Thứ năm, 04/01/2018 17:28 GMT+7

CNTT là nền tảng cho việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là chia sẻ của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam”, do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức mới đây, tại Hà Nội.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam nên bắt đầu tạo nền tảng cho sự tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 từ công nghệ thông tin (CNTT). CNTT phải là hạ tầng của hạ tầng, trên cơ sở đó tiếp cận các sáng kiến, biến thành các lợi ích kinh tế thật sự.

 

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại tọa đàm

 

Hiện nay, Chính phủ, cơ quan nhà nước, những người quyết định về chính sách đã bắt đầu ý thức rất rõ về câu chuyện phải bắt đầu từ nền tảng CNTT. Nhu cầu ứng dụng CNTT hiện nay cũng đã trở thành những nhu cầu thực tiễn từ cơ quan nhà nước cho đến doanh nghiệp, người dân chứ không phải nhu cầu theo phong trào.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Trần Đình Thiên, các doanh nghiệp Việt Nam có độ nhạy bén và tư duy tốt, có đủ khả năng ứng biến tiếp cận CMCN 4.0, tuy nhiên cần phải có chiến lược cụ thể.

 

Các khách mời tham gia tọa đàm "Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế VN"


Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group cũng nhận định, lý tưởng và triết lý của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là phải sử dụng CNTT để tăng năng suất lao động, từ đó tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. “Các doanh nghiệp truyền thống nếu không thích ứng được thì đó chính là đối tượng cần phải “lật đổ” trong cuộc cách mạng này” – ông Bình nhận định.

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech Group

 

Trong CMCN 4.0 với nhiều ứng dụng công nghệ, sức lao động của con người đã được giải phóng. Điển hình như với loại hình taxi công nghệ thì không cần đến bộ máy quản lý như taxi truyền thống. Theo đó, nếu doanh nghiệp không năng động thì sẽ bị đào thải. 

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong bài toán kinh tế, “áp bức” chính là sự trì trệ, bảo thủ, không chịu thay đổi của các doanh nghiệp truyền thống. Các doanh nghiệp CNTT có 2 con đường, một là hợp tác, giúp cho các doanh nghiệp truyền thông thay đổi, hoạt động hiệu quả hơn, đem lại năng suất lao động tốt hơn, mang đến quyền lợi tốt hơn cho người tiêu dùng; hoặc là “lật đổ” họ, giống như cách Uber, Grab hay Rada đã làm với các hãng taxi truyền thống.

Với ngành ngân hàng, việc chuyển tiền xuyên biên giới, chuyển tiền giữa các quốc gia có phí rất cao. Trong khoảng 5 năm gần đây, ngành ngân hàng cũng đang phải cắt giảm nhân sự rất nhiều, do áp lực cạnh tranh từ các công ty startup trong lĩnh vực Fintech. “Hiện NextTech Group cũng đang hợp tác với nhiều công ty Fintech của nước ngoài để cung cấp dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, giúp người sử dụng dịch vụ không cần phải đến ngân hàng”, ông Bình cho hay. 

Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến nhanh, tiến mạnh hơn trong thời gian tới, ông Bình cho rằng vấn đề nhận thức rất quan trọng, đặc biệt là cần có tư tưởng cởi mở với các phát kiến mới. Nếu không thay đổi thì trong CMCN 4.0 này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nguy nhiều hơn cơ.

 

TS Lê Nam Thắng

 

Bên cạnh đó, TS Lê Nam Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng, chúng ta đang bước vào CMCN 4.0 với nhiều thuận lợi hơn so với thời kỳ kết nối Intrernet cách đây 20 năm. Tuy nhiên, vấn đề phải làm được là vai trò của quản lý nhà nước và tất cả các bộ, ngành đều phải vào cuộc một cách thực sự./.

Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ khiến thế mạnh nguồn lao động giá rẻ của nhiều nước, trong đó, Việt Nam sẽ là một trong những nước bị đe dọa nghiêm trọng bởi công nghệ robot “chiếm ngôi”.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/cntt-la-nen-tang-cho-viec-tiep-can-cach-mang-cong-nghiep-40.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2856

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)