Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có các đại diện đến từ các cơ quan, tổ chức, và các ban ngành liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nói riêng và ngành năng lượng nguyên tử nói chung như: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Tổng cục Năng Lượng, Viện Năng Lượng, Tập đoàn Điện lực EVN, Viện nghiên cứu cơ khí... Về phía GE có ông David Durham - Phó chủ tịch cấp cao về lĩnh vực điện hạt nhân, ông Alan Beard – kỹ thuật viên/ kỹ sư trưởng, ông Garry Miller - kỹ sư ứng dụng cao cấp và ông Hoàng Xuân Hòa, Giám đốc kỹ thuật cao cấp, ngoài ra còn có sự tham dự của ông Andrew T.Shepard - đại diện cho Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Mở đầu buổi Hội thảo, ông David Durham có bài giới thiệu ngắn về GE, là một công ty kinh doanh đa lĩnh vực như: dầu khí, chăm sóc sức khỏe, vận chuyển, năng lượng … trên hơn 100 quốc gia, với tổng thu nhập khoảng 146 tỷ USD (2013). GE bắt đầu kinh doanh tại thị trường Viêt Nam từ năm 1993 chủ yếu về các thiết bị năng lượng và lĩnh vực máy bay dân dụng.
Tiếp đó là phần nội dung chính của buổi Hội thảo thông qua các bài trình bày về các khía cạnh kỹ thuật của công nghệ lò ESBWR của ông Alan Beard và ông Gary Miller, nội dung của các bài thuyết trình tập trung nhấn mạnh vào các kỹ thuật và thiết kế nổi bật của ESBWR so với các công nghệ lò nước sôi bây giờ như: thiết kế bên trong lò phản ứng đơn giản hơn so với các công nghệ lò nước sôi bây giờ do không sử dụng các bơm tuần hoàn và vùng hoạt được rút ngắn về độ cao và chiều cao để lò hoạt động ở chế độ bình thường dựa hoàn toàn vào quá trình đối lưu tự nhiên; hệ thống an toàn thụ động hoạt động dựa hoàn toàn vào đối lưu tự nhiên nhờ trọng lực của nước khi mà các bể nước được đặt ở trên cao; thiết kế phần đáy lò có khả năng giam giữ và làm mát vật liệu nóng chảy hiệu quả và ngăn chặn các sự tương tác giữa vật liệu nóng chảy với bê-tông.
Xen giữa các bài thuyết trình là thời gian dành cho các câu hỏi, những sự thắc mắc của các chuyên gia về công nghệ lò ESBWR, các câu hỏi tập trung về một số vấn đề quan trọng như kiểm soát dòng 2 pha bên trong vùng lò phản ứng, khả năng ứng phó sự cố…
Sau một ngày trao đổi cởi mở của cả hai bên, các chuyên gia Việt Nam đã có cái nhìn tổng quan về công nghệ lò ESBWR, nắm được các thiết kế nổi bật của công nghệ lò này. Tuy ở đó vẫn còn nhiều vấn đề chưa được thảo luận kỹ càng do hạn chế về thời gian nhưng nhìn chung buổi Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp.