Thứ năm, 01/11/2018 16:42 GMT+7

Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền của các giống lợn nội

Các giống lợn nội của Việt Nam rất phong phú và được phân bố khắp các vùng của đất nước. Mỗi vùng nuôi những giống lợn đặc trưng riêng. Có giống đã được phục hồi quay trở lại sản xuất, nhưng cũng có giống hiện không còn hoặc còn với số lượng rất ít. Để nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, cần tìm hiểu các đặc điểm sinh học, tiềm năng di truyền của mỗi giống, từ đó mới có thể đảm bảo sử dụng bền vững các nguồn gen giống lợn hiện có ở Việt Nam.

 

Từ thực tế trên, việc  nghiên cứu  đánh  giá  một cách đầy đủ, có hệ thống về đặc điểm ngoại hình và khả năng sản xuất, phân tích ảnh hưởng của các nhân tố cố định, kết hợp với nghiên cứu đa hình gen và xác định ảnh hưởng của gen này đến khả năng sản xuất của các giống lợn nội là cần thiết để đưa ra những định hướng chọn lọc, sử dụng nguồn gen này có hiệu quả góp phần tăng cường sự bền vững trong các hệ thống sản xuất chăn nuôi lợn bản địa. Vì vậy, nhóm nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi do TS. Đặng Hoàng Biên làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền của các giống lợn nội” trong thời gian từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2016.

Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:

- Phân tích tiềm năng di truyền kiểu hình nguồn gen lợn nội

+ Năng suất sinh sản của 6 giống lợn nghiên cứu đạt khá so với các giống lợn nội, thể hiện ở số con sơ sinh sống/ổ của dao động từ 6,63 - 7,30 con (ngoại trừ lợn Ô Lâm có số con sơ sinh sống/ổ là 9,21 con), số con cai sữa/ổ đạt từ 6,24 - 6,94 con (lợn Ô Lâm đạt 8,43 con) và khối lượng cai sữa/ổ lúc 45 ngày tuổi đạt từ 25,01 - 28,26 kg (lợn Ô Lâm đạt 55,37 kg).

+ Khả năng sinh trưởng và cho thịt: Khả năng tăng khối lượng cao nhất là lợn Ô Lâm (297,65 g/ngày), thấp nhất ở lợn Bản (139,83 g/ngày). Tăng khối lượng (g/ngày) của lợn thí nghiệm tăng nhanh từ giai đoạn 2-3 tháng tuổi đến giai đoạn 6-7 tháng tuổi. Tỷ lệ nạc cao dao động từ 38,615 ở lợn Mẹo đến 42,86% ở lợn Ô Lâm.

+ Chất lượng thịt của 6 giống lợn đều nằm trong giới hạn chất lượng thịt bình thường với pH45 dao động từ 5,87-6,22; độ sáng L* dao động từ 50,99-55,36 và tỷ lệ mất nước bảo quản dao động từ 0,97-2,28%.

+ Đối với tính trạng sinh sản: Yếu tố lứa đẻ ảnh hưởng đến cả 3 chỉ tiêu số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ và khối lượng cai sữa/ổ của cả 6 giống lợn từ mức P<0,05 đến P<0,001.

+ Đối với tính trạng tăng khối lượng và dày mỡ lưng: Yếu tố lần thí nghiệm hầu như không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng khối lượng và độ dày mỡ lưng của các giống lợn nghiên cứu, ngoại trừ lợn Ô Lâm.

- Nghiên cứu phát hiện đa hình và đánh giá sự liên quan của môt số gen đối với tính trạng số con/ổ và phẩm chất thịt của 6 giống lợn nội

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu trên máy tính đã lập bản đồ phân bố và cập nhật đầy đủ thông tin cho mỗi giống.

Kết quả nghiên cứu của đề tài định hướng việc chọn lọc nâng cao năng suất sinh sản và chất lượng thịt lợn bản địa bằng cách chọn lọc những kiểu gen ưu việt cho từng chỉ tiêu cụ thể trên từng giống lợn khác nhau ở từng đa hình đặc trưng.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13505) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3762

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)