Thứ tư, 10/01/2018 16:18 GMT+7

Phát triển năng lượng tái tạo

Năng lượng tái tạo (NLTT) đang phát triển nhanh trên thế giới, xu thế ngày càng rõ ràng, không còn phụ thuộc vào một số quốc gia mà đã mang tính toàn cầu. Sự tăng trưởng ấn tượng nhất phải kể đến ngành điện sử dụng nguồn NLTT, với tổng công suất trong năm 2016 đạt hơn hai triệu MW, sản lượng hơn sáu nghìn tỷ kW giờ, chiếm 24,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, chúng ta đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu tinh sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Như vậy, việc phải phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ mang lại rủi ro rất lớn trong việc cung cấp năng lượng, khi nguồn cung giảm hoặc giá năng lượng tăng đột biến, dẫn đến bảo đảm an ninh năng lượng khó có thể kiểm soát. Giải pháp cho vấn đề này không gì khác ngoài phát triển NLTT. Theo dự báo trong Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nếu không phát triển nhanh nguồn NLTT (không kể thủy điện), nhu cầu nhập khẩu năng lượng của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng rất cao. Cụ thể, dự báo năm 2030 phải nhập khẩu 78,7 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng), năm 2050 nhập khẩu 129 triệu TOE, chiếm lần lượt 41,1% và 41,2% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp. Do đó, mục tiêu đặt ra là phải đạt tỷ lệ NLTT trong tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp khoảng 32,3% vào năm 2030 và 44% vào năm 2050. Một ưu thế quan trọng khác, NLTT còn là nguồn năng lượng bền vững, không thải ra chất ô nhiễm gây hại cho môi trường, có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để phát triển thành công ngành công nghiệp NLTT, trước hết cần bảo đảm tính ổn định và khả năng dự đoán được chính sách cơ bản hỗ trợ nguồn NLTT. Nhất là các chính sách hỗ trợ như biểu giá điện cho NLTT (FIT) sẽ là động lực chính cho tăng trưởng thị trường của nguồn năng lượng này. Do đó, để phát triển NLTT ở Việt Nam, các chuyên gia kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển NLTT như: cấp đất, miễn thuế xuất, nhập khẩu vật tư thiết bị NLTT,… Nhất là cần có chính sách ưu đãi về vốn cụ thể cho các doanh nghiệp trong nước tham gia trong lĩnh vực này. Cần sớm ban hành thêm giá điện gió cả trong đất liền và ngoài khơi, giá điện sinh khối cũng như giá điện sinh học; tính toán suất đầu tư, thời gian thu hồi vốn để định giá điện NLTT giai đoạn đầu một cách hợp lý để tăng sức thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần quy hoạch lại hệ thống lưới điện truyền tải sao cho đồng bộ với các nguồn NLTT; tổ chức nghiên cứu, sản xuất, chế tạo được vật tư, thiết bị để xây dựng các dự án về điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối; có kế hoạch đào tạo chiến lược về nhân lực gồm các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, các kỹ sư, công nhân từ nghiên cứu công nghệ, thiết kế chế tạo, xây dựng, lắp ráp và vận hành các dự án NLTT. Song song với các giải pháp nêu trên, quan trọng nhất là phải đẩy mạnh, tăng cường việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện một cách hiệu quả nhất để giảm bớt sức ép lên tổng nhu cầu năng lượng của đất nước.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35238502-phat-trien-nang-luong-tai-tao.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2196

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)