Thứ sáu, 22/12/2017 15:06 GMT+7

“Dùng ý tưởng sáng tạo của người Việt để phát triển KT-XH đất nước”

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) phải đi vào thực chất, có như vậy chúng ta mới sử dụng được các kết quả sáng tạo của người Việt Nam để phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp và có những bước chuyển biến mạnh mẽ, dùng khoa học và công nghệ (KH&CN), dùng ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam để phát triển KT-XH của đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ tại Hội thảo khoa học Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Cục PTTTDN) tổ chức ngày 20/12/2017 tại TP. Hồ Chí Minh. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, chia sẻ thông tin và giới thiệu các chính sách mới nhất về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam.

Hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trong thanh niên và phụ nữ. Về phía Bộ KH&CN cũng đang tập trung triển khai xây dựng các nội dung và thực hiện các nội dung của Đề án 844 đã trình được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Với quan điểm Nhà nước không hỗ trợ trực tiếp cho các khởi nghiệp mà chỉ hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn mồi thông qua các Trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp, lập nghiệp, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, làm như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi thông qua các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp chung, giúp cho những người khởi nghiệp có các chuyên gia tư vấn tốt để hướng dẫn và hỗ trợ cho biết cách làm, biết cách đi và biết học kinh nghiệm của những người đi trước để có thể phát triển sự nghiệp của mình.

Một điều rất quan trọng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng chính là làm thế nào để huy động nguồn lực của xã hội. “Nhà nước chỉ là người đưa ra những vốn  mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí trong nước và ngoài nước, cái này nên chia sẻ và nêu quan điểm rõ ràng trong quá trình thực hiện hoạt động khởi nghiệp và ĐMST”.
 


Thứ trưởng Trần Văn Tùng: “Nhà nước chỉ là người đưa ra những vốn  mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí trong nước và ngoài nước”

 

 

Ông Huỳnh Quyền, Đại học Quốc gia TP. HCM cũng cho biết, thực tế cho thấy, hệ sinh thái ĐMST của cả nước nói chung và của TP. HCM nói riêng hiện nay vẫn chưa có đủ sự kết nối cộng sinh giữa các thành phần để cùng phát triển, đáp ứng được sự cạnh tranh ngày lớn của quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới. Vì vậy rất cần sự hỗ trợ của các thành phần để liên kết được hệ sinh thái ĐMST bền vững. Tại Đại học Quốc gia TP. HCM, sự ra đời của các vườn ươm mục đích chính là để tạo môi trường trải nghiệm thực tế cho sinh viên, giúp sinh viên tích lũy các kiến thức, kỹ năng về quản trị dự án khởi nghiệp. Ông Quyền cũng cho rằng, cần nhìn nhận một cách thực tế, hoạt động khởi nghiệp không dành cho tất cả mọi sinh viên. Theo thống kê, chỉ có khoảng 2-3% sinh viên đại học là có thiên hướng khởi nghiệp, trong đó chỉ có một phần nhỏ trong số này về sau sẽ trở thành doanh nhân khởi nghiệp.

Nhằm tạo môi trường thực tiễn cho sinh viên trực tiếp trải nghiệm về khởi nghiệm, từ năm 2014, Đại học Quốc gia TP. HCM đã đặt mục tiêu xây dựng Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP. HCM thành một cụm khởi nghiệp sáng tạo, trước mắt tập trung cho lĩnh vực CNTT và truyền thông sau đó mở dần ra các lĩnh vực khác.

Theo đại diện lãnh đạo Sở KH&CN TP. HCM, đối với các dự án khởi nghiệp ĐMST, Sở cũng hỗ trợ các khởi nghiệp bằng cách xây dựng mạng lưới chuyên gia, tư vấn, cố vấn khởi nghiệp ĐMST thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau; kết nối với các quỹ đầu tư để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp như IDG, Dragon Capital, Spring…; xây dựng mạng Sàn giao dịch công nghệ, Cổng thông tin giao dịch công nghệ; hỗ trợ hoạt động truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp thông qua xây dựng cổng thông tin ĐMST…

Nhiều tham luận của các đại biểu đến từ Sở KH&CN và DN cũng chia sẻ thông tin về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam, những kinh nghiệm và thực tiễn, những bài học để khởi nghiệp thành công như: Giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kế hoạch triển khai Đề án 844; Kinh nghiệm quốc tế về thực tiễn và giải pháp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; Các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong một số lĩnh vực…

Khởi nghiệp không thể một mình…

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục PTTTDN Phạm Hồng Quất cho rằng, một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cần nhấn mạnh ba trụ cột chính. Thứ nhất là cần nâng cao năng lực và nhận thức, đặc biệt từ phía các địa phương và các trường đại học cần đưa vào ưu tiên. Thứ 2 cần nâng cao truyền thông để tạo ra văn hóa khởi nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp, có nghĩa dám chịu, dám làm, dám đứng lên và bắt đầu lại sau thất bại.

“Chúng ta thường không có máu liều, nhưng máu dám làm dám chịu sau khi chuẩn bị “chết” hoặc “chết” xong rồi cũng còn rất hạn chế. Vì thế văn hóa hỗ trợ khởi nghiệp từ gia đình, bạn bè, thầy cô, người thân rất quan trọng… Đặc biệt từ phía DN nhỏ và vừa cùng chung tay để trở thành những người đầu tiên mua hàng cho khởi nghiệp, những người đầu tiên giới thiệu DN khởi nghiệp vào chương trình xúc tiến thương mại, đó là những bàn tay “bà đỡ” thiên thần và tuyệt vời giúp cho khởi nghiệp đứng lên, mạnh mẽ hơn và cảm thấy mình không đơn độc”.

Thứ 3, theo ông Phạm Hồng Quất, chúng ta không thể một mình và và phải liên kết. Lý giải nguyên nhân trên, ông Quất cho biết, trong hệ sinh thái quốc gia, Bộ, ngành, địa phương thì viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức cá nhân, doanh nhân là như nhau. Vì vậy cần học hỏi lẫn nhau về các bước đi như thế nào để tìm ra sự phù hợp và đưa vào chiến lược của địa phương.

Thêm nữa, bên cạnh yếu tố con người, sự liên kết về truyền thông, chúng ta cần có nguồn lực về tài chính, dù ít hay dù nhiều phải có bàn tay bà đỡ ban đầu từ phía địa phương, chính quyền, để kích thích khu vực tư nhân tham gia với nhà nước hỗ trợ cho khởi nghiệp.

“Một trong những cốt lõi để khởi nghiệp ĐMST thành công là sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các starup thành công trong nước và quốc tế. Sự chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau để cùng đổi mới và phát triển”, đại diện lãnh đạo Sở KH&CN TP. HCM cho biết thêm.

Để tạo thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, năm 2017 Bộ KH&CN đã cho ra mắt Cổng thông tin kết nối khởi nghiệp Việt Nam nhằm kết nối những nhà khởi nghiệp, nhà đầu tư, tư vấn, các cơ quan quản lý và rất nhiều đối tượng khác nhau trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã và đang hỗ trợ cho các đối tượng khởi nghiệp, giúp cho các hoạt động khởi nghiệp tại các Bộ ngành, nhất là các địa phương  phát triển.

Về hoạt động khởi nghiệp và ĐMST, Bộ KH&CN giao cho Cục PTTTDN và Văn phòng Đề án 844, đây là các địa chỉ để các Sở, Ban ngành các thành phố, đặc biệt là các Sở KH&CN phối hợp triển khai các nội dung của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương mình.

“Tôi mong muốn hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đi vào thực chất, sử dụng được các kết quả sáng tạo của Việt Nam để phát triển kinh tế, phát triển DN và có những bước chuyển biến mạnh mẽ, dùng KH&CN, dùng ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam để phát triển KT-XH của đất nước”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.



Đại điện lãnh đạo Cục PTTTDN, Đại học Quốc gia TP. HCM… giải đáp và chia sẻ với các đại biểu những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp ĐMST

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2836

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)