Chủ đề về ứng dụng công nghệ robot vào sản xuất và đời sống đã được các chuyên gia công nghệ người Việt ở nước ngoài trao đổi, thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Công nghệ Robotics - Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam”, diễn ra sáng 21/8 tại Hà Nội do Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo có TS. Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ KH&CN cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả trong và ngoài nước, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và tập đoàn.
Doanh nghiệp cần các chuyên gia vào cuộc
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của KH&CN trước kỷ nguyên CMCN 4.0, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi đây là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và tận dụng tối đa tiến bộ KH&CN, kỹ thuật mới trong phát triển kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thành công vào sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, trong ba ngày qua, các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, đặc biệt là Lễ công bố sáng kiến Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tổ chức vào chiều 19/8 vừa qua với nhiều cảm xúc, tự hào và hứng khởi.
“Chúng tôi hy vọng các bạn không chỉ mang theo những cảm xúc đó vào Hội thảo ngày hôm nay mà sẽ còn giữ gìn, lan tỏa và phát huy sức mạnh của những tình cảm tốt đẹp đó trong suốt quãng đường sự nghiệp còn rất dài ở phía trước, hướng đến mục tiêu chung đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam”- Thứ trưởng Cao Quốc Hưng bày tỏ.
Trong năm 2018, theo kết quả điều tra nghiên cứu của Bộ Công thương phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam với CMCN 4.0 thì số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam mặc dù có nhu cầu lớn nhưng chưa có đủ tiềm lực trong đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn khiêm tốn.
Trên 97% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn, trình độ KH&CN, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN chưa thực sự hiệu quả.
Với tình hình như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về nhu cầu ứng dụng công nghệ robot và cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp đang cần những nhà khoa học, những chuyên gia cùng phối hợp để vượt qua thách thức này. Cần có sự nhìn nhận và đánh giá toàn diện về thực trạng doanh nghiệp và bản thân các doanh nghiệp cũng cần có bước đi cụ thể, phù hợp để có thể tận dụng được những cơ hội mà công nghệ robot và cơ điện tử nói riêng, CMCN 4.0 nói chung có thể mang lại.
Liên kết trong lĩnh vực robot và cơ điện tử
Toàn cảnh Hội thảo.
Công nghệ robot và cơ điện tử có thể được xem như là một trong những “trụ cột” của CMCN 4.0 với những nhà máy thông minh và hoạt động sản xuất được số hóa toàn diện. Robotic đang là một trong những công nghệ phát triển nhanh, được ứng dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Robot không chỉ phục vụ ngành công nghiệp và còn có tác động đến đời sống của người dân như y tế, giáo dục hay thành phố thông minh. Điều này đặt ra cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp Việt để làm sao ứng dụng hiệu quả công nghệ robot, bắt kịp CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ Việt ở nước ngoài đã trình bày xu hướng phát triển, những thành tựu và hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ robot và cơ điện tử trong công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, về nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ robot và cơ điện tử trong công nghiệp và đời sống.
Theo TS. Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa có thể giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất. Tuy nhiên, trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn như vốn đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi... Vì vậy, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia ở trong nước và nước ngoài để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam.
Có nhiều khái niệm còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt như robot mềm là gì, ứng dụng của công nghệ này như thế nào trong nông nghiệp và y tế cũng được các chuyên gia trao đổi, thảo luận. Hay như những ứng dụng robot trong công nghiệp lắp ráp linh kiện, trong các dự án đổi mới công nghệ của các nhà máy công nghiệp cũng được diễn giả trao đổi cho các doanh nghiệp Việt. Theo PGS.TS. Hồ Anh Văn, Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản, robot mềm có thể dùng để hái rau quả, vì dùng robot cứng có thể gây hỏng hoặc làm xấu sản phẩm. Trong phẫu thuật, sử dụng robot mềm sẽ không gây tổn hại đến các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể người.
Về phần mình, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã đưa ra một số gợi ý để tăng cường mối liên kết trong lĩnh vực robot và cơ điện tử. Thứ nhất: phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Thứ hai: phối hợp với các trường đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề. Thứ ba: phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức KH&CN tham gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất sáng tạo phát triển sản phẩm mới.
Khẳng định Bộ Công thương sẽ luôn đồng hành cùng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ trường đại học, tổ chức KH&CN để thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, đây sẽ là lực lượng quan trọng thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Thứ trưởng cũng thể hiện mong muốn mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp và cho rằng, Việt Nam cần sớm có những hành động thiết thức để cùng phối hợp triển khai, tạo cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực công nghệ robotic và cơ điện tử./.