Hình ảnh toàn cảnh buổi gặp mặt báo chí.
Ngày 26/2/2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện dưới sự chỉ đạo của GS.TS. Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cùng tham gia thực hiện có hơn 60 thầy thuốc và nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một số thầy thuốc của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy và sự hỗ trợ của 3 chuyên gia y tế đến từ Cộng hòa Pháp và Vương quốc Bỉ.
Ca ghép phổi được thực hiện trên bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, sinh 1964, quê tại Nam Định, được chẩn đoán trước ghép là “Suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn cuối”, người hiến tạng phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi, chết não hiến tạng. Ca ghép được thực hiện trong khoảng 8 giờ. Đến nay, sau ghép 20 ngày, bệnh nhân đã có thể đi lại, nói chuyện, mọi chỉ số sinh tồn trong giới hạn cho phép; bệnh nhân tự thở được, thỉnh thoảng có hỗ trợ thở ô xy. Đây là kết quả từ một nhiệm vụ KH&CN độc lập cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện từ năm 2015 “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS.TS. Mai Hồng Bàng làm chủ nhiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là cơ quan chủ trì.
Hình ảnh trực tuyến hiện tại của bệnh nhân chụp qua hình ảnh tại hội trường - camera tại phòng bệnh nhân.
Từ một ca chết não hiến tạng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tạo được 2 dấu ấn quan trọng: Thứ nhất là lần đầu tiên tại Việt Nam, các Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ghép phổi lấy từ người cho chết não sau khi chúng ta đã làm chủ và ghép được các tạng như: tim, gan, thận, tụy – thận (đa tạng), phổi từ người cho sống; đánh dấu một bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam, nâng vị thế của y học Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Dấu ấn thứ hai là các Bác sĩ đã tiến hành lấy đa tạng, ghép cho 6 bệnh nhân trên toàn quốc: ghép 2 phổi cho 1 bệnh nhân và ghép 1 thận, 1 giác mạc cho 2 bệnh nhân khác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; ghép giác mạc cho 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Trung ương; ghép tim và 1 thận cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện trình độ chuyên môn cao, sự nỗ lực của các thầy thuốc và vai trò quan trọng của sự điều phối, phối hợp nhịp nhàng của các thầy thuốc trên toàn quốc.
Có được thành công trên, ngoài sự nỗ lực, chủ động của các thầy thuốc, là sự đầu tư đúng hướng và tích cực của KH&CN vào các lĩnh vực có vai trò quyết định đối với sự thành công trong ghép tạng như: chẩn đoán, điều trị, gây mê, hồi sức cấp cứu, sinh hóa, huyết học, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu, ngoại khoa, phục hồi chức năng, dược, miễn dịch,…; sự đầu tư của KH&CN trong lĩnh vực ghép tạng trước đó như: chúng ta đã làm chủ và ghép được các tạng như: tim, gan, thận, đa tạng tụy – thận (2014), phổi từ người cho sống (2017);
Trong thời gian tới, đóng góp của KH&CN sẽ tiếp tục tạo động lực, đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và ngành y tế, lĩnh vực ghép tạng nói riêng, để chúng ta có thể tiếp tục tạo những bước đột phá khác là ghép thành công các mô, bộ phận cơ thể người như: ghép ruột, ghép tử cung, ghép chi thể,…nhằm khẳng định mạnh mẽ sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế; góp phần hiện thực hóa Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác đi vào cuộc sống; mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có nhu cầu ghép tạng; góp phần tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng so với bệnh nhân ghép tại các nước khác trên thế giới.