Thứ hai, 13/08/2018 11:06 GMT+7

Hội thảo chuyên đề: “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Giang hiện nay”

Sáng ngày 10/8/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Giang đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Giang hiện nay”.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chỉnh phủ về năng cao năng lực tiệm cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), Bộ KH&CN nhấn mạnh đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đô thị thông minh.

Trong thời gian qua Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN đã phối hợp với Sở KH&CN, Công an tỉnh Bắc Giang khảo sát vấn đề tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, vì đây là một trong các thành tố quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh.

GS.TS Lê Hùng Lân- Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ, Thay mặt Viện có bài tham luận “Ứng dụng KH&CN tiên tiến xây dựng giải pháp quản lý, điều hành giao thông thông qua thiết bị thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. GS.TS Lê Hùng Lân đã nêu các tác động của cuộc CMCN 4.0 trong công tác quản lý, điều hành GTVT.

 Cuộc CMCN 4.0 dựa trên nền tảng tích hợp chặt chẽ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo. Xây dựng đô thị thông minh (Smart city) chính là xu thế tất yếu trong cuộc CMCN 4.0 thông qua việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vào mọi khía cạnh của cuộc sống người dân, trong đó có vấn đề tham gia giao thông, được gọi là dịch chuyển thông minh (Smart Mobility).

 Với nền tảng công nghệ số hóa xuất hiện trong cuộc CMCN 4.0, mỗi cá nhân trong đô thị có thể tham gia vào mạng lưới giao thông công cộng, nâng cao tính cơ động, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải cá nhân. Những công nghệ về dịch chuyển thông minh được biết đến với tên gọi hệ thống giao thông thông minh – ITS. ITS là sự kết hợp giữa tính toán, công nghệ thông tin và viễn thông, có liên quan tới chuyên ngành giao thông vận tải (GTVT). Các công nghệ ITS nổi bật được đưa ra từ những xu hướng phát triển chủ đạo của những ngành này. ITS, vì vậy, có thể định nghĩa là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lí xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực. ITS là giải pháp KHCN tiên tiến nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, khai thác cơ sở hạ tầng GTVT, giảm thiểu tai nạn, tăng tính tiện nghi cho người tham gia giao thông.

GS.TS Lê Hùng Lân đã nêu hiện trạng công tác quản lý, điều hành GTVT của Tỉnh và cho thấy còn nhiều bài toán cần giải quyết với sự ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến của CMCN 4.0 nhằm thúc đẩy hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng, giảm thiểu tai nạn, mang lại tiện ích lớn hơn cho người tham gia giao thông, nền tảng của phát triển đô thị thông minh. Bài tham luận của GS.TS Lê Hùng Lân cũng nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp KHCN được đề xuất để cải tiến, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành GTVT phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn trước mắt bao gồm:

Hệ thống điều khiển và giám sát đèn tín hiệu giao thông thông minh

Một hệ thống điều khiển và giám sát đèn tín hiệu giao thông thông minh phù hợp với đặc thù dòng giao thông hỗn hợp tại Việt Nam nói chung và thành phố Bắc Giang nói riêng có thể cho phép khắc phục các nhược điểm trên. Hệ thống này tích hợp trí tuệ nhân tạo (máy học và điều khiển mờ) để đo đếm lưu lượng giao thông thực tế và điều khiển tối ưu chu kỳ mạng lưới đèn tín hiệu giao thông, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông nhằm tăng an toàn giao thông, giảm tối đa ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Hệ thống thông tin xe buýt cho hành khách

Hệ thống kết hợp cùng với thiết bị giám sát hành trình đặt trên ô tô, xác định vị trí và tốc độ của xe, từ đó tính toán khoảng cách và thời gian di chuyển từ xe tới các trạm chờ xe bus. Các dữ liệu trên kèm theo thông tin về số hiệu xe bus, tần suất và cung đường chạy của xe được sẽ được gửi đến trạm chờ và cung cấp đến người tham gia dịch vụ theo thời gian thực thông qua thiết bị thông minh (như điện thoại di động, iPad,…).

Hệ thống giám sát cơ sở hạ tầng giao thông bằng thiết bị bay không người lái

Việc thống kê, nắm rõ số lượng, vị trí, tình trạng chi tiết tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, kiểm tra phát hiện hư hỏng, sự xâm hại công trình, báo cáo đơn vị bảo trì đường bộ và tuần kiểm viên để có biện pháp xử lý là công việc chính của công tác quản lý cơ sở hạ tầng đường bộ, được diễn ra thường xuyên, liên tục.

Hệ thống kiểm tra chất lượng đường bộ tự động

Gần đây, các tiến bộ KH&CN cho phép sử dụng phương pháp đánh giá không phá hủy thông qua phân tích các dữ liệu quét Lidar và Radar điện tử.

Các xe tuần đường hiện đại có gắn các cảm biến cho phép đánh giá chất lượng công trình một cách tự động và nhanh chóng, tuy nhiên có giá thành cao. Mặc dù vậy, việc này vẫn hoàn toàn có thể nghiên cứu nội địa hóa thông qua việc lắp đặt các cảm biến trên xe dân dụng và xây dựng các phần mềm phân tích, đánh giá chuyên ngành phù hợp.

Ứng dụng thành công những giải pháp này tỉnh Bắc Giang sẽ có bước tiến lớn trong nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 một cách thiết thực và bền vững.

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 2489

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)