Cụ thể:
I. Tập thể
1. Trung tâm Chứng nhận phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:
Nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để chiết xuất thành công tinh bột nghệ nano (Curcumin Trắng), đánh dấu một đột phá mới trong “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bán tổng hợp tetrahydrocurcumin từ curcumin ứng dụng trong ngành mỹ phẩm”.
Là đơn vị đi đầu thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong hoạt động đánh giá tại nguồn để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu giảm chi phí đánh giá sự phù hợp và thời gian thông quan khi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam và trong việc đánh giá để thừa nhận kết quả thử nghiệm của một số phòng thử nghiệm có uy tín của nước ngoài trong hoạt động đánh giá sự phù hợp (chứng nhận hợp quy), qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Khai trương Phòng Thử nghiệm Pin Lithium đầu tiên tại Việt Nam giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí thử nghiệm (do không phải gửi đi thử nghiệm ở nước ngoài).
2. Phòng Đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ:
Ưng dụng công nghệ thông tin trong việc tính phí và lệ phí
Nghiên cứu và đề xuất xây dựng phần mềm tính phí tự động kết nối các bộ phận liên quan của Cục Sở hữu trí tuệ, từ đó, cán bộ tiếp nhận đơn chỉ cần nhập số đối tượng cần tính phí thì hệ thống sẽ tự động tính số phí và lệ phí cũng như tổng số tiền phải nộp. Như vậy, hằng tháng công việc đối chiếu không cần thực hiện và công việc thống kê, báo cáo cho từng mục lục ngân sách được cập nhật kịp thời, mang hiệu quả rõ ràng.
Bên cạnh đó, rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục cho tổ chức và cá nhân khi đến đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; giảm thiểu các vấn đề phát sinh trong công tác tiếp công dân, đặc biệt là cán bộ nộp đơn không phải tra cứu các hạng mục tính phí và lệ phí.
3. Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Nghiên cứu, điều chế và sản xuất khoảng 400 Ci đồng vị phóng xạ, khoảng gần 2.000 lọ kit đánh dấu các loại cung ứng cho gần 20 khoa y học hạt nhân tại các bệnh viện trên cả nước, doanh thu khoảng 14 tỷ đồng; sản xuất và cung cấp các dược chất phóng xạ đến 19 cơ sở, bệnh viện trong nước và một số cơ quan nghiên cứu khác.
Trung tâm đã chủ động tiếp thị mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt năm 2017 và đầu năm 2018, Trung tâm đã tiến hành xuất khẩu đồng vị phóng xạ sang Campuchia, đồng thời hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho phía bạn để xây dựng Trung tâm Y học hạt nhân phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh.
Tính đến hết tháng 11/2017 đã sản xuất và cung cấp 42 đợt đồng vị phóng xạ và Kit cho các Bệnh viện. Trong đó khai thác, sản xuất đồng vị từ Lò phản ứng là 12 lần. Tổng doanh thu năm 2017 là: 15.632.611.692 đ.
II. Cá nhân
1. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Sinh năm: 06/4/1970
Từ kinh nghiệm quản lý nghiên cứu cơ bản trong KHTN nhiều năm, đã có sáng kiến đề xuất Việt Nam tham gia mạng lưới các tổ chức khoa học được tổ chức khoa học quốc tế uy tín là UNESCO công nhận và bảo trợ. Nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị hồ sơ, gặp gỡ các đơn vị chức năng của UNESCO và các trung tâm dạng 2 để học hỏi kinh nghiệm và đã bảo vệ thành công đề xuất của Việt Nam để thành lập đồng thời 02 trung tâm về toán học và vật lý. Đây là hai trung tâm khoa học đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận và bảo trợ.
2. Bà Lương Thị Bích Hạnh, Trưởng phòng Đăng ký, Cục Sở hữu trí tuệ; Sinh năm: 22/11/1973.
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nội dung tách cách tính phí và lệ phí trên Tờ khai nộp đơn, việc này đã được áp dụng trong năm 2017, cụ thể các nội dung tại mục 8 của Tờ khai đã cụ thể hóa nội dung thu phí và lệ phí giúp cho người nộp đơn biết rõ hơn các khoản cần nộp đối chiếu với quy định Thông tư 263/2016/TT-BTC.
Hiệu quả là trước đây không rõ các nội dung nên trong quá trình thẩm định có thể bị tính thu thiếu tiền phải yêu cầu người nộp đơn bổ sung, nếu nộp thừa Cục phải thực hiện thủ tục trả lại người nộp đơn (cần có một người làm việc hoàn trả phí). Nhưng hiện tại việc thu phí và lệ phí đảm bảo gần như tuyệt đối và không cần người thực hiện công việc hoàn trả phí.
3. Bà Phạm Thị Mỹ Phương, Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng; Sinh năm: 09/01/1978
Thông qua các hoạt động nghiên cứu, đã tham gia cùng các nhóm nghiên cứu xây dựng và chuyển giao 08 quy trình kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; cùng các nhóm nghiên cứu, các hộ tham gia mô hình đã xây dựng được các mô hình về xử lý chất thải dong riềng, xử lý kim loại nặng trong đất, trồng xen trên nương cao su; tư vấn quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, chè an toàn cho các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tham gia khảo nghiệm và đã xác định được các giống bơ có chất lượng tốt , 02 giống bơ ở Vùng Tây Bắc là MC04 và MC17; 03 giống bơ TA01, TA40, Booth7 ở Tây Nguyên; xây dựng được Tiêu chuẩn cơ sở cho Bột bơ dinh dưỡng và kem dưỡng da sản xuất từ dầu bơ; tiêu chuẩn của chất tạo màu thực phẩm từ thực vật. Xây dựng được các dự án tăng cường trang thiết bị; xây dựng được phòng Thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005. Đến nay đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng đánh giá và công nhận hơn 60 chỉ tiêu đạt Vilas trong lĩnh vực đất, nước, phân bón với mã số VILAS 839./.