Sáng 9/1, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm 2018. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành…
Thứ trưởng Phạm Công Tạc báo cáo, năm 2017 chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam đã có bước tiến từ vị trí 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế, tăng 12 bậc. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay và là nước dẫn đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Hệ tri thức Việt số hóa đã được chính thức khởi động, là nơi để cộng đồng chia sẻ, sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến và kiến thức, kinh nghiệm, góp phần nâng cao tri thức chung", ông Tạc nói.
Chế tạo nhiều thiết bị có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài
Theo báo cáo của Bộ, năm 2017 kết quả hoạt động khoa học công nghệ đã đóng góp vào việc hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9,4% (tăng 2% so với năm trước). Lĩnh vực cơ khí chế tạo đã có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng tương đương với sản phẩm nước ngoài.
Điển hình là hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW của Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) với tiêu chuẩn châu Âu, được đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty cổ phần ôtô Trường Hải phát triển chuỗi sản xuất linh kiện, thiết bị hỗ trợ, lắp ráp các loại xe buýt đến 80 chỗ với tỷ lệ nội địa hóa đến 40%. Nhà máy bơm Hải Dương chế tạo nhiều loại bơm đặc thù, bơm công suất lớn phục vụ công trình trong nước và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, việc đổi mới công nghệ đã góp phần tăng sản lượng than khai thác bình quân 14% mỗi năm. Nhiều công nghệ tiên tiên thế giới đã được tiếp thu và làm chủ, ứng dụng thành công, như: làm chủ thiết kế cơ sở và chế tạo các loại giàn khoan dầu khí tự nâng hoạt động ở vùng nước sâu; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp đặt hiệu chỉnh hoàn thiện dây chuyền than công suất lớn, giá thành rẻ hơn so với nhập khẩu.
Thứ trưởng Tạc cho biết, lĩnh vực giao thông, xây dựng đã chuyển từ giai đoạn hợp tác với các chuyên gia, tư vấn nước ngoài sang hoàn toàn làm chủ việc ứng dụng công nghệ hiện đại. Việt Nam đủ năng lực lắp ráp, thi công công trình hiện đại, có độ phức tạp cao, như cầu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực; làm chủ và áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu treo, dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công.
Lĩnh vực tài chính ngân hàng đã áp dụng công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Hạ tầng truyền thông phục vụ cho Chính phủ, doanh nghiệp và người dân được phát triển mạnh mẽ với tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 128 triệu, 95% dân số đã được cung cấp vùng phủ sóng 4G nhờ việc làm chủ nghiên cứu, sản xuất trạm eNode 4G.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị.
Khoa học công nghệ giúp năng suất lúa đứng đầu ASEAN
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ đã đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất. Ông Tạc cho biết, trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới sử dụng giống của Việt Nam. Năng suất một số vật nuôi, cây trồng đạt cao so với thế giới, như lúa đứng đầu ASEAN; cá tra, hồ tiêu đứng đầu thế giới; cà phê, cao su đứng thứ hai thế giới.
"Tỷ lệ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, số lượng máy móc, sản xuất nông nghiệp tăng 1,5-2% so với năm 2016", Thứ trưởng Tạc nói.
Ở địa phương, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành vùng sản xuất cây ăn quả lớn với diện tích trên 26.000 ha (gồm vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo…) thu nhập đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm.
Xoài Cát Chu (Cao Lãnh, Đồng Tháp) với diện tích gần 10.000 ha, tổng thu nhập đạt 2.300 tỷ đồng mỗi năm, được xuất khẩu sang thị trưởng Nhật Bản, Hàn Quốc. Dừa Bến Tre được chế biến thành hơn 30 loại sản phẩm, mang lại thu nhập 5.400 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 13% dân số tỉnh Bến Tre.
Nhiều vũ khí đáp ứng yêu cầu tác chiến, kỹ thuật ghép tạng tiến vượt bậc
Một thành quả nổi bật của khoa học công nghệ trong năm 2017 là lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã có 87% nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất. Nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật đã tham gia các cuộc diễn tập hợp đồng tác chiến, đáp ứng yêu cầu.
Trong lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh như: Kỹ thuật sinh học phân tử; sử dụng đồng vị phóng xạ phục vụ việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh ung thư.
"Năm 2017 đánh dấu bước tiến mới với việc bác sĩ Học viện Quân y phối hợp với chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi từ người hiến tạng còn sống. Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện thành công ca ghép thận trao đổi chéo đầu tiên trên cả nước.
"10/11 loại văcxin đã nghiên cứu và sản xuất thành công phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm", ông Tạc nói và cho biết Việt Nam trở thành nước thứ tư ở châu Á sản xuất được văcxin Sởi - Rubella và một trong 43 nước sản xuất được văcxin.
Thứ trưởng Tạc cho biết, năm 2018 Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các cơ chế để khuyến khích thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với doanh nghiệp và phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm quốc gia; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tập trung hợp tác theo chiều sâu với đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hợp tác để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...