Thứ tư, 26/09/2018 16:34 GMT+7

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tổ chức Hội thảo Ứng dụng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy trong đánh giá an toàn công trình xây dựng

Lĩnh vực kiểm tra không phá hủy (Non-Destructive Testing, NDT) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp. Trong khuôn khổ Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 62 của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra từ ngày 17-21/9/2018 tại Vienna, Cộng hòa Áo, Hội thảo bên lề về ứng dụng kỹ thuật NDT đã được tổ chức ngày 20/9/2018 với chủ đề “Các phương pháp và kỹ thuật NDT trong quản lý an toàn công trình dân dụng trước và sau thiên tai”. Đại diện của Việt Nam, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử và TS. Trần Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tham dự sự kiện này.

Hội thảo “Các phương pháp và kỹ thuật NDT trong quản lý an toàn công trình dân dụng trước và sau thiên tai” ngày 20/9/2018 bên lề Đại hội đồng IAEA lần thứ 62 (ảnh: Cục Năng lượng nguyên tử)

 

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã khẳng định vai trò của việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực kiểm tra không phá hủy để đánh giá an toàn của các công trình dân dụng như nhà cao tầng, các công trình cầu cống, hệ thống đường ống công nghiệp nhằm giảm thiểu những hậu quả thiệt hại về con người và tài sản do thiên tai gây ra. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm từ một số quốc gia thành viên, Hội thảo đã tập trung thảo luận về những phương pháp, kỹ thuật hạt nhân quan trọng trong NDT và vai trò của IAEA trong sự hỗ trợ các quốc gia thành viên nhằm đánh giá tính toàn vẹn cấu trúc của các công trình xây dựng ở Nepal, Ecuador và Mexico sau động đất.

Kỹ thuật NDT trong quản lý an toàn công trình xây dựng

Kiểm tra không phá hủy bao gồm các phương pháp chụp ảnh bức xạ, kiểm tra siêu âm, kiểm tra dòng xoáy, kiểm tra bột từ và kiểm tra thẩm thấu, trong đó chụp ảnh bức xạ là phương pháp ứng dụng kỹ thuật hạt nhân được sử dụng phổ biến trong kiểm tra không phá hủy. Trong phương pháp này, bức xạ tia X bước sóng ngắn, bức xạ tia gamma và bức xạ neutron được sử dụng để đánh giá tính toàn vẹn của cấu trúc công trình dân dụng mà không gây nên bất kể sự phá hủy nào. Điều này dựa trên các đặc trưng hấp thụ bức xạ khác nhau của các loại vật liệu. Việc kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng bằng phương pháp NDT theo định kỳ ngay từ giai đoạn xây dựng và trong quá trình sử dụng có thể giúp tránh xảy ra tình trạng sụp đổ bất ngờ của các công trình.

Theo ông Dario Foppoli, Giám đốc kỹ thuật Công ty tư vấn kỹ thuật về xây dựng và kiểm tra không phá hủy (Italia), nhiều phương pháp NDT có thể được sử dụng để quản lý sự an toàn của các công trình xây dựng. Trước các thiên tai, phương pháp NDT giúp kiểm tra kết cấu công trình đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chống chịu cho phép. Khi thiên tai xảy ra, các công trình xây dựng, các tòa nhà công cộng hay hệ thống đường ống công nghiệp đều có thể bị hư hại. Mặc dù, một số công trình có thể chưa bị sụp đổ ngay lập tức nhưng các vết nứt gãy có thể đã xuất hiện và phát triển, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn các rủi ro nếu không được phát hiện sớm và có những biện pháp khắc phục kịp thời. Phương pháp NDT có thể được áp dụng để phát hiện nứt gãy cấu trúc, ngăn chặn sự sụp đổ của các công trình, đồng thời đánh giá khả năng sử dụng cũng như đưa ra giải pháp khắc phục.

Hỗ trợ của IAEA trong việc thiết lập năng lực NDT đối với các quốc gia thành viên

Trong khuôn khổ của một số dự án hợp tác kỹ thuật, IAEA hiện đang hỗ trợ đào tạo các chuyên gia NDT, đồng thời, thiết lập và phát triển các mạng lưới hợp tác ở châu Mỹ-Latin, châu Á-Thái Bình Dương nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và hệ thống trang thiết bị, nhằm ứng phó trước thiên tai ở các quốc gia trong khu vực.IAEA đã cung cấp cho Mexico và Ecuador các hệ thiết bị NDT để kiểm tra các công trình xây dựng trước những trận động đất. Với hệ thiết bị mới được trang bị, Mexico trở thành trung tâm khu vực để cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp xảy ra thiên tai đối với khu vực Mỹ-Latin.

Ngoài ra, IAEA cũng đang hỗ trợ Nepal trong việc kiểm tra tính an toàn của các tòa nhà, công trình quan trọng sau những trận động đất lớn xảy ra vào năm 2015, đồng thời cung cấp thiết bị và đào tạo chuyên gia trong nước để thiết lập và phát triển năng lực NDT. Theo ông Mani Ram Gelal, Vụ trưởng Vụ Xây dựng và phát triển đô thị, Bộ Phát triển Đô thị Nepal, việc ứng dụng phương pháp NDT trong kiểm tra các công trình xây dựng đã giúp cải thiện an toàn của các công trình và chất lượng cuộc sốngcủa người dân ở Nepal.

Tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, lĩnh vực NDT đã được nghiên cứu, triển khai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đạt được một số kết quả nhất định. Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) đã ứng dụng thành công kỹ thuật soi tia gamma để kiểm tra hơn 1000 van phục vụ công tác lắp đặt tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) và một số đơn vị đã phát triển năng lực ứng dụng kỹ thuật dòng điện xoáy trong việc kiểm tra định kỳ các thiết bị sinh hơi của nhà máy đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ, nhà máy lọc dầu Dung Quất và các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, đội ngũ kỹ thuật ở một số đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng kỹ thuật NDT đã có năng lực triển khai nhiều kỹ thuật NDT tiên tiến như kỹ thuật chụp ảnh bức xạ kỹ thuật số gián tiếp (Computed Radiography, CR), kỹ thuật chụp ảnh bức xạ kỹ thuật số trực tiếp (Digital Radiography, DR) đánh giá hiện trạng ăn mòn tại các nhà máy dầu khí, hóa chất, giàn khoan khai thác ngoài khơi, hay công nghệ soi ảnh kỹ thuật số trên cơ sở kỹ thuật huỳnh quang ứng dụng tại các cơ sở đúc các chi tiết xe máy, ô tô…

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 2565

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)