Thứ năm, 17/05/2018 16:42 GMT+7

Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 và 43 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2018)

Ngày 17/5/2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam long trọng tổ chức “Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2018 và 43 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (20/5/1975-20/5/2018)”.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

 

Lễ kỷ niệm vinh dự được đón đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Về phía Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có GS.VS.Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS. Nguyễn Đình Công và GS. Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.VS.Nguyễn Văn Hiệu, Nguyên Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam cùng lãnh đạo, Chủ tịch Hội đồng khoa học, các nhà khoa học các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Mở đầu buổi lễ, GS.VS.Châu Văn Minh thay mặt Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu và báo cáo với Chủ tịch Quốc hội về tình hình chung của Viện Hàn lâm. Trải qua 43 năm xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm đã ngày càng lớn mạnh, phát triển về mọi mặt, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về tiềm lực cán bộ: Hiện nay, Viện Hàn lâm có gần 4000 cán bộ, viên chức trong đó có 1200 cán bộ khoa học có trình độ Tiến sỹ trở lên (trong đó gần 300 cán bộ là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học).

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm: Viện có 4 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Viện.

 

GS.VS.Châu Văn Minh thay mặt Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu và báo cáo trước Chủ tịch Quốc hội

 

Về hợp tác quốc tế: Viện Hàn lâm thường xuyên mở rộng hợp tác, trao đổi khoa học công nghệ với các đối tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, có các chương trình hợp tác với các đối tác truyền thống như hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Nga thực hiện khảo sát tài nguyên sinh vật biển trên con tàu “Viện sỹ Oparin”; hợp tác với các cơ quan hàng không vũ trụ Nhật, Pháp trong phát triển vệ tinh, công nghệ vũ trụ.

Về hoạt động nghiên cứu cơ bản: Nghiên cứu cơ bản của Viện Hàn lâm trong những năm qua đã được quốc tế đánh giá cao và khẳng định được vị trí ngang tầm khu vực. Trong 10 năm gần đây, Viện luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản với số lượng các công trình công bố tăng đều hàng năm với tỷ lệ cao, đến nay đã đạt được 2000 công bố/năm.

Về hoạt động phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng: Viện Hàn lâm luôn chú trọng phát triển và thúc đẩy ứng dụng triển khai công nghệ phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội. Viện Hàn lâm đã thành công trong việc làm chủ vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1; chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon; chế tạo và thử nghiệm thành công máy bay không người lái; sản xuất tinh quặng sắt, sắt xốp và thép từ bùn đỏ trên quy mô công nghiệp; đóng góp về khoa học đối với các hiện tượng lạ, tai biến thiên nhiên, động đất. Năm 2016, cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước, Viện đã tìm ra nguyên nhân trong sự cố môi trường Formosa ở 4 tỉnh miền Trung.

Về hoạt động đào tạo: Viện Hàn lâm có hai cơ sở đào tạo là Học viện Khoa học và Công nghệ và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Trong những năm qua, Viện luôn gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với công tác đào tạo nguồn nhân lực; Viện trở thành cơ sở đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ uy tín trong nước về khoa học tự nhiên và công nghệ.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Lễ kỷ niệm

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương, ghi nhận những thành tích mà Viện Hàn lâm đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những khó khăn mà Viện còn gặp phải. Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng rằng với truyền thống hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, cùng sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, có tiềm lực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra một số đề nghị với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam như:

Viện cần tập trung nguồn lực, đầu tư vào các hướng khoa học công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu của cách mạng 4.0. Bên cạnh những nhiệm vụ Nhà nước giao, Viện cần đẩy mạnh việc ứng dụng triển khai những kết quả nghiên cứu, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân; thương mại hóa các sản phẩm khoa học phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ của Viện, tạo môi trường động lực cho các nhà khoa học cống hiến sáng tạo. Tiếp tục triển khai các chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất, Khoa học biển. Chú trọng phát triển các lĩnh vực có tính ứng dụng cao, một số lĩnh vực liên ngành giữa khoa học tự nhiên với khoa học kỹ thuật và công nghệ; Xây dựng một số Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.

Ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội, trước hết là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ thị trường khoa học công nghệ theo hướng phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ; Đóng góp tích cực cho sự phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, kết nối cung cầu sản phẩm mới.

Viện cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học phù hợp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về khoa học và công nghệ, để có đội ngũ cán bộ khoa học đáp ứng trình độ, năng lực cho sự phát triển của Viện trong giai đoạn mới. Triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách ưu đãi đối với cán bộ khoa học công nghệ đặc biệt là cán bộ khoa học đầu ngành, cán bô khoa học có trình độ cao. Có cơ chế chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đến hợp tác nghiên cứu.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ trong và ngoài nước, đặc biệt là hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, chủ động hội nhập quốc tế.

Chủ động trong việc đề xuất với Nhà nước các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đặt ra; Tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu dự báo về nhu cầu phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của nước ta nhằm xây dựng chiến lược khoa học công nghệ phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Với những vướng mắc khó khăn của Viện, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các bộ ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu đề xuất, sửa đổi quy định cho phù hợp để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học yên tâm công tác.

Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:

 

 

 

 

Chủ tịch Quốc hội tham quan một số gian trưng bày sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm

 

Chụp ảnh lưu niệm

Liên kết nguồn tin:

http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-vien/3225-le-ky-niem-ngay-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-18-5-2018-va-43-nam-ngay-thanh-lap-vien-han-lam-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-20-5-1975-20-5-2018

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Lượt xem: 4364

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)