Thứ hai, 02/07/2018 14:39 GMT+7

Hội thảo “Định hướng xây dựng kinh tế số Việt Nam”

Nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về thực tiễn kinh tế số tại Việt Nam, từ đó thảo luận để đưa ra các đề xuất cụ thể phục vụ cho xây dựng Đề án Kinh tế số Việt Nam, Hội thảo “Định hướng xây dựng Kinh tế số Việt Nam” đã được Bộ Công thương phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 28/6.

Toàn cảnh Hội thảo (Nguồn: Báo điện tử Đại biểu Nhân dân).
 

Tham dự Hội thảo có Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương; Ông Justin Wood, Trưởng đại diện WEF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; các chuyên gia của WEF, WB, JETRO; và đại diện của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đại diện cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao đã tham dự và có bài phát biểu tại Hội thảo với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Động lực cho phát triển Kinh tế số Việt Nam”. Theo đó, một số đề xuất, kiến nghị đã được trình bày tại Hội thảo, cụ thể như:

- Về phía doanh nghiệp, cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hoá, phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hoá; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới; thích ứng với các mô hình thuế mới.

- Với các cơ quan quản lý nhà nước:

Cần có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc CMCN 4.0; thúc đẩy ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào giáo dục; khắc phục những mặt trái của CMCN 4.0 như ô nhiễm môi trường, vấn đề thất nghiệp, gia tăng bức xúc xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống, những rủi ro về an ninh, an toàn thông tin.

Tăng tốc phát triển hạ tầng thông tin trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng thành tựu kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược quy hoạch kế hoạch trong các lĩnh vực; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế; phát triển công nghiệp CNTT&TT có giá trị gia tăng và chủ động gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số.

Nghiên cứu thay đổi nội dung, phương pháp đào tạo nhằm xây dựng nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới; tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại kiến thức nghề nghiệp; cung cấp khả năng tự học tập một cách linh hoạt, phù hợp đối với từng tổ chức, cá nhân.

Nguồn: Vụ Công nghệ cao

Lượt xem: 3676

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)