Toàn cảnh hội thảo thuộc làng công nghệ 4.0
Bà Nguyễn Thy Nga - Trưởng làng công nghệ 4.0 - Giám đốc đơn vị V-Startup cho biết: V-Startup - qua các sự kiện công nghệ quốc tế đã tham dự như Digital BigBang Thailand 2018, BIXPO Korea 2018, V-Startup mong muốn có thể tạo nên mạng lưới kết nối truyền thông, giới thiệu các nhà đầu tư đến với các startup. Qua sự kiện Techfest 2018, đặc biệt, sắp tới vào tháng 3/2019, sự kiện kết nối đầu tư cho 200 doanh nghiệp Việt Nam với 50 doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ là cơ hội đặc biệt cho Startup phát triển mở rộng tiềm năng, mạng lưới ra quốc tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ và tích cực trên mọi mặt đời sống - kinh tế - chính trị như góp phần giúp cải thiện dịch vụ y tế, ngân hàng, xây dựng, giáo dục, đào tạo,…và một trong số đó là cải cách hành chính công và mô hình chính phủ điện tử đóng vai trò rất quan trọng. Với việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy chính phủ một cách hiệu lực và hiệu quả, hỗ trợ truy cập tới các dịch vụ của chính phủ, cho phép truy cập nhiều hơn vào thông tin đã cho thấy những tiềm năng của mô hình này và tạo nên sự thay da đổi thịt cho các quốc gia đặc biệt tại những nước đang phát triển như Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, ông Vũ Trường Ca - Viện trưởng viện nghiên cứu Blockchain miền Nam về “Liệu chính phủ điện tử có tạo nên cuộc cách mạng mới tại Đông Nam Á”; TS Emment McElhatton - Trưởng dự án G2G thuộc chính phủ New Zealand về “Lợi ích và kinh nghiệm trong việc xây dựng chính phủ điện tử”, ông Yaakov Netanyahu - Chủ tịch hội đồng thành phố Harish, Israel chia sẻ về “Chính phủ điện tử xây dựng thành phố thông minh và con người thông minh”…
Theo các chuyên gia: Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tạo ra một phương thức điều hành mới, một cách làm mới nhằm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Với vai trò thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, liên kết mạng lưới khởi nghiệp Việt Nam với mạng lưới khởi nghiệp quốc tế, đồng thời kết nối các chuyên gia trong nước và quốc tế, hợp tác cùng cá khối cơ quan nhà nước, chính phủ, các nhà đầu tư để thúc đẩy các hệ thống chính sách hỗ trợ Startup Việt Nam cũng như giới thiệu các Startup Việt Nam đến gần hơn các nhà đầu tư lần, trong khuôn khổ của Hội thảo đầu tiên mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam Startup Ecosystem chính thức được ra mắt cùng lễ ký kết mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ 4.0.
V-Startup là một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập với mục đích hỗ trợ và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong nước và trên thế giới. Tại Techfest 2018, V-Startup là đơn vị chủ chốt phối hợp nội dung và mời chuyên gia quốc tế đến với Techfest 2018 và tại Làng Công nghệ 4.0 kì vọng sẽ mang lại nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Đồng hành cùng Làng 4.0 năm nay còn có tập đoàn LINA Network – một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ là những tổ chức cố vấn chuyên môn cấp cao tại làng./.