Mặc dù trong các năm qua giống hoa được nhập vào Việt Nam tương đối đa dạng và phong phú, nhưng tình hình thực tế cho thấy vấn đề bảo hộ quyền tác giả giống theo công ước quốc tế là vấn đề cấp bách phải quan tâm để thúc đẩy việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, giống mới được tạo ra từ trong nước không phụ thuộc vào bản quyền tác giả nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh đất nước gia nhập WTO và tham gia UPOV.
Măc dù các giống hoa huệ, lan hài và đỗ quyên của Việt Nam có nhiều ưu điểm về khả năng thích ứng, tính chống chịu và hương thơm, nhưng các nhược điểm cần phải khắc phục là thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp, chất lượng hoa chưa cao, khó nhân giống, dễ bị thoái hóa bởi không được phục tráng, chọn lọc hàng năm. Do sản xuất hoa ở Việt Nam nhất là cho các giống hoa bản địa như huệ, lan hài và đỗ quyên hiện còn mang tính tự phát, tự cung, tự cấp với kinh nghiệm truyền thống là chính nên năng suất chất lược hoa còn kém, chưa thể đáp ứng được thị trường hoa thế giới. Bởi vậy để phát triển các giống hoa này cần áp dụng các tiến bộ về về kỹ thuật di truyền, công nghệ sinh học vào sản xuất để cải tiến và tuyển chọn giống mới.
Để các giống huệ, lan hài, đỗ quyên nói riêng có chất lượng cao, làm tăng hiệu quả sản xuất và có ưu thế cạnh tranh với chủng loại hoa cùng loại nhập nội, nhất thiết phải có kế hoạch nghiên cứu tuyển chọn giống và các biện pháp kỹ thuật sản xuất hoa thích hợp không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu mang bản quyền các loài hoa đặc hữu của Việt nam, chính vì vậy đề tài “Nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số giống hoa bản địa tại Việt Nam” do cơ quan chủ quản là Viện Di truyền nông nghiệp phối hợp cùng chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Lý là nhằm khắc phục những 2 nhược điểm còn tồn tại, góp phần lưu giữ và phát triển nguồn gen bản địa nhằm phục vụ cho mục đích bảo tồn, sử dụng và khai thác có hiệu quả nguồn gen hoa cây cảnh Việt Nam.
Qua thời gian nghiên cứu, các sản phẩm về giống và quy trình công nghệ của đề tài đã góp phần bảo tồn và phát triển các giống hoa bản địa của Việt Nam. Việc đưa các giống hoa bản địa có giá trị và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại việc làm và làm tăng thu nhập cho người trồng hoa.
Từ việc áp dụng các quy trình cũng như các TBKT, đề tài đã chuyển giao và xây dựng thành công các mô hình sản xuất hoa bản địa chất lượng cao. Hiệu quả của mô hình trồng các giống hài Vân, đỗ quyên Cà rốt, huệ Hương trong đề tài tăng từ 15-20%, so với sản xuất hoa không áp dụng quy trình, với các mô hình trồng thử nghiệm tại các tỉnh Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, Hưng Yên, Bình Định, Đà Lạt... đã cho cây sinh trưởng phát triển tốt, thích ứng với điều kiện canh tác của vùng trồng nên đã mở rộng trên diện tích lớn, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm hoa, cho hoa thương mại đẹp, khả năng chống chịu tốt, ổn định về năng suất và chất lượng ở các vùng sinh thái khác nhau, đạt các tiêu chuẩn về hoa chậu, hoa cắt cành của thị trường trong và ngoài nước, cho hiệu quả kinh tế lớn, thu nhập trung bình từ 200-500 triệu đồng/ha/năm, được người sản xuất và người tiêu dùng chấp nhận. Dự kiến năm 2016 và các năm tiếp theo các giống và các quy trình trên sẽ được áp dụng cho các vùng trồng hoa như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Nam Trung Bộ... góp phần giới thiệu cho sản xuất các giống hoa bản địa có giá trị thương mại cao mang bản quyền Việt Nam.
Giống hoa và chất lượng giống có vai trò quan trọng trong sản xuất hoa công nghiệp, xây dựng được các quy trình nhân giống cho các loại hoa trong đề tài, như quy trình nhân giống in vivo cho hoa đỗ quyên, quy trình nhân in vitro cho hoa huệ, lan hài không chỉ chủ động cung cấp giống cho sản xuất với số lượng lớn, chất lượng cao, mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả các loài hoa bản địa và giảm thiểu việc khai thác cạn kiệt nguồn gen thực vật quý hiếm. Các quy trình hiện đang áp dụng là thân thiện với môi trường, làm đẹp cảnh quan, phù hợp với điều kiện sản xuất, sử dụng các vật tư có sẵn của địa phương, dễ thực hiện và dễ triển khai ở các hộ dân và các đơn vị sản xuất, các quy trình của đề tài, được các địa phương đánh giá rất cao và đề nghị tiếp tục triển khai trong những năm tới.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12515/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.