Thứ năm, 04/01/2018 10:51 GMT+7

Doanh nghiệp chủ động đón đầu công nghệ

Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) vừa công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật trong năm 2017.

Các sự kiện được bình chọn trên 6 lĩnh vực: cơ chế chính sách, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, tôn vinh nhà khoa học, hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ ứng dụng.

Việc bình chọn dựa trên tiêu chí tần suất thông tin xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông và ảnh hưởng xã hội/kinh tế của công nghệ/chính sách đó đến đời sống. Chính các nhà báo là những người làm thông tin, cảm nhận về sự thay đổi của đời sống công nghệ.

Ở lĩnh vực khoa học công nghệ ứng dụng, hai doanh nghiệp Việt được điểm danh là một dấu hiệu đáng mừng của các doanh nghiệp nước ta trong việc chủ động đón đầu công nghệ.

Ở lĩnh vực viễn thông, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã triển khai mạng 4G thành công trên phạm vi toàn quốc với hơn 36 nghìn trạm BTS 4G. Viettel là một trong 10% số nhà mạng trên thế giới sử dụng được công nghệ này. Việt Nam cũng lọt tốp 20 quốc gia có hạ tầng 4G hiện đại nhất, chất lượng nhất, mật độ phủ dân cư tốt nhất theo chuẩn quốc tế.

Còn sự kiện Công ty cổ phần Traphaco khánh thành nhà máy sản xuất thuốc hiện đại nhất Việt Nam vào ngày 8/11 tại tỉnh Hưng Yên lại được đánh giá là một cú hích trong ngành tân dược.

 

 
 

Ở Việt Nam, Traphaco là công ty đầu tiên áp dụng công nghệ BFS (thổi - rót - hàn) vô trùng hiện đại nhất thế giới vào sản xuất thuốc nhỏ mắt. Lọ đựng thuốc nhỏ mắt được thổi từ hạt nhựa nguyên sinh nóng chảy. Toàn bộ quá trình nạp hạt nhựa - đúc thành lọ - rót dịch thuốc - hàn kín chỉ diễn ra trong 13s. Do đó, độ vô trùng tương đương với các chế phẩm tiêm truyền dùng sau hậu phẫu trong bệnh viện.
 


 

Các dây chuyền thuốc nước, siro công suất lớn hoàn toàn đồng bộ và kết nối tự động. Sự hiện diện của con người được giảm thiểu tối đa và phải tiến hành các quy trình khử trùng khắt khe trước khi vận hành dây chuyền.

Đặc biệt dây chuyền thuốc viên được trang bị hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ của châu Âu kết nối liên hoàn, khép kín đảm bảo giảm thiểu nguy cơ sinh bụi, khắc phục hoàn toàn nguy cơ nhiễm chéo trong quản lý sản xuất.
 


 

Nhà máy của Traphaco đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GMP-WHO. Đáng chú ý, các dây chuyền như Thuốc nhỏ mắt đã đạt chuẩn và đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu GMP EU, PIC/S.

PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - đánh giá đây không chỉ là thành quả của riêng Traphaco, mà là kết quả nỗ lực phấn đấu của cả ngành dược. Chỉ khi có công nghệ tốt, vô trùng trong sản xuất, chất lượng thuốc mới cao. Năng suất cao, chất lượng sản phẩm đồng đều ít lỗi hỏng mới giúp doanh nghiệp cạnh tranh được.

Theo ông Truyền, mỗi năm Bảo hiểm y tế chi dùng khoảng 50 nghìn tỷ, nên chính sách coi trọng chất lượng dược phẩm khi đấu thầu vào hệ thống điều trị của Bộ Y tế là cú hích để các doanh nghiệp dược chú trọng đầu tư công nghệ mới của thế giới. Traphaco hiện đang đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.

Bên cạnh đó, với việc Luật chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực, bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sẽ tạo ra một cú hích tạo động lực về chính sách để các công nghệ được ứng dụng trong đời sống.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ có động lực và được khuyến khích đầu tư vào công nghệ cao, bên cạnh hai doanh nghiệp kể trên.

Liên kết nguồn tin:

http://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/doanh-nghiep-chu-dong-don-dau-cong-nghe-2018010309354269.htm

 

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Lượt xem: 2345

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)