Thứ tư, 14/03/2018 18:00 GMT+7

Tạo hành lang cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) trên cả nước đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong nhiều năm qua, nhiều startup của nước ta đã và đang lớn mạnh, tạo thành những doanh nghiệp có vị thế cao trên thị trường. Startup của nhiều nước trên thế giới đã tạo ra lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư cũng như tạo bước nhảy đột phá cho khoa học kỹ thuật cũng như cho nền kinh tế, góp phần thay đổi thế giới.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Trong những năm trở lại đây, với định hướng của Đảng đưa nước ta trở thành một quốc gia khởi nghiệp, Nhà nước đã đưa ra nhiều đường hướng, biện pháp khuyến khích khởi nghiệp trong nước. Song, đến nay startup Việt vẫn gặp một số khó khăn trong kêu gọi vốn đầu tư. Vì vậy, Văn phòng Đề án 844 phối hợp với Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN, Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp đã đứng ra tổ chức các hoạt động tích cực hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có Hội thảo “Giải pháp thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp sáng tạo từ nguồn vốn trong và ngoài nước” diễn ra vào ngày 13/3, tại Hà Nội.

Hội thảo tập hợp các chuyên gia tích cực và có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam với mong muốn tiếp thu ý kiến từ cộng đồng đầu tư cho khởi nghiệp về hiện trạng và các kiến nghị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước để tạo được môi trường ngày càng hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Chất lượng của Startup Việt

Có thể thấy, chưa bao giờ làn sóng khởi nghiệp sáng tạo lại diễn ra mạnh mẽ như hiện nay tại nước ta. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm vàng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, từ môi trường pháp lý cho đến môi trường kinh doanh và các nền tảng hạ tầng.

Nhận định về tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), bà Phan Hoàng Lan, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, tổng giá trị các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) của Việt Nam năm 2017 đạt 291 triệu USD, tăng 42% so với năm 2016, theo một báo cáo của Topica Founder Institute (TFI). Đã có 92 doanh nghiệp khởi nghiệp được rót vốn, gần gấp đôi năm 2016. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động đầu tư tài chính cho khởi nghiệp ĐMST trong nước. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thiên thần cũng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và đang tăng về số lượng, dần hình thành các câu lạc bộ liên kết các nhà đầu tư thiên thần. Tuy nhiên, lượng vốn rót vào thị trường Việt Nam còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các nước trong khu vực.

Bàn về câu chuyện này, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch VMCG phân tích: hiện chất lượng của startup trong nước không thấp, song thị trường cho các sản phẩm của startup còn nhỏ hẹp, hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho các sản phẩm startup còn yếu.

Ông Trương Mạnh Hiếu – đại diện IDG Ventures Vietnam cho rằng Việt Nam thiếu đào tạo cho startup về chiến lược kinh doanh, thiếu đội ngũ và phương thức trợ giúp startup nuôi dưỡng ý tưởng. Startup khi bắt đầu khởi nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Doanh nghiệp phải tự huy động vốn tự có, rất khó tìm được tài trợ cho việc tìm hiểu thị trường và chứng minh ý tưởng.

Ông Trịnh Minh Giang cho rằng cần có thêm các đầu tư, các hoạt động cho các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, khu làm việc tập trung cho startup. Thêm vào đó, ông Mai Duy Quang, đại diện của Topica Founder Institute cho rằng để giải quyết vấn đề, không nên đưa đào tạo vào các trường đại học tạo phong trào, mà nên hướng đến việc chuyên nghiệp hóa quy trình chọn lọc startup chất lượng, tập trung cho mũi nhọn là các startup có năng lực. Ngoài ra, việc đưa startup và các thành viên của hệ sinh thái khởi nghiệp tăng cường các chuyến trao đổi, tiếp xúc với nước ngoài cũng rất quan trọng.

Xây dựng hành lang pháp lý
 

Tạo hành lang pháp lý để khơi thông nguồn vốn cho hoạt động khởi nghiệp.
 

Ở Việt Nam, mạng lưới đầu tư khởi nghiệp đang tăng trưởng, với phần lớn các quỹ đầu tư tới từ nước ngoài. Song thực trạng rất nhiều các doanh nghiệp được đầu tư cần phải đăng ký tại nước ngoài (trong khu vực thường là Singapore) cho thấy hoạt động của các nhà đầu tư vào trong nước còn nhiều vướng mắc cần xem xét giải quyết.

Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: cách đây 6 năm, Quỹ đầu tư Endeavor của Hoa Kỳ với chi nhánh tại hơn 150 nước trên thế giới đã đến Việt Nam để tìm kiếm những cá nhân có tiềm lực kinh tế lớn sẵn sàng tham gia đầu tư cho khởi nghiệp song không có. Cho đến nay, vẫn có rất ít các doanh nghiệp lớn thực sự tham gia tích cực vào đầu tư khởi nghiệp. Theo ông Trịnh Minh Giang, điều cần làm là giáo dục thị trường, nhất là cho các nhà đầu tư về văn hóa đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo góp ý rằng các nhà đầu tư cũng cần thấy rõ được các lợi ích, ưu đãi cho đầu tư khởi nghiệp vì đây là loại hình đầu tư đặc thù với rủi ro cao. Với hai nguồn chính đầu tư cho khởi nghiệp là từ nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm, các cơ chế cho hai loại hình nhà đầu tư này cũng cần phải được làm rõ. Ông Mai Duy Quang, Co-Director của Topica Founder Institute (TFI) cho rằng để thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp từ nguồn vốn của các doanh nghiệp, cần làm rõ cơ chế cho quỹ đầu tư khởi nghiệp bên trong các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Đây là một nguồn đầu tư rất quan trọng vì các doanh nghiệp này không chỉ có vốn mà còn có thể giúp startup hoàn thiện mô hình kinh doanh.

 Đại diện của trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp – Bà Đỗ Tú Anh cho rằng, hiện đang có ngày càng nhiều các nhà đầu tư thiên thần, song nhà nước cần có quan tâm vinh danh hoặc công nhận cho đội ngũ đầu tư này. Bổ sung thêm các ý kiến xung quanh ưu đãi cho nhà đầu tư mạo hiểm, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Cục Phát triển doanh nghiệp – Bộ KH&ĐT cho rằng cần có đề xuất nghiên cứu của đề án 844 về các loại hình ưu đãi thích hợp và xác định bộ tiêu chí nhà đầu tư mạo hiểm được nhận các ưu đãi trên.

Một vướng mắc mà đại diện của Topica và IDG Venture cho rằng vẫn còn tồn tại đó là thoái vốn. Không những thị trường thoái vốn ở VIệt Nam còn chưa phát triển với bộ khung pháp lý hoàn thiện, mà cả vấn đề quản lý ngoại hối rất chặt chẽ trong nước đã gây ra nhiều khó khăn cho các tổ chức trong cả tiếp nhận vốn đầu tư và thoái vốn. Đây là vấn đề cần được xem xét tháo gỡ trong thời gian tới.

Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư cho Startup, Nhà nước cần nhanh chóng ký ban hành nghị định hướng dẫn thành lập quỹ đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; xem xét ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến gọi vốn cộng đồng, đặc biệt là gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần; xem xét việc thành lập thị trường mua bán cổ phần doanh nghiệp khởi nghiệp; rà soát, giảm thiểu các thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư từ nước ngoài vào trong nước và đầu tư trong nước ra nước ngoài; nới lỏng các quy định quản lý đối với việc thoái vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các chính sách cần phải đồng bộ, thống nhất, tránh sự thay đổi đột ngột khiến môi trường pháp lý thêm bất ổn.

Hình thành mạng lưới liên kết hỗ trợ

Trong thời gian tới, để thúc đẩy đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như xây dựng hoàn chỉnh mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà nước cần vào cuộc bằng cách hỗ trợ hiệu quả hơn các phương thức kết nối bên trong hệ sinh thái và với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.

Đại diện của SYS và TFI cho rằng hiện chưa có đầu mối chính thức nào của nhà nước có chức năng nhiệm vụ và mối tương tác đủ sâu rộng để làm đầu mối tổng hợp, cung cấp thông tin tổng hợp về hệ sinh thái đến trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xem xét đặt đại diện hỗ trợ khởi nghiệp tại các thung lũng khởi nghiệp lớn trên thế giới như Silicon Valley tại Mỹ như rất nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Ngoài Silicon Valley, Việt Nam có thể tập trung chú ý đến nguồn vốn của các nhà đầu tư khu vực vì thường các quỹ đầu tư quy mô rất lớn mới đa dạng hóa đầu tư bằng việc đưa vốn đầu tư ra các thị trường nhỏ, xa tầm – đại diện của SYS chia sẻ. Đại diện hỗ trợ khởi nghiệp tại nước ngoài có mục tiêu chia sẻ thông tin về khởi nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, tạo kết nối thường xuyên với hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây, cũng như kết nối với hội người Việt ở nước ngoài, thu hút Việt Kiều làm cố vấn, đầu tư, hỗ trợ các startup tiềm năng. Văn phòng 844 có thể nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù về visa để thu hút doanh nhân khởi nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư cho khởi nghiệp từ nước ngoài đến Việt Nam..

Để khơi thông dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc Nhà nước cần thực hiện trong thời gian tới còn rất nặng nề và cấp thiết như tạo lập hành lang pháp lý ổn định, thông thoáng và minh bạch về đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp tục đầu tư cho các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, v.v... Với các biện pháp đồng bộ mang tính cách mạng, khởi nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ, là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra của cải cho đất nước. 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN - Văn phòng Đề án 844

Lượt xem: 3056

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)