Thứ năm, 06/12/2018 19:15 GMT+7

Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu, trường đại học

Giá trị tài sản trí tuệ có thể lớn hơn rất nhiều so với giá trị các tài sản hữu hình. Việc bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế, nâng cao năng lực, vị thế của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học giúp tạo ra các sản phẩm có giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ KH&CN cho biết tại Hội thảo “Tăng cường khả năng quản lý, thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu, trường đại học”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
 


Toàn cảnh hội thảo


Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những về thực trạng và định hướng hoạt động sở hữu trí tuệ, nhận diện và quản trị tài sản trí tuệ, đồng thời, thông qua Hội thảo này và các Hội thảo tương tự, Cục SHTT sẽ có thêm các thông tin về thực trạng, nhu cầu của các viện nghiên cứu, trường đại học để hoạch định, định hướng các hoạt động của Cục SHTT nói chung và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ phù hợp với chỉ đạo của chính phủ và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ.

Hội thảo nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ, phát triển về tài sản trí tuệ, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ; bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương; Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong việc xây dựng và triển khai mô hình quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo thống kê của Liên đoàn Kế toán Quốc tế, nếu như vào những năm 1975, tài sản hữu hình chiếm đến 83% giá trị của doanh nghiệp thì sau 40 năm, con số này chỉ còn 16%. Điều này rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của tài sản vô hình đối với việc định giá các doanh nghiệp trên thị trường. Cũng theo thống kê năm 2013, 80% giá trị của doanh nghiệp đưa lại là do quản lý tài sản vô hình, 20% là hữu hình.

Tại Việt Nam, nếu như trước đây, tình trạng đăng ký bảo hộ quyền SHTT của các viện/trường còn chiếm tỷ lệ thấp so với kết quả nghiên cứu của nhà khoa học, so với lượng đơn Cục SHTT nhận được. Ví dụ năm 2015, số lượng đăng ký sáng chế của các viện/trường chỉ chiếm ¼ so với tổng số đơn của các nhà sáng chế Việt Nam. Nhưng đến năm 2017 tăng lên trên 30%, sự gia tăng số đơn cho thấy nhận thức của các Viện, trường được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều hạn chế trong hoạt động của các viện/trường.

Hạn chế đầu tiên có thể thấy, phần lớn các viện/trường chưa có một chính sách riêng về SHTT phù hợp với điều kiện hoạt động của trường. Một số trường có chính sách phân định về quyền sở hữu để phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa, tuy nhiên phần nhiều các trường chưa có.

Thứ 2, mặc dù nhận thức về SHTT trong các viện/trường hai năm trở lại đây được gia tăng rõ rệt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, việc xác lập quyền bảo hộ sáng chế cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Đặc biệt, các nhà khoa học chưa đánh giá đúng về khả năng bảo hộ sáng chế cho sản phẩm nghiên cứu nên chưa tiến hành đăng ký. Nguyên nhân thứ 3 là do các viện/trường chưa có một tổ chức có chức năng về SHTT và chuyển giao công nghệ để hỗ trợ cho các nhà khoa học, tức là chưa có một nguồn nhân lực chuyên nghiệp về SHTT trong các viện/trường.

Vấn đề tiếp theo là việc khai thác thông tin sáng chế của các viện/trường không được chú trọng, gây ra tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, đôi khi các nghiên cứu bị trùng lặp với giải pháp có sẵn trên thế giới nên không hoạch định được chiến lược nghiên cứu hiệu quả và dài hạn.

Hạn chế cuối cùng, mặc dù những năm gần đây số lượng đăng ký bài báo trên các tạp chí của viện/trường gia tăng đáng kể, tuy nhiên đa phần các nhà khoa học cũng không nhận thức được cần phải tiến hành đồng thời đẩy mạnh công bố các bài báo khoa học, song song với đó là bảo hộ các sản phẩm khoa học của mình.

Hiện Cục SHTT là đơn vị được Bộ KH&CN giao cho quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), trong Chương trình này có các dự án nâng cao năng lực SHTT cho các trường đại học, tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, không những cho các viên/trường mà cho cả các thành phần khác như doanh nghiệp, nhà quản lý, các địa phương cũng như các nhà thực thi…để tạo ra nguồn nhân lực trong hệ thống SHTT.

Cục SHTT cũng đang cùng WIPO triển khai Dự án khởi tạo môi trường SHTT nhằm tạo ra một hệ sinh thái SHTT, tức là xây dựng một mạng lưới các tổ chức SHTT của các viện/trường. Để làm được điều này, trước tiên các viện/trường phải xây dựng được một tổ chức có chuyên môn, có chức năng riêng biệt về SHTT và chuyển giao công  nghệ. Cùng với Dự án sẽ xây dựng được một mạng lưới kết nối tạo ra hệ sinh thái SHTT. Các mạng lưới này tại các trường sẽ giúp cho hoạt động SHTT các viện/trường phát triển mạnh mẽ, trong đó có nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên môn, bài bản.
 


Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục SHTT và PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh -  Đại học Thương mại chủ trì Hội thảo


Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về: Giới thiệu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Giới thiệu về Hệ thống hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, mạng lưới IP-HUB; Thực trạng và định hướng hoạt động SHTT trong doanh nghiệp; nhận diện và quản trị tài sản trí tuệ….cùng những trao đổi thảo luận của các chuyên gia đề xuất phương án nhằm tăng cường hoạt động SHTT trong doanh nghiệp, viện/trường.

Một số kết quả đạt được của Giới thiệu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020:

Về công tác truyền thông, cao nhận thức cộng đồng về SHTT:

- Phối hợp với VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng Chương trình “Câu chuyện sở hữu trí tuệ” nhằm truyền thông về SHTT và giới thiệu các mô hình tiêu biểu về sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển doanh nghiệp;

- Hỗ trợ Công ty IPCom và Trường Đại học ngoại thương để tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng sinh viên Việt Nam về SHTT thông qua hình thức truyền thông lan tỏa.

Về nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về SHTT cho cộng đồng, doanh nghiệp

- Phối hợp với 02 cơ sở đào tạo đầu ngành chuyên ngành Luật là Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội để đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho các đối tượng là cán bộ SHTT trong doanh nghiệp, các luật sư, giảng viên đại học, các nhà khoa học, cán bộ thực thi về SHTT;

- Hỗ trợ Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị có lên quan tổ chức đào tạo trong lĩnh vực bản quyền tác giả, các đối tượng hương tới là cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc, văn học nghệ thuật ….

Về nhiệm vụ hỗ trợ bảo hộ SHTT cho các đặc sản địa phương

- Chương trình đã hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho gần 30 sản phẩm đặc thù của địa phương về bảo hộ SHTT, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo chuỗi;

- Hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của địa phương: Cục SHTT đang tiến hành lập hỗ trợ lập và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho 03 sản phẩm là Thanh long Bình Thuận, Cà phê Buôn Ma Thuột và Vải thiều Lục Ngạn.

Về hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ và tăng cường thực thi quyền SHTT

Chương trình đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Tập đoàn đệt may Việt Nam, Công ty cổ phần sữa Hà Nội, Công ty cổ phần tập đoàn DABACO, Hiệp hội da Việt Nam triển khai hoat động nâng cao nhận thức, đào tạo, tiến hành các biện pháp quản trị tài sản trí tuệ và tăng cường năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3000

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)