Thứ hai, 30/07/2018 15:38 GMT+7

Nâng cao năng lực của cán bộ trong Thiết kế và Chế tạo Cảm biến

Những năm gần đây, ngành sản xuất điện tử Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ sản xuất giản đơn, sử dụng nguồn lao động giá rẻ, tập trung vào lắp ráp, SMT sang những công đoạn phức tạp, có hàm lượng khoa học, kỹ thuật cao và giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh việc dần dần tham gia vào chuỗi sản xuất điện tử toàn cầu, đang có những động thái hướng tới phát triển và chế tạo những sản phẩm công nghệ mang đậm giá trị Việt. Đây vừa là định hướng ưu tiên phát triển của Chính phủ, vừa là hiện trạng của nền sản xuất điện tử hiện nay. Trong bối cảnh này, liên kết, hợp tác phát triển khoa học công nghệ cao giữa các viện nghiên cứu với các nhà phát triển, chế tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thương mại hoá các sản phẩm Việt.

Viện Ứng dụng Công nghệ (NACENTECH), Bộ Khoa học và Công nghệ, với 34 năm phát triển, trong những năm gần đây đã ngày càng chứng minh được mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao phục vụ cuộc sống.

Vừa qua, Ngân hàng thế giới, thông qua Ban Quản lý Dự án "Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ - FIRST" đã quyết định tài trợ Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học (IMET), Viện Ứng dụng Công nghệ (NACENTECH) tiểu dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại vi cảm biến hóa sinh trên cơ sở công nghệ vi cơ điện tử (MEMS/NEMS), tích hợp trong thiết bị đo lường, phân tích chuyên dụng ứng dụng trong quan trắc môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển sản xuất công/nông nghiệp”. Đây là một trong những trọng tâm mà NACENTECH định hướng phát triển trong thời gian tới.

Hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực cao là một trong những nội dung đầu tiên khi triển khai dự án. Từ ngày 23/7/2018 đến 27/7/2018, IMET đã tổ chức khoá đào tạo ngắn hạn “Nguyên lý trong Thiết kế và Chế tạo Cảm biến” cho cán bộ trong và ngoài Viện. Mục tiêu của khóa đào tạo là cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm trong thiết kế và chế tạo cảm biến bán dẫn. Đã có 32 học viên tham dự khoá học. Ngoài cán bộ thuộc Viện, còn có giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đến từ Trường đại học Việt Nhật, đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, Đại học Sư phạm II. Bên cạnh kiến thức được trang bị, khoá học còn là cơ hội để các nhóm nghiên cứu tìm hiểu định hướng, thế mạnh của nhau nhằm xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Kết thúc khóa đào tạo, ông Nguyễn Trần Hậu – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Vi điện tử và Tin học đã có lời chia sẻ, khích lệ tới toàn bộ học viên về ý nghĩa và sự quan trọng của lĩnh vực vi chế tạo và cảm biến, nhất là trong thời đại 4.0. Đây là khóa học đầu tiên đã đạt kết quả tốt đẹp và là một trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu sẽ được thực hiện trong mục tiêu của tiểu dự án FIRST-IMET.

Một số hình ảnh của khóa học:
 


 


 


 

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 2054

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)