Thứ sáu, 05/10/2018 16:57 GMT+7

Ứng dụng năng lượng mới tiết kiệm, hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường là nội dung chính được các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn quốc tế công nghệ năng lượng mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổ chức sáng nay (5/10) tại TP. Cần Thơ. Diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức trong khuôn khổ TechDemo 2018.


Các đại biểu trình bày tham luận liên quan đến ứng dụng công nghệ mới.

 

Nhiều giải pháp công nghệ đã được trình bày như giải pháp năng lượng hiện đại trong nông nghiệp, hệ thống giám sát chất lượng nước online “TC-Chek” nhằm tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí nhân công trong nuôi trồng thủy - hải sản, giải pháp công nghệ ứng dụng điện mặt trời thế hệ mới vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ IoT và năng lượng mới trong nông nghiệp và thủy sản, hệ thống tưới và bơm nước tự động sử dụng năng lượng mặt trời trong nông nghiệp, giải pháp công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời vào nông nghiệp…

Tham dự Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trước đây, nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ giới hóa hạn chế khiến nguồn năng lượng điện chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Trước xu thế hội nhập, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông nghiệp hiện đại đã vượt ra khỏi phương thức sản xuất truyền thống; được chuyên môn hóa và áp dụng máy móc trong tất cả các công đoạn. Điều này góp phần đưa nông sản đạt chất lượng cao, giá thành giảm và sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến khả năng cung ứng của ngành điện. Do vậy, việc tích hợp năng lượng tái tạo gồm: điện gió, điện mặt trời… trong sản xuất nông nghiệp kết hợp với các giải pháp tiết kiệm điện sẽ giúp giảm áp lực về điện. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nông nghiệp trên diện rộng, hạ tầng điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. “Việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng năng lượng tái tạo vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được đánh giá là một trong những giải pháp khả thi, phù hợp với xu thế hiện nay cũng như định hướng của Chính phủ” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

 


Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn.

 

Cũng theo Thứ trưởng, trong nông nghiệp hiện đại, việc cơ giới hóa, tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông minh và công nghệ tích hợp đòi hỏi đi kèm với các giải pháp và công nghệ cung cấp năng lượng chủ động, hiệu quả và ổn định. Đặc biệt, những thông tin về công nghệ được truyền tải qua Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Khẳng định vai trò của năng lượng mới trong phát triển nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho biết, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng đang chuyển dịch theo hướng sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa để phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt trước xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện đại theo phương thức cơ giới hóa, tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ tích hợp đặt ra vấn đề giải pháp, công nghệ cung cấp năng lượng chủ động, hiệu quả, ổn định, bền vững như: năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió… là những nguồn năng lượng tái tạo đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 


Phó Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại Diễn đàn.


Diễn đàn là cơ hội giới thiệu, khơi nguồn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và giải pháp công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, Diễn đàn còn thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN để chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; đáp ứng xu hướng tất yếu trên thế giới là sản xuất mang tính công nghiệp cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Dũng cho rằng những đề xuất, giải pháp về năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh… được thảo luận tại Diễn đàn sẽ góp phần tạo nên thành công cho hoạt động kết nối cung - cầu trong lĩnh vực năng lượng phục vụ cho nông nghiệp và thị trường KH&CN, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ nói riêng và Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3924

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)