Thứ ba, 06/03/2018 11:09 GMT+7

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo vào bảo tồn giống gà Hồ ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Ngành chăn nuôi nói chung đang có tiềm năng phát triển khá tốt đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó phải kể đến vai trò của tập đoàn vật nuôi bản địa. Việc bảo tồn nguồn gen vật nuôi là một trong những giải pháp lâu dài giúp cho việc chuyển đổi nhanh giống vật nuôi phù hợp với môi trường và góp phần đảm bảo cho nền nông nghiệp bền vững.

 

Ở Việt Nam chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí quan trọng trong ngành chăn nuôi. Gà Hồ là giống gà quý có nguồn gốc, xuất xứ từ Lạc Thổ, Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ không chỉ cho chất lượng thịt thơm ngon mà còn có vóc dáng to khỏe, đẹp, cân đối, dũng mãnh nên trước đây gà Hồ được chọn làm vật tiến vua. Tuy nhiên sau nhiều năm không được giữ gìn bảo tồn xứng đáng, cũng như nhiều giống gà bản địa khác gà Hồ chịu sự hủy diệt của thiên nhiên và sự lãng quên của con người do áp lực của cơ chế thị trường từng có những giai đoạn chạy theo năng suất cao, tập trung cho giống ngoại nhập, bỏ bê giống địa phương, sự tích cực lai tạo để có những con lai năng suất cao,… là những nguyên nhân chính làm giống gà Hồ bị giám số lượng đáng kể và bị lai tạp nhiều.

Trong nhiều năm gần đây, phương pháp TTNT đang trở nên rất ấn tượng bởi hiệu quả của nó đối với công tác nhân giống gia súc, gia cầm. TTNT là một phương pháp hỗ trợ sinh sản, thông qua một số biện pháp kỹ thuật, con người lấy tinh trùng từ con đực để pha chế, bảo quản và bơm vào đường sinh dục (tử cung) của con cái. Lợi ích chính và quan trọng nhất của sử dụng TTNT là nhằm tăng khả năng truyền giống của con đực, nhân rộng nguồn gen ưu việt, giúp người chăn nuôi sử dụng được con giống chất lượng tốt nhất vì thế có thể giúp tăng nhanh năng suất. Công nghệ TTNT còn nhiều ưu điểm khác như giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, tiết kiệm được con giống, góp phần nâng cao chất lượng con giống.

TTNT trên gà Hồ nếu thành công sẽ ngay lập tức khắc phục được hạn chế lớn của giống gà này về khả năng sinh sản, từ đó sẽ góp phần mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gà nói chung và chăn nuôi gà Hồ nói riêng.

Hiện nay gà Hồ hầu như chưa được nghiên cứu nhiều và sâu rộng như các giống gà khác nhưng về cơ bản cũng đã được nghiên cứu chi tiết về các đặc điểm sinh học, khả năng sản xuất và lai giống. Trong 20 đề tài đã nghiên cứu về gà Hồ thì 2/3 số đề tài là nghiên cứu về các đặc điểm cơ bản. Do đó, xuất phát từ tình hình thực tế trên, nhóm nghiên cứu do ThS. Đào Lệ Hằng, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo vào bảo tồn giống gà Hồ ở thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh” nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi, công tác bảo tồn giống gà Hồ tại quê hương của nó; Đánh giá chất lượng tinh dịch gà Hồ và chọn lọc được các gà Hồ trống hạt nhân, chất lượng cao tham gia vào thụ tinh nhân tại; Nghiên cứu, xây dựng được quy trình thụ tinh nhân tạo hiệu quả cho gà giống Hồ; Xác định hiệu quả của phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà Hồ so với thụ tinh trực tiếp thông thường.

 

Các kết quả thu được sau một thời gian triển khai nghiên cứu như sau:

1. Về tình hình chăn nuôi gà Hồ tại thôn Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Tổng đàn gà hiện là 3.389 con, trong đó gà Hồ thuần là 1.547 con, chiếm 45,65% tổng đàn, tập trung chủ yếu ở Lạc Thổ Bắc (792 con). - Cơ cấu đàn gà Hồ thuần chủ yếu là gà mái (48,22%), gà trống (27,21%), ít nhất là gà hậu bị (11,44%). Gà chủ yếu được bảo tồn theo phương pháp chăn nuôi truyền thống.

2. Về thụ tinh nhân tạo cho gà Hồ

- Gà Hồ có chất lượng tinh dịch rất tốt, hoàn toàn đáp ứng công nghệ thụ tinh nhân tạo.

- Môi trường pha tinh phù hợp nhất là môi trường Lozenz.

- Thời điểm khai thác tinh gà Hồ: 15h

- Tần suất khai thác tinh: 3 ngày/lần

- Đã xây dựng được Quy trình TTNT cho gà Hồ: Chọn Gà trống, chọn Gà mái > Khai thác tinh > Bảo quản tinh > Thụ tinh cho gà mái.

- Gà Hồ được sinh ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo không chỉ vẫn đảm bảo độ đồng đều, các đặc điểm đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt mà còn có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn so với gà Hồ được sinh ra từ giao phối tự nhiên.            

Từ các kết quả thu được này, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện căn cứ khoa học về đặc điểm sinh học của gà Hồ, tinh dịch gà Hồ và được tạo mọi điều kiện để nhanh chóng chuyển giao công nghệ TTNT vào chăn nuôi và bảo tổn gà Hồ theo cách phát triển bền vững.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13123-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2337

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)