Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham gia đoàn công tác của Bộ KH&CN có đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, đại diện một số đơn vị của Bộ gồm: Vụ KH&CN các ngành kinh tế-kỹ thuật, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN và đồng chí Nguyễn Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn).
Làm việc với Đoàn công tác về phía tỉnh Quảng Nam, có đồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh; đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Lê Văn Thanh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành tỉnh Quảng Nam tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Đoàn đã nghe báo cáo tình hình Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân của tỉnh Quảng Nam và báo cáo tình hình phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
10 năm thực hiện Nghị quyết, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam bình quân giai đoạn 2009-2018 đạt 4,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu ngành đã đạt được kết quả theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 5,84% năm 2008 xuống còn 11,6% năm 2017, bước đầu đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,62%, bình quân 1,81%/năm (từ 12,09% năm 2015 giảm còn 9,28% năm 2017). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 27,6 triệu đồng/người/năm (2017). Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục, thể thao được chú trọng, nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho nhân dân.
Tăng cường Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp
Những năm qua, việc phát triển KH&CN và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ KH&CN, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung vào nghiên cứu triển khai, chú trọng các nghiên cứu có địa chỉ áp dụng cụ thể. Nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Tại buổi làm việc các đại biểu đều khẳng định, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, giai đoạn 2008 -2017, cơ cấu đầu tư đã có sự thay đổi tích cực. Từ năm 2011 đến nay, cơ cấu vốn đầu tư công hàng năm cho khu vực nông thôn đều đạt trên 85%. Đặc biệt năm 2016 đạt mức cao nhất với 91% tổng vốn đầu tư công. Doanh nghiệp đang hoạt động trên đia bàn tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ tích cực trong ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực công nghệ và cạnh tranh theo hướng phát triển của công nghệp 4.0.
Có thể nói, việc ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị. Đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của đa số người nông dân trong tỉnh. Đặc biệt là bà con đồng bào thiểu số, từng bước góp phần đưa nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, có chất lượng.
KH&CN thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh Quảng Nam
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có thế mạnh về 02 lĩnh vực: cơ khí ô tô và sâm Ngọc Linh. Đối với sâm Ngọc Linh Bộ KH&CN đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sâm Ngọc Linh là sản phẩm phát triển trong Chương trình Sản phẩm quốc gia. Mục tiêu là phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang: Tỉnh sẽ hỗ trợ, xây dựng hệ thống tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm để khuyến khích nông dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng; hiện tại, nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh còn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn, nguyên nhân do thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Ngoài ra, vấn đề an ninh, an toàn sâm, chống hàng giả, hàng nhái hiện nay tại tỉnh Quảng Nam đang là vấn đề nổi cộm. Việc quản lý chất lượng và kiểm định sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh và việc bảo tồn nguồn gen quý của Quốc gia. Thời gian tới, Tỉnh sẽ có những chế tài tăng cường xử lý vi phạm. Đồng thời sẽ hỗ trợ, xây dựng hệ thống tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm để khuyến khích nông dân phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh: cần có những mô hình liên kết sản xuất và sự vào cuộc của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp.
Kết luận tại buổi làm việc Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bộ trưởng cho rằng, trong tinh thần của Chương trình hành động đều có những yêu cầu phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh. Kết quả đạt được hết sức toàn diện trên các lĩnh vực, điều đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho người nông dân.
Trong 10 năm qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại tỉnh Quảng Nam đã tăng gấp 4,5 lần (năm 2008 có 348 doanh nghiệp, năm 2017 tăng lên 1.558 doanh nghiệp). Tuy nhiên, so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn có tỷ trọng không lớn (23,5%). Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự phát triển và đóng góp của các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải và việc xây dựng sản phẩm sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia đã góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bộ trưởng cũng cho rằng, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết nhưng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp hơn nữa. Để làm được điều đó, địa phương cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ tiếp tục phối hợp với địa phương nghiên cứu triển khai chương trình phối hợp đã ký. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam về nghiên cứu, ứng dụng phục vụ cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của Tỉnh.
Bộ trưởng cùng Đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải.
Đoàn công tác làm việc tại Nhà máy sản xuất lắp ráp xe Bus THACO.
Bộ trưởng cùng Đoàn công tác làm việc tại Trung tâm R&D xe Bus THACO.
Bộ trưởng cùng Đoàn công tác làm việc tại Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp THACO.
Trước đó, Bộ trưởng cùng Đoàn công tác đã đến làm việc tại Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải. Tại đây, Đoàn công tác đã nghe báo cáo tình hình sản xuất và định hướng sớm đưa Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai trở thành Khu Công nghiệp thông minh. Thời gian tới Công ty tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp bằng việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN và đưa ra các giải pháp công nghiệp (thông qua thiết kế chế tạo thiết bị máy móc từ khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản đến chế biến sau thu hoạch) cho nông nghiệp.