà sáng chế Phạm Văn Hát trong khâu nghiên cứu, thiết kế và phát triển hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng được những đặc thù trong việc trồng đậu nành tại đây, nhằm mục đích nâng cao năng suất và chất lượng đậu nành ở vùng nguyên liệu này.

Kết quả của chuyến khảo sát thực địa là điển hình cho hoạt động phối hợp nghiên cứu và triển khai giữa Viện SCCN, doanh nghiệp và nhà sáng chế. Mô hình hợp tác như vậy đang được Viện SCCN thúc đẩy và nhân rộng hơn nữa.

Nguồn: Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ

Lượt xem: 2581

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)